Charlie Chaplin và một kỳ án

Ngày 17-11-1924, trên chiếc du thuyền Oneida, tỉ phú người Mỹ William Randolph Hearst đồng thời cũng là ông vua trong ngành truyền thông được cho là đã giết đạo diễn Thomas Ince vì lầm tưởng Ince là vua hề Charlie Chaplin (thường được biết đến dưới cái tên 'Charlot - Sác Lô).

Vụ án mạng xuất phát từ sự nghi ngờ Sác Lô có quan hệ mờ ám với nữ diễn viên điện ảnh Marion Davies, nhân tình của Hearst...

Cái chết bí ẩn

9 giờ sáng Thứ sáu, ngày 15-11-1924, chiếc du thuyền sang trọng Oneida thuộc quyền sở hữu của tỉ phú người Mỹ và cũng là ông vua trong ngành truyền thông William Randolph Hearst rời khỏi bến tàu San Pedro, bang California, Mỹ.

Trên tàu, ngoài Hearst còn có nữ diễn viên Marion Davies - người sống chung với Hearst như vợ chồng nhưng chưa bao giờ kết hôn, Thomas Ince, đạo diễn, nhà biên kịch, nhà sản xuất phim đồng thời cũng là diễn viên điện ảnh, vua hề Sác Lô, nhà văn Elinor Glyn, các nữ diễn viên Aileen Pringle, Jacqueline Logan, Seena Owen, Margaret Livingston, Julanne Johnston, nhà phát hành phim Nuella Parsons, biên đạo múa kiêm vũ công ba lê Theodore Kosloff và bác sĩ Daniel Carson Goodman. Mục đích của chuyến đi này là để mừng sinh nhật Thomas Ince tròn 44 tuổi.

Tối Chủ nhật 17-11-1924, du thuyền Oneida thả neo trên vịnh San Diego. Mọi người tụ tập trên boong ăn uống, khiêu vũ. Sau nửa khuya, ai về phòng nấy nhưng khoảng 3 giờ sáng, bác sĩ Daniel Carson Goodman bị đánh thức vì nhà văn Elinor Glyn nghe thấy những tiếng động bất thường bên phòng đạo diễn Thomas Ince.

Du thuyền Oneida, nơi xảy ra vụ án khiến đạo diễn Ince bị chết.

Du thuyền Oneida, nơi xảy ra vụ án khiến đạo diễn Ince bị chết.

Bác sĩ Goodman kể lại: “Ince nằm trên giường, vật vã vì đau đớn. Lúc tối, trong bữa tiệc, ông ấy uống khá nhiều rượu cùng hạnh nhân muối nên tôi nghĩ Ince bị ngộ độc rượu nhưng cũng không loại trừ Ince ngộ độc thức ăn. Vì trên thuyền không có dụng cụ rửa ruột nên tôi và Elinor Glyn đề nghị tỉ phú Hearst cho thuyền vào bờ rồi bằng xe lửa, chúng tôi chuyển Ince đến Los Angeles.

Tuy nhiên, giữa đường, thấy tình trạng của Ince càng lúc càng nặng, tôi đưa ông ấy vào một khách sạn ở Del Mar. Tại đó, Ince được chăm sóc bởi bác sĩ Parker và y tá Jesse Howard với chẩn đoán ngộ độc tiêu hóa”.

Đến sáng, tình trạng của Ince vẫn không khá hơn. Trong một phút hiếm hoi tỉnh lại, Ince đề nghị cho gọi vợ mình là Nell, con trai là William cùng bác sĩ riêng là Ida Cowan Glasgow đến để đưa mình về nhà riêng ở Hollywood.

