Chất lượng giáo dục đại trà - đôi điều suy ngẫm

Chất lượng giáo dục luôn là điều trăn trở đối với các nhà quản lý giáo dục nói chung cũng như đối với mỗi giáo viên nói riêng. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục đại trà nói riêng không phải là câu hỏi mới, nhưng để có câu trả lời thì đây luôn là vấn đề mới đối với mỗi cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy.

Một giờ học của cô, trò Trường Tiểu học và THCS Thiệu Châu (Thiệu Hóa). Ảnh: phong sắc

Cùng với giáo dục cả nước, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa luôn nỗ lực, phấn đấu và đạt được những kết quả nổi bật đáng tự hào cả trong giáo dục mũi nhọn và đại trà, đặc biệt là kết quả trong các kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và khu vực. Từ năm 1984 đến nay, HS Thanh Hóa đã đạt 54 huy chương Olympic quốc tế và khu vực, trong đó có 41 huy chương quốc tế, gồm 10 HCV, 16 HCB, 15 HCĐ và 4 Bằng khen; 13 huy chương Olympic khu vực, gồm 2 HCV, 3 HCB, 8 HCĐ và 4 Bằng khen. Điểm lại thành tích của năm 2019, HS Thanh Hóa đạt 4 huy chương Olympic quốc tế (1 HCV môn Vật lý, 1 HCV môn Hóa học, 1 HCV môn Tin học, 1 HCB môn Sinh học) và 1 HCĐ môn Vật lý Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với thành tích này, năm nay, Thanh Hóa tiếp tục đứng đầu toàn quốc khi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp, Thanh Hóa có HS đạt huy chương tại đấu trường tri thức quốc tế và là năm đạt nhiều huy chương nhất từ trước đến nay. Cũng trong năm học 2018-2019, tham gia kỳ thi HS giỏi quốc gia các môn văn hóa THPT, Thanh Hóa đạt 65 giải, với 7 giải nhất, 17 giải nhì, 16 giải ba và 15 giải khuyến khích. Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT đạt 92,39%; toàn tỉnh có 35 bài thi đạt điểm 10; 107 HS đạt 27 điểm trở lên ở 3 môn xét tuyển đại học, cao đẳng...

Kết quả trên đã và đang khẳng định “thương hiệu” giáo dục xứ Thanh trong hệ thống giáo dục cả nước, xứng danh với truyền thống “Đất Thanh - đất học”. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, bên cạnh thành tích về giáo dục mũi nhọn thì chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh những năm gần đây vẫn chưa thật sự bứt phá, thậm chí có những khâu có chiều hướng đi xuống. Một ví dụ điển hình, nếu như kỳ thi THPT quốc gia các năm 2017 và 2018, tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt trên 97%, đến năm 2019, con số này giảm còn 92,39%. Trong đó, khối THPT đạt 94,38%, giảm 3,51% so với năm 2018, khối bổ túc THPT đạt 64,04%, giảm 28,63% so với năm 2018. Theo thống kê, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia năm 2016, Thanh Hóa đạt 4,83 điểm, xếp thứ 14 trong “bảng xếp hạng” giáo dục toàn quốc, đến năm 2018, tụt xuống thứ 49 toàn quốc với 4,82 điểm và năm 2019 đứng vị trí thứ 46. Trong khi đó, các địa phương khác có điều kiện tương đồng, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ và các địa phương có điều kiện khó khăn hơn, như: Gia Lai, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Trị nhưng vẫn có điểm trung bình các môn trong kỳ thi THPT quốc gia cao hơn nhiều. Ngay cạnh Thanh Hóa, tỉnh Ninh Bình cũng luôn giữ vị trí thứ 3, thứ 4 trong toàn quốc. Cùng với những giảm sút trên, nhiều người còn cho rằng, các nhà trường chưa thực sự coi trọng giáo dục toàn diện, việc giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho HS còn hạn chế. Một số hiện tượng tiêu cực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để như chạy lớp, chạy trường, lạm thu, dạy thêm, học thêm...

