Chất lượng cao tốc 34 ngàn tỷ đồng: Dân cảnh báo từ trước

Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đẹp như tranh vẽ, nhưng chỉ một tháng có những đoạn đã lở lói. Đến lúc này lại nhớ đến câu chuyện lão nông trình độ lớp 7 ở huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã kéo người dân cùng ra tay giám sát thi công, liên tục cảnh báo. Chỉ tiếc, những lời cảnh báo đó không mấy người nghe.

Ông Lực thời điểm đi “giám sát” thi công cao tốc đoạn qua Bình Sơn (Quảng Ngãi) ảnh: Lê Văn Chương

Ông Lực thời điểm đi “giám sát” thi công cao tốc đoạn qua Bình Sơn (Quảng Ngãi) ảnh: Lê Văn Chương

Cách đây 4 năm, tôi nhận được cuộc điện thoại lạ và quyết định gặp người đã cung cấp thông tin về việc thi công gian dối trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Ngồi đối diện là ông Phạm Tấn Lực, sinh năm 1959 - một lão nông ở thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi.
Lão có vóc người nhỏ, nụ cười hơi nhăn nhúm, giọng nói cà lăm, giải nghĩa hơi rườm rà, hỏi ra thì trình độ mới học hết lớp 7, từng làm nghề xây dựng. Tôi tự hỏi, liệu có nên tin vào nguồn tin của một người nông dân có dáng vẻ kham khổ? Nhưng rồi ông Phạm Tấn Lực thuyết phục tôi bằng “hồ sơ điều tra” cụ thể.

Bởi những việc làm sai của nhà thầu thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua khu vực huyện Bình Sơn rất dễ nhận biết bằng mắt thường và không đòi hỏi chuyên môn quá cao siêu. Nguồn tin đầu tiên mà lão nông này chia sẻ đã được nhiều tờ báo công bố khiến nhà thầu “ê mặt”, đó là nhà thầu múc đất bùn dưới lòng hồ để đôn lên lòng đường cao tốc!

Sau bài viết của tôi đăng báo Tiền Phong, cùng sự tham gia của một số báo chí, các đối tượng “lạ” liên tục đảo xe, nẹt pô khi đi ngang qua nhà lão. Đỉnh điểm là đá bắt đầu “bay” vào cửa nhà lão lúc nửa đêm. Khi tôi đến nhà, bà Cường vợ lão thậm thụt nhìn tôi từ đầu tới chân rồi mãi mới dám rón rén gọi điện triệu hồi lão về nhà có nhà báo đến gặp, không lo bị ám sát.

Lão bị hăm dọa vì gởi tin cho báo chí. Lão bị lộ diện vì đã tăng thời lượng đi trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để kiểm tra giám sát. Lão luôn thắc mắc hỏi “ủa, sao mà các anh đục lỗ để kiểm tra nền đường, nhưng toàn đục chính giữa, không chịu đục sang 2 bên?”. Nhiều người dân ban đầu thấy việc làm của lão là ngớ ngẩn, nhưng sau dần cũng có người ủng hộ, tham gia giám sát, hàng ngày đi dọc cao tốc, ghi ghi chép chép và cũng dễ dàng nhận ra những điều bất thường.

Liên tục gửi đơn đến cơ quan chức năng

Lão nông Phạm Tấn Lực cho biết, mình và người dân địa phương đã thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn” bằng cách nắm bắt tình hình, viết thư, gởi ảnh đến các cơ quan chức năng để thông báo tình hình.

Ban đầu thư gởi đi không để tên người gởi, nhưng sau đó thì để đích danh tên, địa chỉ và số điện thoại. Những lá thư gởi đi tới các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi như Hội đồng nhân dân, Văn phòng Quốc hội…nhưng không được hồi âm và xét thấy sai phạm trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn diễn ra nên những người dân địa phương đã “đẩy” những lá thư này ra Hà Nội, gởi đến các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ...

Chứng cứ mà nhiều người dân ở địa phương qua giám sát và phản ảnh như: những khu bùn lầy nhưng chỉ tán qua một lớp đất mỏng, sau đó đổ đá mặt đường. Có khu vực ao hồ thì đổ cây, cỏ xuống rồi san lấp đất; đất phủ trên mặt đường không đúng quy cách, chân móng cống làm không đủ kích thước trong bản vẽ.

Để có được một số bản vẽ trong tay để đi đối chiếu hiện trường, thực hiện quyền giám sát của dân, ông Lực và những người dân đã tranh thủ anh em công nhân trên công trường nêu cao ý thức công dân.

Lê Văn Chương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chat-luong-cao-toc-34-ngan-ty-dong-dan-canh-bao-tu-truoc-1333640.tpo