'Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh đang được cải thiện'

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Mới đây, VCCI đã công bố chỉ số PCI năm 2021 với nhiều điều đáng chú ý. Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chung quanh sự kiện thường niên được dư luận quan tâm này.

Ông Đậu Anh Tuấn.

Ông Đậu Anh Tuấn.

Xin ông cho biết chỉ số PCI năm 2021 có gì khác biệt khi mà phần lớn thời gian của năm 2021 doanh nghiệp và chính quyền cũng như người dân phải ứng phó với đại dịch Covid-19?

Chúng tôi nhận thấy năm 2021 là năm lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy nhưng báo cáo PCI 2021 ghi nhận, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh đang được cải thiện. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn.

Khảo sát doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều điểm sáng của môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố. Chẳng hạn như chi phí không chính thức tiếp tục giảm trong nhiều thủ tục liên quan đến doanh nghiệp hay thủ tục hành chính tiếp tục được doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện nhờ công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ.

Năm nay, nếu so với các năm trước thì khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối có xu hướng hội tụ lại, trong khi trước đây khoảng cách này rất xa. Xu hướng của bảng xếp hạng PCI năm nay, chúng ta thấy một số nhóm tỉnh, đặc biệt là vùng Đông Bắc của cả nước đã có sự bứt phá. Chẳng hạn Quảng Ninh năm thứ 5 liên tiếp nằm trong vị trí đứng đầu, Hải Phòng cũng là một cực tăng trưởng khác lần đầu tiên lên vị trí thứ 2, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên năm nay đều có những thay đổi rất tích cực. Trong năm 2021, các tỉnh khu vực Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng đang có sự bứt phá so với trước đây.

Năm 2021 tiếp tục xu hướng cải cách đồng đều của các tỉnh và thành phố Việt Nam. Nếu như trước đây, quá trình cải cách môi trường kinh doanh tập trung ở không nhiều tỉnh, thành phố nhưng giờ có thể thấy đến bất cứ địa phương nào đều cảm nhận được không khí cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Lên các tỉnh miền núi phía bắc, lên Tây Nguyên, vào Tây Nam Bộ hay các tỉnh duyên hải miền trung đều cảm nhận được những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Khi điều tra về PCI 2021, ông cảm nhận thế nào về sự đồng hành và chia sẻ của chính quyền địa phương với doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài?

Dịch bệnh chưa có tiền lệ, năm 2021 một số chính quyền địa phương còn lúng túng, ngại ngần trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Địa phương nào mà có sự kết hợp hài hòa giữa hai mục tiêu: chống dịch và phát triển kinh tế, không bị cực đoan một phía thì được các doanh nghiệp đánh giá cao. Trong điều tra PCI 2021 có những kết quả hết sức thú vị, đó là sự tương quan rất chặt giữa việc quản trị dịch bệnh và đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng điều hành. Cho nên dường như địa phương nào có quản trị dịch bệnh tốt, hỗ trợ doanh nghiệp trong duy trì sản xuất, kinh doanh tốt thì đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng điều hành cao.

Chưa năm nào có nhiều cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài nhiều như năm 2021. Ở các địa phương cũng vậy. Chúng tôi thấy ở đâu mà duy trì được hoạt động gặp mặt đối thoại, trao đổi, tháo gỡ khó khăn thì tác động rất lớn đến niềm tin của doanh nghiệp với chính quyền. Bởi vì trong giai đoạn khó khăn thì người ta cần sự hỗ trợ, sự chia sẻ. Có thể chia sẻ thôi cũng tạo ra nhiều tác động tích cực. Cho nên thái độ, cách thức, sự tổ chức của chính quyền hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp phải qua những hành động cụ thể chứ không phải chỉ qua văn bản, giấy tờ.

Thưa ông, chất lượng điều hành của chính quyền là một yếu tố được quan tâm hàng đầu trong báo cáo của PCI. Nhưng làm thế nào để đánh giá chính xác chất lượng điều hành đó - một yếu tố rất khó định lượng?

