Charlie Nguyễn: 'Phải 5 năm sau, mới có phim đạt 400 tỷ như Bố già'

Đạo diễn 'Dòng máu anh hùng' cho rằng 400 tỷ đồng là con số ngoài sức tưởng tượng của các nhà làm phim Việt. Anh tin 5 năm sau mới có phim san bằng kỷ lục của 'Bố già'.

14 năm gắn bó với công việc làm phim, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết anh luôn trăn trở làm sao góp sức để phát triển điện ảnh Việt. Nhìn lại hơn 10 năm của điện ảnh Việt, anh đánh giá Bố già là cú hích lớn, tạo niềm tin cho các nhà sản xuất phim đang tham gia thị trường này.

"Tiềm năng của thị trường điện ảnh Việt rất lớn nhưng rủi ro nhiều"

- Với doanh thu 400 tỷ đồng, phim "Bố già" đã lập kỷ lục về doanh thu phòng vé phim Việt. Anh nghĩ thế nào về doanh thu mà bộ phim này đạt được?

- Đây là một bộ phim được làm tốt, chỉn chu. Phong cách, nhịp phim ổn định từ đầu tới cuối. Điều này cho thấy nỗ lực lớn và sự làm việc kỹ càng của cả ê-kíp. 400 tỷ đồng là con số quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Tôi nghĩ ê-kíp làm Bố già có lẽ cũng không nghĩ đến con số này.

 Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng phim Bố già đã đạt doanh thu ngoài sức tưởng tượng. Ảnh: Bá Ngọc.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng phim Bố già đã đạt doanh thu ngoài sức tưởng tượng. Ảnh: Bá Ngọc.

- Theo anh, đâu là yếu tố quyết định khiến bộ phim của Trấn Thành có thể lập kỷ lục?

- Tôi nghĩ bộ phim thành công là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng là khai thác đề tài gia đình - đề tài quốc dân. Đề tài này tiếp cận được nhiều thành phần khán giả.

Không những thế, bộ phim đã kể được một câu chuyện cảm động, chạm đến trái tim người xem. Dường như ai cũng thấy mình trong đó, thấy hình ảnh gia đình mình trong đó.

Một bộ phim có thể gắn kết, tạo sự đồng cảm với khán giả sẽ tạo nên cảm xúc mạnh. Ngoài ra, trong phim còn có những câu nói khiến khán giả nhớ, tâm đắc. Vì vậy, ấn tượng của phim càng ghi đậm trong lòng khán giả.

- 400 tỷ đồng nói lên điều gì ở thị trường phim Việt?

- 400 tỷ đồng là con số ngoài sức tưởng tượng. Hiện tượng này có lẽ nhiều năm sau mới trở lại với điện ảnh Việt. Tôi nghĩ phải 5 năm sau mới có phim đạt được doanh thu như Bố già. Để vượt qua doanh thu đó thì cần nhiều thời gian hơn.

Bộ phim đã vượt qua gấp đôi những kỷ lục trước. Những phim trước chỉ phá kỷ lục một chút thôi. Bố già làm được điều đó do đã thu hút một lượng lớn khán giả không thường xuyên đến rạp. Nhiều khán giả nói vì bộ phim mà họ đến rạp. Họ không phải là lượng khách thường trực đi xem phim.

Một lần, tôi đi xe công nghệ tới rạp phim ở quận 1, bác tài xế đã chủ động hỏi: Anh đi xem Bố già à? Chứng tỏ tài xế đã chở rất nhiều khách đi xem phim này. Vì vậy, họ mặc định người đến rạp là xem Bố già. Thực tế đó cho thấy, bộ phim đã trở thành một hit "khủng khiếp".

- Con số đó hẳn sẽ giúp các nhà sản xuất phim thêm niềm tin vào tiềm năng ở thị trường phim Việt?

- Đối với nhà đầu tư đây là tin mừng cũng là tín hiệu tốt với cả ngành. Doanh thu 400 tỷ đồng cho thấy tiềm năng của thị trường phim Việt rất lớn, đang phát triển. Nếu vẽ biểu đồ doanh thu phim Việt qua 10 năm, có thể thấy mức tăng trưởng rất lớn.

Tuy nhiên, ở khía cạnh đạo diễn, biên kịch, mọi người không nên đặt doanh thu làm điểm mấu chốt. Người sáng tạo nếu cứ bắt mình đeo thêm những con số để làm mốc sẽ bị áp lực và cũng không đúng với mình.

Đạo diễn, biên kịch nên kể những câu chuyện mà mình tâm đắc, giàu ý nghĩa và có thể chạm đến người xem. Đôi khi, doanh thu không phải là thước đo giá trị nghệ thuật của một bộ phim.

- Anh kỳ vọng gì ở thị trường điện ảnh Việt sau khi "Bố già" lập nhiều kỷ lục?

- Doanh thu hấp dẫn đó nhưng cũng không thể chối bỏ thực tế đầu tư phim rất mạo hiểm. Mức kinh phí đầu tư một phim Việt bây giờ lên tới hàng triệu USD. Để hòa vốn, doanh thu phải đạt gấp đôi. Con số này không có nhiều phim đạt được.

"Điện ảnh Việt ưu ái nữ chứng tỏ xã hội đang phát triển"

- Gần đây, có những ý kiến cho rằng điện ảnh Việt đang ưu ái cho nữ, kịch bản dành cho nam chính không nhiều. Anh nói gì về điều này?

- Tôi thấy đây là dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam đang phát triển. Ở phương Tây, người đàn ông cũng phải làm việc nhà, phụ nữ được đề cao, tôn trọng. Hình ảnh đàn ông như vậy không phải là yếu đuối. Không phải cứ đàn ông cơ bắp cuồn cuộn, giải cứu thế giới mới là anh hùng.

Đàn ông làm việc nhỏ nhặt thể hiện sự chia sẻ, yêu thương của họ với phụ nữ. Ngày trước, phụ nữ Việt chỉ làm việc nhà, lo con cái nhưng bây giờ, họ vừa đảm việc nước, vừa lo việc nhà. Họ ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong xã hội.

Bố già của Trấn Thành lập kỷ lục doanh thu phòng vé. Ảnh: ĐPCC.

- Theo anh, điều này có phần nào xuất phát từ việc điện ảnh Việt thiếu tài tử điện ảnh?

- Thiếu những gương mặt nam chính ấn tượng, có thể đảm nhận một vai diễn dài hơi là tình trạng chung của Việt Nam và thế giới. Đa số nam chính có vẻ ngoài đạt tiêu chuẩn nhưng nội lực và tư duy với nghề lại thiếu. Đây vẫn là bài toán chưa thể giải đáp. Trong khi đó, nữ chính xuất sắc, đạo diễn có nhiều sự lựa chọn.

Bich Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/charlie-nguyen-phai-5-nam-sau-moi-co-phim-dat-400-ty-nhu-bo-gia-post1202300.html