Hôm sau, Ince qua đời. Mặc dù bác sĩ Parker xác nhận Ince tử vong do bệnh viêm loét dạ dày và suy tim cấp tính nhưng cái chết của ông làm dấy lên tin đồn rằng tỉ phú Hearst giết Ince vì có lần Hearst nhìn thấy tình nhân của mình là nữ diễn viên Marion Davies ôm hôn ngôi sao điện ảnh Charlie Chaplin. Do ghen tức nên sau bữa tiệc trên tàu Oneida, lúc mọi người đã về phòng, tỉ phú Hearst cầm súng đến chỗ vua hề Sác Lô ngủ nhưng vì say rượu nên Hearst vào nhầm phòng Ince rồi bắn chết ông này.

Trên tờ Los Angeles Times xuất bản sáng Thứ tư, một cái tít lớn chạy dài trên trang nhất: “Ince - nhà sản xuất phim đã bị bắn trên du thuyền của tỉ phú Hearst” giúp tờ báo này bán hết 1,5 triệu bản chỉ trong vài tiếng. Toraichi Kono, thư ký riêng của vua hề Sác Lô nói đã nhìn thấy Ince khi ông được đưa từ du thuyền Oneida vào cảng San Diego: “Trên đầu ông ấy có một vết thương chảy máu do đạn bắn”.

Tuy nhiên, luận chứng ấy xem ra không có cơ sở vì trong đám tang Ince, quan tài của ông được mở nắp suốt 1 tiếng đồng hồ để bạn bè có thể nhìn mặt ông lần cuối nhưng không ai thấy “vết thương do đạn bắn” như Tonaichi Kono đã mô tả. Một cuộc điều tra cũng được cảnh sát mở ra ngay sau đó nhưng nó nhanh chóng “chìm xuồng” vì tỉ phú Hearst đã trả tiền cho bà Nell, vợ của Ince để bà này yêu cầu xếp hồ sơ vì bà không khiếu nại.

Song song với tin đồn nêu trên, lại có một tin đồn khác. Đó là Ince chết vì bị đầu độc và chuyện này có liên quan đến Nuella Parsons, một trong những nhà phát hành phim của Hearst. Tin đồn cho rằng trong bữa ăn tối trên du thuyền Oneida, Nuella bí mật bỏ thuốc độc vào ly rượu của Sác Lô nhưng lại bỏ nhầm vào ly rượu của Ince. Lúc Ince chết, để bịt miệng Nuella, Hearst ký với Nuella một hợp đồng phát hành phim trọn đời.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Hearst có thể say đến mức nhầm phòng của vua hề Sác Lô với phòng của Ince nhưng Neulla là phụ nữ, bữa tối hôm ấy cô uống rượu rất ít nên không thể “trông gà hóa cuốc” được. Kết quả xác minh của cảnh sát cũng cho thấy hợp đồng phát hành phim trọn đời mà Hearst dành cho Neuula được ký 1 năm trước ngày Ince chết.

Nhiều năm sau, khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo, tỉ phú Hearst vẫn cho rằng: “Tôi vô tội trước cái chết của ông ấy...”. Riêng nữ diễn viên Marion Davies, người được cho là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Ince thì im lặng nhưng sự nghiệp của cô từ đó cũng kết thúc.

Hình ảnh quen thuộc của vua hề Sác Lô.

Vua hề “Sác Lô” chết vẫn chưa yên

Về phía vua hề Sác Lô, khi vụ Ince tử vong trên du thuyền Oneida xảy ra thì ông đang đóng vai chính trong bộ phim “Cơn sốt vàng”. Trong phim có sự xuất hiện của nữ diễn viên Lita Grey, 16 tuổi. Lúc bộ phim vừa đóng máy thì cũng là lúc Lita tuyên bố có thai, tác giả của bào thai trong bụng cô là vua hề Sác Lô.

Để tránh rắc rối vì trường hợp này, theo luật bang California, Sác Lô sẽ bị cáo buộc với tội danh cưỡng hiếp gái vị thành niên nên Sác Lô đã tổ chức một lễ cưới bí mật ở Mexico ngày 25-11-1924.

