Chất lính thời 'gác bút nghiên'

Lính sinh viên vốn được học hành, sắp thành công, có người sắp được tu nghiệp nước ngoài nhưng họ đều dẹp tất cả sang một bên để cầm súng.

Những cựu binh ôn lại một thời hào hùng

Những cựu binh ôn lại một thời hào hùng

Gác lại hoài bão

Chúng tôi là lính sinh viên do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất, đạo diễn Hoàng Dũng thực hiện, dự kiến phát sóng dịp 30/4. Nhân vật trong phim vốn là những chàng sinh viên những năm 1971 lên đường vào Nam vì mục tiêu thống nhất nước nhà. Họ cũng chính là nguyên mẫu cho các nhân vật chính trong phim điện ảnh Mùi cỏ cháy-phim về mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị phát hành năm 2012.

Từng tham gia làm một số phim thời hậu chiến với vai trò quay phim, đạo diễn Hoàng Dũng muốn theo đuổi câu chuyện với những nhân chứng đặc biệt. Một dịp chiếu phim ở hãng, anh tình cờ gặp nhóm cựu chiến binh tới xem phim và trò chuyện. “Tôi có cảm giác rất lạ về những điều đặc biệt ở những người lính sinh viên này”, anh nói.

Ông Nguyễn Dũng, cựu sinh viên Bách khoa kể, 1970 là năm đầu tiên thực hiện thi vào đại học, nhóm bạn lớp phổ thông có chín người thi đại học, bảy người đỗ vào trường Bách khoa. Tuy thế chỉ mới học xong năm thứ nhất, đầu năm học thứ hai vào 6/9/1971 ông cùng hơn 600 thầy giáo, cán bộ, sinh viên Bách khoa lên đường vào Nam. “Ra đi chỉ một lời thề/ Đánh thắng giặc Mỹ mới về Bách khoa”, ông Dũng nhớ lại khẩu hiệu chắc nịch của lính sinh viên Bách khoa năm xưa.

“Mình mang tiếng là sinh viên, trót có chữ mà thời giặc dã đất nước cần không thể ru rú ở xó nhà. Ngoài nghĩa vụ tôi có suy nghĩ đến lượt mình rồi, lên đường không băn khoăn gì cả. Mình đi để các em ở nhà được học hành”, nhạc sỹ Nguyễn Quý Lăng-bạn học với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc- cựu sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói.

Gia đình bác sỹ Đỗ Minh Quang (cựu sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) có bốn người con trai, ông có giấy nhập ngũ cùng ngày với anh trai. Trong gia đình duy nhất ông học đại học, là niềm tự hào của cả gia đình, nhưng vì chiến tranh nên “xác định lên đường vui vẻ, không bịn rịn”. Hành trang của lính sinh viên vào chiến trường cũng có chút khác những anh lính cùng thời, ngoài quân trang là sách vở, những cây kèn harmonica, đàn ghi ta lên đường đánh giặc.

Cựu binh sinh viên về lại chiến trường xưa. Ảnh: Hoàng Dũng

Ký ức thời hoa lửa

Phim dài 47 phút đưa người xem ngược thời gian trở lại thời kỳ thương đau mà hào hùng của dân tộc. Chúng tôi là lính sinh viên có lối kể chuyện bình dị. Người xem biết thêm về cuộc sống và chiến đấu của hàng nghìn người lính sinh viên qua câu chuyện, ký ức và góc nhìn của các nhân vật như ông Dũng, ông Lăng, ông Quang hay ông Nguyễn Lương Thái (Nghệ An), nhà báo Phùng Huy Thịnh, ông Trần Văn Phúc... đều là các cựu sinh viên từ Hà Nội lên đường chi viện cho miền Nam.

Ði qua chiến tranh, ở thời bình họ có thể kể về nỗi khổ với sự vui vẻ lạ kỳ khi ôn chuyện cũ với đồng đội. “Kể về những người anh hùng ấy không bao giờ hết chuyện. Sau tất cả, tôi muốn khắc họa nụ cười của họ. Những chiến sĩ chiến đấu kiên cường, bây giờ vẫn hồn nhiên mang tố chất lính sinh viên: Nhìn gương mặt họ tự hào để thấy chiến tranh không chỉ có đau thương mất mát, không chỉ có bắn giết, hy sinh, còn có nhiều điều khác tốt đẹp ở bên trong”, Hoàng Dũng nói.

Trong ký ức của bà Trần Thị Diệp (Quảng Trị), khi ấy là du kích mật đưa bộ độ qua sông Thạch Hãn, lính sinh viên đều thư sinh trắng trẻo, ăn nói nhẹ nhàng, vui vẻ hòa đồng. Người trong cuộc như ông Dũng lại nhớ về khoảnh khắc “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Chỉ huy giao cho các anh lính phải vào nhà dân xin tre về làm hàng rào, những chàng thanh niên Hà Nội ban đầu ngại ngùng đi rồi về tay không, sau láu lỉnh biết đủ chiêu lấy lòng dân. Tranh thủ ngoài giờ huấn luyện hay sau những giờ phút đối diện mất mát, họ lại lật giở những trang sách đem theo mong có ngày về tiếp tục đèn sách. Lính sinh viên trong phút giây bình yên có thể lãng mạn, hát nhạc trữ tình nhưng như lời các cựu binh khi xung trận ai ai cũng “rất lì”.

