Chất lính, tình thơ trong 'Chữ của nhà'

Thành Chung đã lưu dấu ấn buồn vui, yêu thương của người lính, viết nên những bài thơ bình dị mà gợi cảm, ngẫm ngợi mà hồn nhiên

Dung dị như tên gọi, tập thơ "Chữ của nhà" - NXB Hội Nhà văn 2018 - của nhà thơ Thành Chung đem lại cảm giác gần gũi và đồng cảm với những tự sự chân thành.

Nhiều năm khoác áo lính Trường Sơn nên chất lính khá đậm trong tập thơ. Người đọc dễ dàng nhận ra tình cảm người lính với quê hương, đồng đội, với người thương yêu được nhà thơ gửi gắm.

Đó là hình ảnh "Những mảnh trời chiến tranh nứt rạn/ rừng già giấc ngủ mong manh" (Một thời lính).

Viếng hương hồn nữ dân quân hy sinh, anh viết: "Đã thề "đỏ ngực, cỏ xanh"/ mà sông cứ mãi chảy quanh trong người/ trong veo riêng một tiếng cười/ đạn bom đỏ đất da trời vẫn xanh" (Dòng sông kể chuyện).

Trong gian khó, ác liệt nhường ấy, vẫn lạc quan sống và chiến đấu với tiếng cười trong trẻo, với màu trời xanh thẳm trên đầu. Cái gốc cây buộc võng ngày vào chiến dịch ở Đồng Xoài năm xưa nay thành ký ức: "Đầu dây xưa thắt lạ lùng/ rừng cây tán lá mãi rung trong người" (Gốc cây đầu võng).

Những hồi ức chiến tranh, với tất cả sự hào hùng, bi tráng, luôn ở trong thẳm sâu từng người lính. Nên khi ghé nhà đồng đội, ngắm bức tranh, những người lính hỏi bạn để rồi câu trả lời đem lại sự bất ngờ mà lắng đọng: "Treo làm chi cả chiến trường/ treo lên tường đó con đường xinh xinh/ thương đau đã ngấm qua mình/ trăng khuya giữ chút mối tình rừng xưa" (Ngắm bức tranh nhà đồng đội).

Và anh không giấu nổi niềm vui khi những đồng đội năm xưa, về với đời thường, đã khấm khá hơn lên trên quê mới ở đất Tây nguyên. Những đôi mắt lính nhìn thành quả lao động mà vui sướng:

"Kể từ dạo đó đến nay/ cà phê vẫn chín bàn tay vẫn mềm…/ xanh cho hết mắt thì thôi/ xanh lây đến tận nóc trời giêng hai" (Mê li mắt lính).

Với người viết, câu chữ là người, là cả sâu nặng và thiêng liêng. Khi đã là chữ của nhà, đó là chữ của ông cha. Cũng chữ đó, nhưng "một đêm chữ xếp thành bia/ một đêm đất đá dậy nghe tiếng người" (Cây tre ở đình làng).

Với "Chữ của nhà", Thành Chung đã có ngôn ngữ biểu đạt phóng khoáng hơn những tập thơ trước, những dấu ấn kỹ thuật đã rõ hơn, đề tài cũng đa dạng hơn. Anh có những tìm tòi đáng ghi nhận: "Ruộng thang kê núi lên cao/ mùa về lúa xõa váy vào chân non/ eo rừng thon đến là thon/ người xuôi châu thổ chân còn trên nương/ ruộng thang lớn ruộng thang con/ chồng lên như thể vẫn còn chồng lên" (Ruộng bậc thang).

Những chủ đề nhiều người viết, Thành Chung cũng bước qua được lối mòn, để người đọc ghi nhận sự khác biệt trong những ý tứ thường dễ lặp lại: "Rơi về giọt nhớ xa xưa/ đêm khe khẽ ướm cho vừa lòng tay…/em cười đêm chết như không/ im lìm là tối mênh mông là tình" (Bóng tối và em).

Và cũng rất duyên dáng những dòng thơ viết ở Nha Trang: "Nói lời của nắng trong mưa/ nói lời từ lúc biển chưa có gì/ để người qua mãi say mê/ cứ ôm tiếng sóng mang về mà yêu" (Biển chưa có gì).

Cứ như thế, "Chữ của nhà" dắt đưa cảm xúc và tự sự. Đúng như nhà thơ Văn Đắc đã nhận xét: "Thành Chung đã lưu dấu ấn buồn vui, yêu thương của người lính…, viết nên những bài thơ bằng "Chữ của nhà" vừa quen vừa lạ, bình dị mà gợi cảm, ngẫm ngợi mà hồn nhiên".

LAM KINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/chat-linh-tinh-tho-trong-chu-cua-nha-20181027202213791.htm