Chặt đứt đường dây lừa đảo quốc tế chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng (Bài 1: Lừa hơn 3,9 tỷ đồng sau khi kết bạn qua facebook)

Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều bị hại ở khắp các tỉnh, thành phố như: Tuyên Quang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, TT-Huế... đã bị một nhóm đối tượng nước ngoài có quốc tịch Nigeria câu kết với các đối tượng Việt Nam lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng. Đến ngày 8-6, 11 đối tượng lừa đảo trong đường dây này lần lượt sa lưới lực lượng CSHS CA tỉnh TT- Huế, gồm: Ugochukwu Samuel Nnaemeka (1996); Stanley Chidiebere Umed (1991); Nnaka Chibuzor Frankline (1984); Chimezie Ebuka Samuel (1992); Chukwugekwe Godwin Ajearo (1986); Ugochukuwu Okechukwu James (1985); Ogo Emeka Donal (985); Ngô Hãi Nghi (1996); Vũ Ái Linh (1996); Đào Đăng Vũ (1987) và Phạm Ngọc Duy (1984).

Các đối tượng: Chukwugekwe Godwin Ajearo; Ugochukuwu Okechukwu James; Ogo Emeka Donal và Vũ Ái Linh, Ngô Hãi Nghi

Các đối tượng: Chukwugekwe Godwin Ajearo; Ugochukuwu Okechukwu James; Ogo Emeka Donal và Vũ Ái Linh, Ngô Hãi Nghi

Khoảng cuối tháng 4-2020, Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế nhận được đơn trình báo của bà C.T.N.H (trú TP Huế, TT-Huế) bị một đối tượng lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng. Theo khai nhận của bà N.H, qua mạng xã hội facebook bà có kết bạn với một người nước ngoài có tên Frederik Hannes. Sau một thời gian trò chuyện qua lại, người nước ngoài này nói với bà N.H là đang đầu tư làm ăn một số dự án ở Thái Lan nên đang cần tiền. Sau đó, đối tượng đặt vấn đề mượn tiền của bà N.H để triển khai dự án. Tin lời người này, bà N.H đồng ý cho mượn. Theo cơ quan CA, trong vòng 20 ngày (từ ngày 25-3 đến 15-4); bà N.H đã nhiều lần chuyển tổng số tiền hơn 3,9 tỷ đồng vào nhiều tài khoản mà người này cung cấp.

Đại tá Phạm Văn Toàn - Trưởng phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế cho biết, từ thông tin do bà N.H cung cấp, lực lượng Phòng chống tội phạm công nghệ cao của Phòng CSHS CA tỉnh lần theo dấu vết dòng tiền tại các ngân hàng thì phát hiện số tiền hơn 3,9 tỷ đồng của bà N.H được chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Ngay sau khi bà N.H chuyển tiền vào nhiều tài khoản thì mọi hoạt động rút tiền đều được các đối tượng thực hiện giao dịch tại các cây ATM trên khắp địa bàn TPHCM...

“Từ kết quả điều tra ban đầu, chúng tôi xác định có một nhóm đối tượng lừa đảo đang hoạt động tại TPHCM, và nạn nhân có thể ở nhiều địa phương. Các đối tượng này câu kết, sử dụng chứng minh nhân dân giả nhưng dán ảnh của một người để cùng mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng nhằm phục vụ cho việc giao dịch tiền. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CA tỉnh, đơn vị đã xác lập chuyên án đấu tranh và cử tổ công tác vào TPHCM để xác minh, làm rõ”, Đại tá Phạm Văn Toàn cho biết.

Một tổ công tác Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế lập tức vào TPHCM thu thập các chứng cứ. Sau 15 ngày đêm triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Ban chuyên án đã xác định được chân dung 5 đối tượng có liên quan đến việc lừa đảo của bà N.H. Tổ công tác đã lần lượt bắt giữ khẩn các đối tượng gồm: Ugochukwu Samuel Nnaemeka (Richard), Stanley Chidiebere Umed, Nnaka Chibuzor Frankline, Ngô Hãi Nghi, Vũ Ái Linh. Quá trình điều tra, CA đã xác định được, đối tượng Richard liên lạc, trao đổi và cung cấp tài khoản ngân hàng cho đầu trên là Zion Boss qua ứng dụng Whatssap để nhận tiền của các bị hại lừa đảo tại Việt Nam. Richard sẽ thỏa thuận với đầu trên để ăn chia theo lợi nhuận từ 8-10%. Khi nhận được tiền, sẽ giao cho Ngô Hãi Nghi (bạn gái) hoặc Stanley Chidiebere Umed và Vũ Ái Linh thực hiện hành vi rút tiền. Các đối tượng này sẽ được chia 3-4% số tiền rút, Richard được hưởng 5-6%.

Để có tài khoản ngân hàng cung cấp cho đầu trên, Richard chỉ đạo Ngô Hãi Nghi làm hàng loạt chứng minh nhân dân giả, có dán ảnh của đối tượng Nghi để thực hiện việc mở tài khoản. Nghi đã liên hệ với một số đối tượng trên mạng để thuê làm giả CMND với giá 3 triệu đồng/CMND. Sau khi sở hữu được một CMND giả thì Nghi mở cùng lúc nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau với mục đích nhận tiền lừa đảo của các bị hại ở Việt Nam. Tất cả các tài khoản này đều được Richard quản lý. Sau khi nhận được thông báo, Richard đưa thẻ cho Nghi, Stanley Chidiebere Umed, Nnaka Chibuzor Frankline và Vũ Ái Linh đi rút rồi đưa số tiền về cho Richard, rồi chuyển cho đầu trên.

“Sau khi giao nộp tiền cho đầu trên thì chúng tôi sẽ được trả công từ 2 đến 10% số tiền rút. Số tiền chúng tôi được giao rút từ một nạn nhân ở Huế (bà N.H- P.V) là 470 triệu đồng. Còn số tiền còn lại thì được đầu trên giao cho các nhánh khác rút, và các nhánh khác là ai thì chúng tôi không rõ”, đối tượng Nghi khai nhận tại cơ quan CA.

Từ lời khai của 5 đối tượng nói trên cùng với tài liệu, chứng cứ thu được, Ban chuyên án xác định và bắt giữ thêm một mắt xích quan trọng trong đường dây này là đối tượng Phạm Ngọc Duy. Đối tượng này chịu trách nhiệm tìm mua các tài khoản ngân hàng rồi bán cho nhóm đối tượng người nước ngoài với giá từ 7-8 triệu đồng. Đồng thời, các đối tượng người nước ngoài này cũng giao lại tài khoản cho Duy để Duy rút tiền cho chúng, mỗi lần Duy rút tiền sẽ được hưởng 2% trên tổng số tiền rút.

Không chỉ đấu tranh làm rõ vụ chiếm đoạt lừa đảo 3,9 tỷ đồng của bà N.H; quá trình điều tra mở rộng; CA còn phát hiện hàng loạt các đối tượng liên quan. Nạn nhân trong đường dây lừa đảo này lên đến cả trăm người ở khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam.

(còn nữa)

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_226094_chat-dut-duong-day-lua-dao-quoc-te-chiem-doat-hon-120-ty-dong-bai-1-lua-hon-3-9-ty-dong-sau-khi-ket-ban-qua-facebook-.aspx