Trong hơn chục nghìn sinh viên lên đường vào Nam, quá nửa trong số họ nằm lại ở chiến trường Quảng Trị. Đó cũng là lí do đạo diễn trở đi trở lại mảnh đất một thời bom đạn dày hơn đá sỏi. Những anh lính đêm trước còn hồn nhiên cùng o du kích đánh tú lơ khơ bôi nhọ nồi lem nhem khắp mặt, hôm sau khi được hỏi thăm đã hi sinh trong trận chiến cam go. O du kích năm xưa hồi tưởng, khi đưa đại đội vượt sông giữa bom đạn gầm rú, ai cũng xác định mình có thể hi sinh như đồng đội, ngày mai có thể có tên trên bia mộ chuẩn bị sẵn.

Không xoáy quá sâu về những mất mát đau thương, nhưng nỗi đau thấm thía vẫn len lỏi xuyên suốt bộ phim. Nói như ông Nguyễn Dũng, được trở về là mơ ước chính đáng của tất cả, nhưng cũng nhiều người không có ngày về. Ngày sinh viên lên đường ra trận hào hùng lắm, nhưng cũng có nỗi đau xót khôn nguôi. “Tại sân trường Bách khoa năm ấy, có người mẹ đi từ Nghệ An ra tiễn con, khi xe chạy bà thét lên “ới con ơi”. Tiếng thét cả đời tôi không bao giờ quên”, ông nghẹn ngào. Những ngôi mộ vô danh vẫn là nỗi đau của biết bao gia đình. Có những người nằm xuống nay hòa vào đất mẹ, để những người ở lại vẫn đau đáu với hành trình đi tìm đồng đội.

Thời chiến, lính sinh viên biết bao người mãi mãi tuổi 20, dang dở bao hoài bão được học hành, cống hiến tri thức cho Tổ quốc. Ở thời bình, người lính vẫn âm thầm với những nỗi đau khác. Những người lính may mắn sống tới những ngày giải phóng trở về đời thường phải đối mặt với cuộc sống khốn khó của thời hậu chiến. Những kỹ năng sống sót như thổi cơm trong hầm, luồn rừng tránh địch, nhóm lửa bằng dây điện... liệu có giúp họ mưu sinh?

Ông Nguyễn Dũng bảo, nhiều người trở về nối tiếp sự nghiệp đèn sách, nhưng cũng có những người kém may mắn hơn. Để bớt gánh nặng cho gia đình, ông Dũng thôi học và xin vào làm ở phòng thí nghiệm để trang trải cuộc sống. Di chứng chiến tranh, hội chứng của những người từng đi qua bom đạn là những điều có thật. Có cựu binh kể, nhiều lúc không thể thoát khỏi giấc mơ trở lại chiến trường Quảng Trị, thảng thốt không biết chừng nào mới có thể quay lại trường học. Có những người gánh theo nỗi đau chất độc da cam, có người không bao giờ lập gia đình.

“Ai cũng muốn chung hưởng hạnh phúc hòa bình, nhưng kẻ thù buộc ta ôm cây súng, mà đúng là chúng tôi buộc phải ôm cây súng. Nếu cần phải ôm cây súng lần nữa tôi cũng ôm thôi, làm được gì khác cho đất nước mình đến cùng tôi với các bạn tôi chắc chắn sẽ làm tiếp”.

Ông Nguyễn Dũng

Chất lính sinh viên

Nhà báo Phùng Huy Thịnh nói rằng, trong chiến tranh mọi người lính đều bình đẳng như nhau, dù là lính sinh viên hay không họ đều cùng sát cánh chiến đấu vì mục tiêu cao nhất-thống nhất đất nước. Đạo diễn lại nhìn thấy sự hi sinh ở họ có sự khác biệt: Con người ai cũng có ước mơ, hoài bão. Lính sinh viên vốn được học hành, sắp thành công, có người sắp được tu nghiệp nước ngoài nhưng họ đều dẹp tất cả sang một bên để cầm súng. “Không có chiến tranh, những con người ấy hoàn toàn có thể đem tri thức phục vụ bản thân và gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ chọn đem tri thức ra trận phục vụ chiến đấu, là điều khiến thế hệ sau phải cảm phục”, anh chia sẻ.

Gần một năm theo chân nhóm cựu binh là bạn thân này trong các dịp hội ngộ ở Hà Nội, hoặc về lại chiến trường xưa, đạo diễn tâm niệm muốn làm một phim về thời chiến nhưng chỉ chạm khẽ vào nỗi đau. Những người lính sinh viên ai nấy đều khiêm nhường, lạc quan. Có lẽ vì thế mà từ những hình ảnh tư liệu cho tới nhân chứng kể chuyện, trên môi họ thường trực nụ cười.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chat-linh-thoi-gac-but-nghien-1651043.tpo