Tháng 11-1926, Sác Lô ly hôn Lita khi đã có 2 con chung. Năm 1943, Sác Lô lúc ấy 54 tuổi, lấy Onna ONeill, 18 tuổi. Họ có với nhau 8 người con cho đến khi vua hề qua đời vào ngày 25-12-1977 và được an táng ở thành phố Noville, quận Aigle, bang Vaud, Thụy Sĩ.

Trước đó, từ đầu năm 1974, sức khỏe của vua hề Sác Lô đã suy kiệt. Ngoài việc không tự đi được, Sác Lô cũng rất khó khăn trong giao tiếp. Dù vậy, ông vẫn cố gắng hoàn thành cuốn tự truyện về cuộc đời mình đồng thời thực hiện một bộ phim tài liệu với nội dung tương tự.

Tháng giêng 1975, Sác Lô được Nữ hoàng Anh ban tặng tước hiệu Hiệp sĩ nhưng vì quá yếu nên thay vì phải quỳ xuống trong lễ nhận tước hiệu, Hoàng gia Anh cho phép Sác Lô ngồi trên xe lăn. Ông nói: “Tôi giờ đây như một con búp bê già, vô hại. Bạn hoàn toàn có thể đến gần nó mà không sợ bất kỳ mối nguy hiểm nào”.

Sáng sớm ngày 25-12-1977, Sác Lô chết tại nhà do một cơn đột quỵ. Hai ngày sau ông được chôn cất tại nghĩa trang Corsier-sur-Vevey trong một ngôi mộ đơn giản với tang lễ diễn ra rất bình thường mặc dù ngay từ năm 10 tuổi, ông đã bắt đầu đóng phim rồi năm 20 tuổi, hầu như cả thế giới đều biết đến “Sác Lô” qua hình ảnh một anh chàng đi hai hàng, đầu đội nón quả dưa, mặc bộ quần áo vest nhàu nát, tay cầm cây ba-toong, chân mang giày mõm ngóe và đặc biệt là bộ râu “cứt mũi”.

Tỉ phú Hearst, đạo diễn Ince và diễn viên Marion Davies.

Chính bộ râu này đã khiến Hitler, kẻ cầm đầu nước Đức Quốc xã thề sẽ treo cổ Sác Lô nếu bắt được ông khi ông đóng vai chính trong phim “Nhà độc tài vĩ đại”, trình chiếu năm 1940.

Chỉ hơn 2 tháng sau ngày Sác Lô chết, sáng 2-3-1978 cảnh sát thành phố Noville, quận Aigle, bang Vaud, Thụy Sĩ nhận được điện thoại của Charles Dornier, quản lý nghĩa trang Corsier-sur-Vevey, cho biết ngôi mộ của vua hề Sác Lô đã bị ai đó đào lên, lấy mất quan tài. Công tố viên hình sự Jean Daniel Tenthorey - người đầu tiên đến hiện trường kể lại: “Mộ của Sác Lô giờ chỉ còn là một cái hố nham nhở đất cát. Quan tài đã biến mất. Cạnh đó là cây thập tự vút lăn lóc”.

Charles Dornier, quản lý nghĩa trang cho biết như thường lệ, cứ 8 giờ sáng ông lại đi quanh một vòng vì thỉnh thoảng vẫn có những đứa trẻ con vào đây chơi đùa. Nhiều đứa nghịch ngợm nhổ những bụi hoa cạnh các lối đi nên ông phải trồng lại. Ông nói: “Khi thấy ngôi mộ Sác Lô không còn nữa, tôi biết đây chẳng phải trò đùa mà là hành động có chủ đích”.

