Chất lượng dịch vụ 4G ngày càng tệ: Đừng quên nâng cao chất lượng 4G trước khi thử nghiệm 5G

Chất lượng dịch vụ 4G của các nhà mạng liên tục gặp phải phàn nàn ngày càng tệ. Có những khu vực ngay giữa thủ đô Hà Nội nhưng sóng 4G chập chờn, chuyển mạng, nhảy mạng sang 3G nên làm gián đoạn các thao tác bình thường. Mặc dù vậy, công tác nghiên cứu và thử nghiệm dịch vụ 5G cũng đang được Bộ TTTT chỉ đạo các đơn vị thực hiện và báo cáo trong quý IV/2018.

Phát triển dịch vụ 5G là nhu cầu tất yếu, tuy nhiên, trước đó cần phải giải quyết tốt các vấn đề mà dịch vụ 4G hiện nay. Ảnh: PV

Nghiên cứu, thử nghiệm 5G không bao giờ là sớm

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8/2018, quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện phải phải nghiên cứu quy hoạch tần số để sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G và báo cáo vấn đề này trong quý IV/2018.

Tuy nhiên, khi bài toán 4G chưa thể đáp ứng tốt, kỳ vọng về 5G cũng cần phải cân nhắc kỹ càng và cụ thể hơn, tránh lặp lại một “5G chưa chuẩn 5G” như chúng ta đang gặp phải với dịch vụ 4G hiện tại.

Phó chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ của Qualcomm - ông Jim Cathey đã nhận định: “Khi nhu cầu và mức độ sử dụng dữ liệu tăng trưởng đến một mức độ nhất định, sẽ xuất hiện nhu cầu mới về băng thông, đó là lý do chúng ta sẽ có 5G”. Ở khía cạnh nào đó, có thể nói điều kiện cần - nhu cầu và mức độ sử dụng của chúng ta đã có, song điều kiện đủ - đó là băng thông còn chưa đáp ứng được nhu cầu 4G thì hy vọng dành cho 5G vẫn chỉ là những gì mang tính thử nghiệm.

Ông Jim Cathey cho rằng, để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới 5G không bao giờ là sớm bởi điều đó giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho các công nghệ tương lai.

Phải giải xong bài toán chất lượng 4G trước

Trong nhu cầu của một xã hội kết nối không dây phát triển mạnh mẽ tại thị trường trong tương lai gần có tới 100 triệu người dân như Việt Nam, cùng với quyết tâm phát triển các trung tâm kinh tế - chính trị như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thành những thành phố thông minh, số lượng thiết bị được kết nối không dây cũng sẽ rất lớn, bao gồm cả những thiết bị hằng ngày cho tới thiết bị y tế, giao thông… thì chất lượng và tính bảo mật của dịch vụ viễn thông đóng vai trò hàng đầu, trước khi các sản phẩm công nghệ khác đảm đương nhiệm vụ của mình.

Mặc dù tương lai của 5G xán lạn như vậy, song vẫn phải nhìn thấy một thực tế rằng ở Việt Nam, chất lượng 4G quá kém dẫn tới chất lượng của các hoạt động muốn chuyển đổi số, kinh tế số bị kéo chậm lại. Có thể nói, 4G hiện nay chính là hạ tầng giao thông để các hoạt động kinh tế số diễn ra, một khi con đường còn nhỏ và hẹp, lại có nhiều gián đoạn dẫn tới tắc nghẽn thì hoạt động kinh tế diễn ra trên con đường đó dĩ nhiên bị tắc nghẽn, gây cản trở cho sự thành công. Hồi tháng 4/2018, tại Hội thảo quốc tế 4G - 5G, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện thẳng thắn nhận định 4G được cung cấp cho người dùng tại Việt Nam chưa đạt được tốc độ thực sự của 4G.

Thực tế chất lượng 4G quá kém cũng được lãnh đạo Nhà nước quan tâm và chỉ đạo phải cải thiện điều này. Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ TTTT hồi đầu tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ phải khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6 GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G. Thủ tướng cũng chỉ ra sự yếu kém của mạng 4G hiện đang ở nửa dưới của các quốc gia có dịch vụ 4G và đứng thứ 75 trên thế giới.

Theo Lao Động

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/noi-dung-so/chat-luong-dich-vu-4g-ngay-cang-te-dung-quen-nang-cao-chat-luong-4g-truoc-khi-thu-nghiem-5g-3473449.html