Trước thực trạng trên, tại hội nghị tổng kết ngành giáo dục mới đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đã yêu cầu ngành GD&ĐT đánh giá kỹ và chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo của ngành dẫn đến tình trạng yếu kém về chất lượng giáo dục đại trà ở các nhà trường, đồng thời, tập trung củng cố, đưa ra các giải pháp khắc phục. Từ yêu cầu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngành giáo dục cũng đã nghiêm túc đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế và đưa ra những giải pháp khắc phục. Theo đồng chí Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, năm học vừa qua một số chỉ tiêu trong kỳ thi THPT quốc gia có sự giảm sút. Thực trạng này đã được ngành phân tích đáng giá kỹ với nhiều nguyên nhân, như: Chất lượng giáo dục giữa khu vực miền núi và miền xuôi vẫn còn khoảng cách nhất định; việc xét tốt nghiệp THPT năm nay dựa trên kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi THPT quốc gia theo tỷ lệ 30:70 đã ảnh hưởng lớn đến đối tượng HS có học lực yếu, chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp... dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ. Đội ngũ giáo viên vẫn còn thừa, thiếu cục bộ. Sở GD&ĐT cũng như phòng giáo dục các huyện, thị xã, thành phố chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế, khắc phục tình trạng học lệch, học tủ trong HS; công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động dạy và học trong thời gian qua chưa nhiều. Ngoài ra, ở các trường trung học, công tác quản lý dạy, học chưa đồng bộ, chưa đều tay giữa các nhà trường; việc quản lý đánh giá kết quả học tập của HS chưa chặt chẽ, chưa thực sự khách quan. Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh HS, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của con em mình mà phó thác cho nhà trường nên kết quả học tập của các em còn hạn chế...

Tuy nhiên, đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Hoa cũng cho hay: Những chỉ tiêu của kỳ thi THPT quốc gia chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để đánh giá chất lượng giáo dục đại trà của một địa phương. Bởi thực tế, để có thể đánh giá được chất lượng giáo dục đại trà phải xét ở nhiều góc độ khác như, công tác phổ cập giáo dục, ý thức học tập, rèn luyện của HS, việc triển khai đổi mới phương pháp giáo dục và các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học... Và, trong những năm qua, những yếu tố trên, ngành giáo dục Thanh Hóa đã thực hiện khá hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.439 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 69,32%; phòng học kiên cố, cao tầng tăng nhanh, đạt tỷ lệ 87,7%. Ngành cũng đã chú trọng củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; triển khai các dự án, đề án về đổi mới phương pháp giáo dục và các hoạt động giáo dục mang lại hiệu ứng tích cực...

Đối với vấn đề tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT giảm sút, điểm trung bình môn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, hiện ngành giáo dục Thanh Hóa đã nghiêm túc nhìn nhận lại với tinh thần cầu thị, đồng thời, đưa ra những giải pháp khắc phục trong năm học tới, như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn đối với các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng GD&ĐT miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020”; từng bước khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số đơn vị trường; tăng cường khắc phục tình trạng HS học lệch, học tủ; chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng dạy và học các môn tiếng Anh, Lịch sử ở các trường THPT, đặc biệt là các trường khu vực miền núi, các trường khu vực nông thôn, các trường THPT có điểm đầu vào thấp, nhằm từng bước nâng cao điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia...

Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, là vùng đất giàu truyền thống hiếu học với nhiều năm luôn giữ vững danh hiệu lá cờ đầu trong cả nước về chất lượng giáo dục, song, thầy và trò nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chịu không ít thiệt thòi do điều kiện cơ sở vật chất trong trường học còn khó khăn, thiếu thốn; việc đầu tư cho giáo dục có lúc, có nơi còn hạn chế... Vì vậy, để có thể thay đổi về chất, mỗi thầy, cô giáo phải vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tâm huyết với nghề, thi đua dạy tốt. Mỗi HS nỗ lực phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt. Và, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục, rất cần sự chung tay của phụ huynh HS, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng nền giáo dục Thanh Hóa sẽ có bước phát triển, xứng đáng với truyền thống và sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/chat-luong-giao-duc-dai-tra-doi-dieu-suy-ngam/107557.htm