Chất lượng giáo dục đại học không đến từ cái tên!

Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung 2018 có hiệu lực từ 1-7-2019 đã định nghĩa và giải thích rất chi tiết cho các vấn đề đang tranh cãi như đại học, trường đại học, học viện, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, thậm chí cả khái niệm trường trong trường đại học.

Chất lượng giáo dục không đến từ cái tên mà nó được đánh giá từ nỗ lực của cả một đội ngũ tập thể. Nhưng, cái tên cũng gây ra nhiều rắc rối từ việc thêm hoặc bớt một chữ “trường” như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế tại lễ khai giảng năm học 2019- 2020 của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đang gây nhiều ý kiến tranh luận, Báo CAND nhận được bài viết của TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh lý giải về vấn đề tên gọi “Đại học”, “Trường Đại học” và chất lượng của giáo dục đại học.

Đại học khác Trường Đại học

Vấn đề tên gọi Đại học hay Trường Đại học thực ra đã được tranh luận cách đây hơn 20 năm khi các đại học quốc gia ra đời (tại Hà Nội và tại TP Hồ Chí Minh) và tiếp tục kéo dài đến nay. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, Nghị quyết 05 của Hội nghị lần thứ IV, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa VII (tháng 6-1993) đặt ra một số nhiệm vụ trong đó có “Xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”, “Xây dựng một số cơ sở mạnh đảm nhận các nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm”, và “Xây dựng các trung tâm khoa học vùng”.

Để hiện thực hóa các nhiệm vụ này, các đại học quốc gia và đại học vùng (không có chữ trường trước cụm từ đại học) đã lần lượt được thành lập từ cuối năm 1993 trên cơ sở “tổ chức, sắp xếp lại” các trường đại học đã có.

TS Nguyễn Đức Nghĩa trong 1 buổi tư vấn tuyển sinh cho học sinh khu vực TP Hồ Chí Minh.

TS Nguyễn Đức Nghĩa trong 1 buổi tư vấn tuyển sinh cho học sinh khu vực TP Hồ Chí Minh.

Đầu tiên là Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) được thành lập từ 3 trường đại học lớn ở Hà Nội. Tiếp sau là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Thái Nguyên vào năm 1994 (là các đại học vùng), và cuối cùng là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 1995. Chính phủ cũng đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia từ năm 1997.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2009 tên gọi “đại học” mới chính thức được “luật hóa” trong Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung cho Luật Giáo dục 2005, theo đó tại điều 42 khoản b quy định: các cơ sở giáo dục đại học bao gồm Đại học, Trường Đại học, Học viện, nhưng “oái ăm” thay, ngay sau định nghĩa này lại quy định gọi chung là Trường Đại học.

Đến năm 2012 khi Luật Giáo dục đại học ra đời, các khái niệm, mô hình và cơ chế hoạt động của các đại học quốc gia, đại học vùng được quy định rõ hơn. Tại điều 7 khoản c, Luật Giáo dục đại học 2012 đã chính thức đưa đại học quốc gia, đại học vùng vào hệ thống giáo dục quốc dân và cũng quy định gọi chung là đại học (không còn chữ trường ở trước).

Đặc biệt, có hẳn riêng Điều 8 của Luật Giáo dục 2012 nói về đại học quốc gia, trong đó quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của đại học quốc gia. Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, các phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cơ chế này hoàn toàn khác với việc bổ nhiệm lãnh đạo của các đại học vùng và các trường đại học (thật ra tất cả các nội dung này đã có trong thực tế từ khi thành lập các đại học quốc gia).

Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung 2018 có hiệu lực từ 1-7-2019 đã định nghĩa và giải thích rất chi tiết cho các vấn đề đang tranh cãi như đại học, trường đại học, học viện, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, thậm chí cả khái niệm trường trong trường đại học.

Như vậy ở đây không chỉ là sự khác biệt về tên gọi “đại học” và “trường đại học” mà còn đi kèm theo là cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại học, trường đại học cũng rất khác nhau.

Đại học Y dược hay Đại học Khoa học sức khỏe?

Bộ trưởng Bộ Y tế không hề sai khi phát biểu rằng Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phải đổi tên thành Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Hiện nay con dấu của “trường” đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh không có chữ “trường” ở phía trước.

Việc đổi tên này chỉ để tuân thủ các quy định trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung 2018, chẳng hề liên quan gì đến việc nâng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường như một số ý kiến gán ghép việc đổi tên trường với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhân đây cũng thấy rằng trên bảng hiệu, tiêu đề rất nhiều trường đại học đều không có chữ “trường”, ngược lại các đại học quốc gia và đại học vùng đôi khi lại bị gọi là “trường” đã góp phần làm rối rắm thêm ngữ nghĩa của “đại học” và “trường đại học”.

Việc chuyển đổi Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hiện nay thành Đại học Khoa Học sức khỏe hay Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hay Đại học X,Y, Z gì đó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Đây không còn đơn giản chỉ là việc đổi tên mà còn kèm theo đó là sự thay đổi về cơ chế tổ chức, chức năng nhiệm vụ quyền hạn, quy mô và lĩnh vực đào tạo... của tổ chức giáo dục mới đó. Tất nhiên, khi đó cái tên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vẫn có thể sử dụng lại, nhưng khi đó Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khác rất nhiều so với cái gọi là “Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh” hiện nay.

TS Nguyễn Đức Nghĩa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/chat-luong-giao-duc-dai-hoc-khong-den-tu-cai-ten-562687/