Chất lượng điều hành của chính quyền là một yếu tố rất quan trọng mà nhà đầu tư quan tâm vì sự phiền hà của thủ tục hành chính tạo ra chi phí cho doanh nghiệp, sự trục trặc về thủ tục hành chính có thể tạo ra rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi làm PCI, chúng tôi cố gắng lượng hóa nó dưới góc nhìn của doanh nghiệp. Bởi vì cái gì không đo đếm được thì không cải cách được. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể tính toán được chi phí vận tải, chi phí lao động, chi phí nguyên liệu, nhưng chi phí vận hành của bộ máy hành chính các cấp tác động tới việc kinh doanh của họ thì rất khó tính toán. Cho nên trong 17 năm làm PCI, chúng tôi, với sự kết hợp của các chuyên gia kinh tế luôn cố gắng lượng hóa chất lượng điều hành của chính quyền địa phương vào báo cáo của PCI hằng năm. Đây là gốc rễ của PCI.

Năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức là 41% so với 45% năm trước đó, còn năm 2016, con số này là 66%. Xin ông đánh giá về tốc độ giảm này ?

Trong điều tra PCI qua từng năm, nếu hỏi tôi con số nào ấn tượng nhất thì đó là con số về giảm chi phí không chính thức. Bởi con số về chi phí không chính thức trong nhiều năm trước chỉ có tăng, không giảm. Năm 2015-2016 cứ hỏi 10 doanh nghiệp thì có 6-7 doanh nghiệp cho biết phải thường xuyên chi trả chi phí không chính thức này.

Nhưng từ giai đoạn 2016 trở lại nay thì đang giảm dần. Đây là con số giảm rất rõ ràng và tương đối bền vững, thể hiện nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang dần được cộng đồng kinh doanh, cả trong và ngoài nước khẳng định. Điều này cũng thể hiện sự thành công của việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảm chi phí không chính thức.

Tuy nhiên, ở góc nhìn nào đấy, không gian cải cách của chúng ta vẫn còn lớn, tỷ lệ 41% doanh nghiệp phải trả phí không chính thức vẫn còn cao. Kết quả điều tra PCI 2021 cho thấy chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu với doanh nghiệp như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp cũng thường trả chi phí không chính thức ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy, chữa cháy và đất đai.

Cho nên trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng những nỗ lực để giảm thiểu tham nhũng, giảm thiểu phiền hà trong thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Theo báo cáo PCI 2021, khoảng 51,3% doanh nghiệp trả lời là không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ 8% doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, chính sách theo luật định trong bối cảnh gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội đã thông qua đang được triển khai. Điều này cho thấy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả. Theo ông, làm thế nào để thực thi chính sách một cách thực chất, hiệu quả?

Đánh giá về kết quả triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) là một trong những nội dung mới của điều tra PCI 2021, trong bối cảnh doanh nghiệp gắng sức duy trì hoạt động trong thời gian dịch Covid-19. Kết quả PCI 2021 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khiêm tốn, đều dưới 8%.

Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cũng chỉ có 7,34% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI cho biết đã tiếp cận. Chương trình có tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75% doanh nghiệp đã được thụ hưởng, do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này.

Tôi có thời gian dài theo dõi quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của cấp quốc gia cũng như cấp tỉnh, thành phố. Điều tôi nhận ra sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố không phải là ban hành nhiều kế hoạch cải cách, nhiều nghị quyết, nhiều chương trình hoành tráng mà thật ra sự khác biệt chính là chất lượng thực thi chính sách.

Bởi vì chúng ta đã có nhiều đạo luật tốt, nhiều chính sách phù hợp với mong muốn của người dân và doanh nghiệp nhưng triển khai vào thực tiễn thế nào phụ thuộc lớn vào cơ chế thực thi. Cho nên, đối với doanh nghiệp và người dân, họ cần khoảng cách giữa chính sách tới hành động, khoảng cách giữa chỉ đạo tới thực thi phải ngắn lại.

Ở đâu thực thi tốt thì tín hiệu của cải cách mang đến lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Như tỉnh Quảng Ninh đưa ra phương án “năm thật” để các cơ quan nhà nước và cán bộ trong tỉnh thực hiện, đó là: Người dân, doanh nghiệp suy nghĩ thật, nói thật, chính quyền hành động thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp phải được thụ hưởng thật.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Chương (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kinh-te/chat-luong-dieu-hanh-kinh-te-cap-tinh-dang-duoc-cai-thien-698979/