Chất lạ 'bóp nghẹt' bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ

Nhiều tháng qua, ngư dân ở biển Marmara không thể đánh bắt cá do một lớp chất đặc, nhớt nổi trên mặt nước. Tình trạng này trở nên tồi tệ vì nhiều nguyên nhân.

Các nhà khoa học cho biết sự xuất hiện của chất nhầy này không phải là một hiện tượng mới, Washington Post đưa tin ngày 27/5.

Tuy nhiên, nhiệt độ nước tăng lên do sự nóng lên toàn cầu khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Một nguyên nhân khác là ô nhiễm nước thải công nghiệp chưa qua xử lý.

Cản trở kế sinh nhai

Vào tháng 4, theo báo Cumhuriyet, các nhà sinh vật học phát hiện chất nhầy xuất hiện ở dưới đáy biển sâu khoảng hơn 30 m. Lớp nhầy này bao phủ lên rạn san hô, có khả năng làm san hô chết ngạt. Xác hàng nghìn con cá cũng được tìm thấy ở một số thị trấn ven biển.

Vấn đề trở nên nan giải hơn nữa trong những tuần gần đây, đường bờ biển của Istanbul như phủ một “tấm thảm màu be”. Các ngư dân vốn dựa vào biển để kiếm sống đã bắt đầu gióng lên hồi chuông báo động vì tình hình này.

Tờ Cumhuriyet trích lời một ngư dân cho biết anh ta đã không thể làm việc kể từ tháng 1. Chất nhầy khiến anh không thể giăng lưới.

 Mặt biển Marmara như bị phủ "một tấm chăn màu be". Ảnh: Daily Sabah.

Mặt biển Marmara như bị phủ "một tấm chăn màu be". Ảnh: Daily Sabah.

Một thợ lặn săn bắt ốc sên biển than thở với hãng thông tấn Anadolu rằng thu nhập của anh bị giảm bởi tầm nhìn dưới nước quá kém. Cua và cá ngựa đang chết dần chết mòn vì chất nhầy nhụa làm tắc nghẽn mang của chúng.

Giảng viên về sinh vật học thủy văn tại Đại học Ondokuz Mayıs, ông Özgür Baytut nói với tờ BirGün rằng kể từ lần đầu tiên xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2007, chất nhầy dường như ảnh hưởng đến khu vực biển Địa Trung Hải theo chu kỳ.

Theo ông, điều “bất thường” là việc chất nhầy thường xuyên được tìm thấy dọc theo bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng thời gian gần đây.

Chủ yếu do con người

Theo Guardian, hàm lượng nitơ và phốt pho cao ở biển Marmara dẫn đến việc các quần thể thực vật phù du thải ra một lượng “chất nhầy” khổng lồ.

Mặc dù bản thân các chất nhầy này không có hại, nó có thể trở thành vật chủ của các vi sinh vật độc hại và vi khuẩn nguy hiểm như E.coli - vi khuẩn gây ra các bệnh về đường tiêu hóa cho con người.

Hơn nữa, khi chất nhầy dày tới mức tạo thành một lớp bao phủ trên bề mặt nước, nó có thể gây ra một thảm kịch. Nó ngăn cho cá hô hấp dẫn đến hiện tượng chết cá hàng loạt, từ đó dẫn đến tình trạng lượng oxy giảm mạnh trong nước gây nghẹt thở cho các loài sinh vật biển khác.

Các nhà khoa học nghi ngờ rằng biến đổi khí hậu có thể là một yếu tố vì thực vật phù du phát triển mạnh ở vùng nước ấm. Mùa đông vừa qua ôn hòa hơn bình thường, có nghĩa là biển Marmara ấm hơn mức trung bình vài độ.

Mustafa Sari, một giáo sư tại Đại học Bandırma Onyedi Eylül, nói với kênh podcast Kisa Dalga rằng những khối chất nhầy khổng lồ và kết dính thể hiện “biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng rõ ràng”.

Không chỉ cản các ngư dân, những người làm du lịch cũng lo lắng "chất nhầy" sẽ làm giảm bớt vẻ đẹp của biển Marmara. Ảnh: Daily Sabah.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng ngăn chặn chất thải chưa được xử lý đổ trực tiếp vào biển Marmara giúp phần nào giảm mức nitơ và phốt pho.

Đánh bắt quá mức - khiến thực vật phù du không còn nhiều con mồi tự nhiên - cũng có thể gây ra tình trạng này.

Các quan chức ở Istanbul đầu tháng 5 thông báo hợp tác với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Đại học Bandırma Onyedi Eylül để đưa ra một giải pháp, bao gồm việc đưa tàu thuyền nạo vét đáy biển.

Ở Izmit, các công nhân thu gom hơn 110 tấn chất nhầy, sau đó đã được đưa đến một lò đốt để xử lý.

Lo ngại chất nhầy có thể làm sụt giảm lượng khách du lịch, một số người đã kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn vấn đề tái phát.

Ismet Cigit, phóng viên của tờ báo Ses Kocaeli, than thở rằng con người đã “phản bội vùng biển đẹp nhất thế giới này” bằng cách cho phép các cơ sở lưu trữ hóa chất, bồn chứa nhiên liệu, nhà máy và các khu công nghiệp xây dựng dọc theo bờ biển.

“Rõ ràng là không có hình phạt răn đe nào đối với những người gây ô nhiễm biển. Marmara đang chết đi”, ông viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chat-la-bop-nghet-bo-bien-tho-nhi-ky-post1220133.html