Lòng dân đo công lý

Bảo vệ công lý là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của ngành tòa án và mỗi thẩm phán, được Hiến định tại điều 102 của Hiến pháp.

Trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, tòa án vinh dự, tự hào được Hiến định là cơ quan có nhiệm vụ "bảo vệ công lý". Đây là quy định có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành tòa án. Vì vậy, khi xét xử, tòa án nhân danh nhà nước để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phán quyết của tòa án đòi hỏi phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, toàn diện, đúng pháp luật nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các bên có liên quan.

Ngoài chức năng xét xử, tòa án còn gánh vác trọng trách tuyên truyền pháp luật. Thông qua hoạt động xét xử của tòa án, tinh thần pháp luật lan tỏa đến mọi người dân. Một bản án thấu tình, đạt lý là bản án được dư luận đồng tình ủng hộ. Tất nhiên, không thể dùng thước đo phản ứng của dư luận để đánh giá sự đúng sai của bản án nhưng một bản án xử đúng, khách quan sẽ không bị dư luận phản đối.

Thời gian qua, nhiều bản án của tòa án khi xét xử, bị dư luận phản đối, dẫn đến việc tòa cấp trên vào cuộc xem xét, hủy án. Cách đây không lâu là vụ TAND TP HCM xử ông Nguyễn Mạnh Hùng và các đồng phạm về tội "Buôn lậu" liên quan đến Công ty VN Pharma bị TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao hủy án. Nhưng có lẽ nghiêm trọng nhất là vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em. Chỉ sau 4 ngày TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên mức án 18 tháng tù treo cho ông Thủy, TAND Cấp cao tại TP HCM ra quyết định kháng nghị theo hướng hủy án phúc thẩm. Thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, cũng bị đình chỉ nhiệm vụ để kiểm điểm trách nhiệm. Những bản án như vậy đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành tòa án, làm dư luận nghi ngờ về sự công tâm, khách quan của tòa án.

Với riêng vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy, việc làm của HĐXX cấp phúc thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao: Tăng cường, nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án!

Trong những năm qua, chánh án TAND Tối cao không ngừng đặt ra yêu cầu và có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng thẩm phán cả về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức. Thẩm phán có đủ năng lực, giữ được sự trong sạch trong hoạt động xét xử của mình, sẽ đưa ra bản án, quyết định khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Thế nhưng, thật đáng tiếc, vẫn còn có những thẩm phán vì lý do nào đó, có thể do bản lĩnh, kiến thức hoặc một yếu tố nào đó tác động dẫn đến việc ra bản án bị phản ứng, làm mất niềm tin của người dân vào công lý.

Việc TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng vào cuộc ngay sau khi có phản ứng của dư luận là điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng để người dân tin vào công lý, vào sự nghiêm minh của tòa án thì mỗi thẩm phán phải tự mình trui rèn bản lĩnh, nâng cao năng lực xét xử và trên hết phải chính trực, vô tư, khách quan khi nhân danh nhà nước thực hiện việc xét xử, bảo vệ công lý.

Lâm Hoàng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/long-dan-do-cong-ly-20180518223153048.htm