Chặt chẽ thu chi để bền vững tài chính công

Để đảm bảo nền tài chính công bền vững, đã có những đề xuất về thay đổi cách quản lý chi đối với các nguồn thu ngân sách nhà nước. Song, không hẳn các ý kiến này được tiếp thu một cách đầy đủ.

Ở một số nước phát triển, nguồn thu từ tài nguyên không dùng để cân đối ngân sách nhà nước mà được dùng để hình thành quỹ đầu tư quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà

Không “ăn” của thế hệ sau

Chia sẻ góc nhìn về tài chính công bền vững tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 ngày 20/9, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Việt Nam nêu ví dụ về hoạt động của Quỹ hưu trí tự nguyện Na Uy. Quốc gia Bắc Âu này là điểm sáng trên bản đồ kinh tế - xã hội thế giới với hệ thống phúc lợi cao. Ngành dầu khí được coi là mũi nhọn trong nền kinh tế này, do đó, nguồn thu từ dầu khí nói riêng và thu từ tài nguyên nói chung được giám sát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, cách thức sử dụng nguồn thu này là chuyển vốn tài nguyên thành vốn tài chính và dùng để đầu tư ở nước ngoài thông qua quỹ hưu trí quốc gia và dùng lợi tức thu được để chi đầu tư cho con người là chính. Tức là, vốn tự nhiên chuyển thành vốn tài chính để đầu tư và xây dựng nền tảng đảm bảo cho sự phát triển của thế hệ tương lai.

Đồng tình với cách làm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đây là bài học “Không “ăn” của thế hệ sau” và không chỉ là câu chuyện của riêng Na Uy mà còn của nhiều nước khác thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD). Theo đó, các nguồn thu từ khoáng sản, tài nguyên không dùng để cân đối ngân sách nhà nước mà được dùng để hình thành quỹ đầu tư quốc gia. Ngân sách nhà nước hiện thời chỉ được hưởng lợi tức từ quỹ này, hay nói cách khác là biến tài nguyên thành quỹ phát triển cho đời sau.

Cũng theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, điều này đã được đề cập đến trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước năm 2005, theo đó, nguyên tắc các nguồn thu từ khoáng sản không được dùng để chi tiêu, mà phải đưa vào một quỹ phát triển đã được bàn đến. Tuy nhiên sau đó, đề xuất này chỉ được tiếp thu một phần với nội dung là đưa tiền thu từ đất để đầu tư cho hạ tầng và bỏ ngỏ nội dung về xây dựng quỹ từ nguồn thu tài nguyên khoáng sản.

“Lúc đó, chúng tôi đã đề cập hai điều. Một là, đưa nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản vào một quỹ của quốc gia để tái đầu tư cho nền kinh tế. Hai là, không dùng nguồn thu này để cân đối chi thường xuyên, mà chỉ cân đối cho chi đầu tư phát triển”, ông Tuấn nói và cho biết thêm: “Ở thời điểm đó, thu từ tài nguyên, khoáng sản vẫn chiếm đến 23 - 25% tổng thu ngân sách. Đến nay, thu ngân sách từ tài nguyên, khoáng sản chỉ chiếm 4 - 5% tổng thu ngân sách. Cho dù số thu này đã giảm nhưng đây là chiến lược đúng và cần phải làm, cần đưa vào quy định tại luật và hoạch định chính sách cho thời hạn sau năm 2020. Đây là điều mà người làm chính sách rất cần lưu ý”.

Giám sát quỹ ngoài ngân sách

Bên cạnh việc giám sát các khoản chi ngân sách nhà nước, việc sát sao với các quỹ ngoài ngân sách cũng là điều cần thiết để hạn chế thất thoát tiền nhà nước. Đề cập đến nội dung này, PGS. TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng, có 3 bộ phận quan trọng của tài chính nhà nước là: quản lý thu - chi ngân sách; tín dụng nhà nước; quản lý quỹ ngoài ngân sách, quỹ cạnh ngân sách. “Trong 3 bộ phận này, việc kiểm soát và quản lý quỹ ngoài ngân sách và quỹ cạnh ngân sách vẫn còn chưa được đề cập đúng mức. Hiện có khoảng trên 50 quỹ như vậy với tổng số tiền không nhỏ”, ông Thanh nói.

Phản hồi ý kiến này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận: “Để bảo đảm nền tài chính quốc gia bền vững, đúng là cần xem xét các quỹ ngoài ngân sách và quỹ cạnh ngân sách. Điều này cũng cần đặt trong quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định quỹ ngoài ngân sách hoặc quỹ cạnh ngân sách chỉ tồn tại một cách hợp pháp khi có đủ điều kiện là nguồn thu được Quốc hội cho phép thông qua một luật chuyên ngành và thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách theo đúng quy định.

“Trước khi thực hiện Luật Ngân sách nhà nước 2015, có trên 100 quỹ ngoài ngân sách và quỹ cạnh ngân sách. Con số này giờ giảm còn hơn 60 quỹ. Một tín hiệu đáng mừng là Thủ tướng vừa đồng ý về nguyên tắc việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. Mặt khác, trong chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nội dung giám sát việc thực hiện chấp hành Luật Ngân sách nhà nước với 2 điều kiện hoạt động của quỹ này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Tuyên ngôn chính sách của ngành tài chính là, trong giai đoạn 2016 - 2020, theo đuổi các mục tiêu ngân sách với yêu cầu giữ tỷ lệ thu ngân sách nhà nước ở mức 23,5% GDP nhưng không bổ sung chính sách thuế mới, không tăng thêm gánh nặng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này. Thay vào đó, ngành tài chính đã, đang và sẽ tập trung mở rộng cơ sở thuế, trong đó, đặc biệt chú trọng đến thuế bảo vệ môi trường đồng thời với việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và quan tâm đúng mức việc sử dụng các nguồn thu cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Lê Hường

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/tai-chinh/chat-che-thu-chi-de-ben-vung-tai-chinh-cong-79467.html