'Chất lượng công trình phải bắt nguồn từ nơi sinh ra nó'

Công tác khảo sát, thiết kế (KSTK) công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông (CTGT) nói riêng là một khâu quan trọng hàng đầu trong hoạt động đầu tư xây dựng (ĐTXD) cơ bản, có vai trò quyết định đến hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư trong suốt quá trình xây dựng cũng như giai đoạn vận hành dự án. Các giải pháp thiết kế trực tiếp liên quan đến tiến độ, chất lượng và chi phí xây dựng công trình. Nâng cao chất lượng công tác KSTK luôn được coi là yếu tố tiền đề, quan trọng đối với sự thành công của mỗi dự án giao thông.

Dấu ấn tư vấn thiết kế TEDI trên các công trình giao thông

Dấu ấn tư vấn thiết kế TEDI trên các công trình giao thông

Cần đánh giá đúng vai trò công tác tư vấn KSTK

Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (TEDI), có 4 nhóm nhân tố chính ảnh hưởng đến chất lượng công tác KSTK công trình giao thông: (i) Năng lực của đơn vị tư vấn KSTK công trình giao thông; (ii) Hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế; (iii) Vai trò và năng lực quản lý, điều hành dự án của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và ban QLDA; (iv) Cơ chế, chính sách của Nhà nước về hoạt động xây dựng phải đầy đủ, thống nhất, minh bạch trong toàn bộ các hoạt động xây dựng. Ngoài ra, phải có chính sách khuyến khích áp dụng thành quả khoa học công nghệ mới, vật liệu mới vào các đồ án thiết kế xây dựng (ngay cả khi chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật và đơn giá định mức áp dụng...).

Quan điểm của TEDI là “Chất lượng sản phẩm phải bắt nguồn từ nơi sinh ra nó”. Do đó, cần thiết phải đánh giá được vai trò của công tác tư vấn KSTK trong hoạt động ĐTXD, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa năng lực đơn vị tư vấn, nhằm nâng cao chất lượng công tác KSTK công trình giao thông.

Thực tế, trong thực hiện ĐTXD công trình xây dựng, chi phí cho giai đoạn tư vấn KSTK là rất nhỏ so với tổng mức ĐTXD công trình nhưng lại là khâu tập trung hàm lượng chất xám lớn để tạo ra sản phẩm thiết kế công trình xây dựng có chất lượng, đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật. Mức độ ảnh hưởng của giai đoạn thiết kế đến toàn bộ hoạt động xây dựng là rất lớn và kéo dài đến suốt tuổi thọ công trình. Giải pháp thiết kế có chất lượng tốt nhất là giải pháp thiết kế bên cạnh việc tối ưu hóa về kinh tế - kỹ thuật - công năng sử dụng... Giải pháp thiết kế cần định hướng đến mục tiêu: phát triển bền vững, có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, đó là phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Một số tồn tại trong công tác KSTK

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại được TEDI chỉ ra trong công tác KSTK. Về nguyên nhân chủ quan, đầu tiên phải kể đến là các văn bản pháp quy ban hành còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và chưa rõ ràng, dẫn tới việc hiểu để vận dụng có khác nhau. Quy chế quản lý đầu tư chưa tiêu chuẩn hóa từng chỉ tiêu cho từng loại công việc tư vấn. Các quy trình KSTK hiện nay đang được các cơ quan quản lý hoàn thiện, tuy nhiên còn thiếu và chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác thiết kế. Mặt khác, cách tính định mức chi phí tư vấn ĐTXD còn nhiều bất cập dẫn đến việc nhiều đồ án thiết kế chưa coi trọng lợi ích kinh tế của chủ đầu tư, làm tăng chi phí xây lắp, từ đó tăng khoản thiết kế phí. Tiếp đó là việc xác định giá vật liệu, định mức còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng gặp trở ngại, kéo dài làm cho hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán phải điều chỉnh tiến độ và giải pháp thiết kế, thi công, dẫn đến những phát sinh thay đổi ngoài dự kiến.