Tin mộ của vua hề Sác Lô bị đào bới, đánh cắp quan tài đã gây ra sự chấn động - không chỉ trong giới hâm mộ điện ảnh, giới diễn viên, văn nghệ sĩ mà còn cả với các chính trị gia, các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Âu. Thoạt đầu, cảnh sát Thụy Sĩ nghi ngờ các phần tử phát xít mới (Neo Nazis) quật mồ Sác Lô để trả thù về việc ông dám xúc phạm Hitler trong bộ phim “Nhà độc tài vĩ đại”. Tuy nhiên, cả Thụy Sĩ lẫn các quốc gia lân cận như Đức, Áo, Bỉ..., nơi có các nhóm Neo Nazis hoạt động đều không tìm thấy bằng chứng nào về chuyện này.

Sự việc tưởng như bế tắc thì bất ngờ ngày 15-3-1978, bà Oona, vợ góa của vua hề Sác Lô nhận được cuộc điện thoại. Tường trình với cảnh sát, bà Oona cho biết: “Người gọi là đàn ông, nói giọng Đông Âu. Ông ta đặt điều kiện nếu muốn chuộc chiếc quan tài và bộ hài cốt của chồng tôi thì tôi phải nộp cho ông ta 1 triệu franc Thụy Sĩ. Tôi từ chối. Tôi trả lời rằng chiếc quan tài và bộ hài cốt chỉ là những vật tạm bợ nơi trần gian. Cát bụi rồi sẽ về với cát bụi. Còn chồng tôi luôn ở trong trái tim tôi”.

Sác Lô thủ vai Hitler trong bộ phim “Nhà độc tài vĩ đại”.

Vài ngày sau, người nói giọng Đông Âu gọi lại cho bà Oona một lần nữa. Lần này ông ta hạ giá tiền chuộc xuống còn 600.000 franc nhưng bà Oona vẫn cương quyết không chấp nhận, kể cả khi người này đe dọa sẽ bắt cóc một trong 8 đứa con của bà với Sác Lô.

Từ đó đến ngày 16-5, bà Oona nhận được tổng cộng 27 cuộc gọi đòi tiền chuộc. Để tìm ra thủ phạm, cánh sát Thụy Sĩ ngoài việc đặt máy nghe lén điện thoại nhà bà Oona, họ còn nghe lén hơn 200 đường dây điện thoại khác trong khu vực. Bà Oona cho biết cảnh sát hoàn toàn tôn trọng ý kiến của bà về việc không trả tiền chuộc nhưng họ đề nghị bà mỗi lần nói chuyện với người đàn ông giọng Đông Âu, bà cố gắng kéo dài thời gian dưới hình thức như đang lưỡng lự hoặc hỏi về cách thức, địa điểm giao tiền để cảnh sát có thời gian xác minh.

Trưa ngày 16-5-1978, cảnh sát bắt giữ Roman Wardas (25 tuổi, người Ba Lan nhập cư) khi anh ta đang gọi cho bà Oona tại một trạm điện thoại công cộng, cách nhà bà Oona gần 4km. Hơn 1 tiếng sau đó, cảnh sát bắt thêm Ganscho Ganev (22 tuổi, người Bulgarie nhập cư), là đồng lõa của Wardas trong vụ trộm quan tài. Theo lời khai của cả hai, họ không hề có ý định phá hủy hài cốt vua hề Sác Lô mà chỉ muốn kiếm món tiền chuộc và chiếc quan tài được họ chôn chỉ cách ngôi nhà của Sác Lô chưa đầy 2km.

Bị truy tố về tội cố ý xâm phạm mồ mả hài cốt và tống tiền, Wardas ra tòa, lĩnh án 4 năm tù giam còn đồng phạm Ganscho Ganev lĩnh án 18 tháng tù treo vì anh ta chỉ là người “phụ việc”.

Một tuần sau, chiếc quan tài bằng gỗ sồi nặng 130kg chứa hài cốt vua hề Sác Lô được bà Oona cùng các con chôn cất lại một lần nữa nhưng lần này, huyệt mộ xây bằng bê tông để ông có thể an nghỉ đời đời...

Vũ Cao (theo Panorama)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/charlie-chaplin-va-mot-ky-an-573774/