Về nguyên nhân khách quan, theo TEDI thì tổ chức tư vấn tuy nhiều nhưng hầu hết đều mới thành lập, không có năng lực hoặc không đảm bảo yêu cầu ngày càng cao về kỹ thuật và chất lượng, không đủ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và đủ năng lực để thực hiện công tác tư vấn cho dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia. Nhiều đơn vị có các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, một số dự án có tình trạng chia nhỏ gói thầu dẫn tới nhiều giải pháp thiết kế mâu thuẫn trong cùng một gói thầu, không thống nhất trong quan điểm thiết kế, gián tiếp ảnh hưởng chất lượng công tác thiết kế và dẫn đến sản phẩm thiết kế công trình xây dựng kém chất lượng... Trong khi đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan còn tồn tại nhiều hạn chế.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kSTK

Để nâng cao chất lượng công tác KSTK cần lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm qua những dự án đã được thực hiện trước đó bằng phương pháp đánh giá chấm điểm công khai, minh bạch, loại trừ các tư vấn yếu kém, đồng thời xây dựng kế hoạch và quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng công việc của nhà thầu tư vấn. Đối với các dự án lớn, phức tạp (đường cao tốc, đường đi qua khu vực địa hình khó khăn...) cần có quy định cụ thể để lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện công tác thiết kế.

Các bộ phận kỹ thuật tiến hành thị sát tuyến, nghiên cứu kỹ địa hình, địa mạo khu vực để lập nhiệm vụ khảo sát chi tiết, đầy đủ các yếu tố, phục vụ cho công tác thiết kế. Công tác phê duyệt nhiệm vụ KSTK cũng như khối lượng khảo sát phải bám sát theo đề xuất của tư vấn trên cơ sở đảm bảo nhiệm vụ KSTK phải phù hợp với yêu cầu từng loại công việc, từng bước thiết kế. Ngoài ra, khối lượng, nội dung, yêu cầu kỹ thuật phù hợp với quy mô tính chất công trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; khảo sát địa chất, địa hình, thủy văn đầy đủ để có các số liệu sát với thực tế và đáp ứng được các yêu cầu của công tác thiết kế. Trong quá trình thực hiện tránh tình trạng khối lượng khảo sát được phê duyệt chưa đầy đủ dẫn đến thiếu số liệu đầu vào cho công tác thiết kế, làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn giải pháp thiết kế đưa ra chưa phù hợp, nói cách khác là chất lượng thiết kế thấp.

Một yếu tố rất quan trọng là các tổ chức tư vấn cần xây dựng theo hướng dòng chảy của hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Các tổ chức, đơn vị cần thành lập các bộ phận chuyên môn hóa để nâng cao năng lực tư vấn, tổ chức bộ phận kiểm tra chất lượng (KCS) sản phẩm độc lập; có chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới hiện đại ngay từ khâu thiết kế.

Đối với công tác chuẩn bị thiết kế cần tiến hành rà soát thực địa ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ dự thầu nhằm đánh giá những nội dung có thể phát sinh trong quá trình thiết kế để có kiến nghị phù hợp. Trong quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị khảo sát theo dõi tiến độ hiện trường cũng như kiểm tra ngay từ đầu các số liệu, tổ chức kiểm tra, đối chiếu hiện trường cùng đơn vị khảo sát, đơn vị KCS để đánh giá toàn diện số liệu khảo sát cũng như giải pháp thiết kế.

Đối với công tác tính toán khối lượng và lập dự toán cần hết sức chú trọng, đưa ra các biểu mẫu tổng hợp khối lượng phù hợp với yêu cầu của hồ sơ dự toán nhằm đảm bảo tính thống nhất của hồ sơ, rõ ràng, tránh sai sót giữa các gói thầu thiết kế/các dự án thành phần.

Trong hoạt động khảo sát, thiết kế cần thay đổi cách tính định mức chi phí tư vấn ĐTXD theo hướng gắn kết với việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới vào giải pháp thiết kế nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho chủ đầu tư và tính khả thi của dự án. Trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật phải xem xét toàn diện các mặt kỹ thuật, kinh tế - tài chính, bảo vệ môi trường, an ninh - quốc phòng; chú ý đến khả năng cải tạo và mở rộng sau này, đưa ra nhiều phương án để lựa chọn như vị trí tuyến, hướng tuyến và quy mô kỹ thuật của tuyến đường.

Cẩm Phú

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/chat-luong-cong-trinh-phai-bat-nguon-tu-noi-sinh-ra-no-d86964.html