Chấp nhận rủi ro để làm phong phú thêm dòng chảy mỹ thuật

Nổi lên với loạt tranh hý họa chân dung những người nổi tiếng cách đây đã gần 10 năm, Nguyễn Hữu Khoa đột ngột gác lại đề tài này. Anh chuyển sang vẽ hoa rồi hoa đào. Và khi loạt tranh đào xuân đang 'ăn khách', Nguyễn Hữu Khoa lại một lần nữa dừng lại để chuyển sang vẽ tranh xe máy. Nhiều người hỏi, sao anh cứ tự làm khó mình, Nguyễn Hữu Khoa cho biết, anh luôn muốn khai thác những đề tài lạ và độc trong hội họa, việc chấp nhận dừng chân ở một đề tài khiến anh cảm thấy bó buộc.

“Tắc kè hoa” với 7 triển lãm cá nhân trong 10 năm qua

- PV: Nếu ví việc âm thầm theo đuổi một đề tài mới cũng giống như bí mật của các hãng công nghệ, anh thấy có điểm nào giống nhau?

- Họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa: Số lượng họa sỹ tại Việt Nam đang ngày càng nhiều và không thiếu những nghệ sỹ tài năng. Đó là điều đáng mừng song cũng đặt ra những thách thức với những người muốn tìm được chỗ đứng cũng như tạo được dấu ấn cá nhân trong dòng chảy của mỹ thuật đương đại Việt. Với cá nhân tôi, tìm ra một đề tài mới, chưa ai đặt chân tới hoặc đã có người đã làm nhưng chưa tới độ là một hướng đi để khẳng định sự khác biệt, tạo điểm nhấn với người xem. Tôi là một người làm việc theo kế hoạch và khi kế hoạch được đặt ra, tôi chấp nhận gác lại kể cả những gì vốn đang thuận lợi. Khi theo đuổi một đề tài mới, tôi cảm giác công việc của mình cũng giống như các hãng công nghệ hiện giờ: Tôi âm thầm làm việc tích cực, bí mật tối đa thông tin về những việc đang làm với mong muốn đem lại sự bất ngờ với bạn bè, những người yêu nghệ thuật.

- Đây cũng là lý do những người yêu nghệ thuật thấy sự thay đổi liên tục trong đề tài của anh?

- Triển lãm cá nhân luôn là sự thách thức đối với bất cứ nghệ sỹ nào bởi không phải cứ có nhiều tranh là có thể làm triển lãm. Với những người thường xuyên làm triển lãm cá nhân như tôi, việc triển lãm sau làm gì để khác triển lãm trước luôn là nỗi trăn trở. Vì thế, tôi luôn là con “tắc kè hoa” với 7 cuộc triển lãm cá nhân trong vòng 10 năm qua. Hết triển lãm hý họa chân dung, hoa, hoa đào và lần này là xe máy. Tôi chấp nhận sự mạo hiểm. Việc liên tục thay đổi đề tài cũng đồng nghĩa với việc họa sỹ có thể gặp rủi ro. Như hai triển lãm về hoa đào trước đây, các tranh tôi vẽ đã được người xem yêu thích đón nhận và có lượng giao dịch rất cao. Nhưng tôi sẵn sàng tạm gác lại đề tài này để chuyển sang vẽ về xe máy, một đề tài khá mới mẻ trong hội họa. Triển lãm “Motorbikes” dù số lượng giao dịch không nhiều như các triển lãm trước đây nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi bạn bè đồng nghiệp đã đến xem khá đông và đều công nhận đây là một đề tài vô cùng mới lạ trong dòng chảy của mỹ thuật đương đại Việt. Con đường của tôi mới là sự khởi đầu và tôi thấy mình đã được quá nhiều.

Một tác phẩm vẽ xe máy của họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa

Đặt ra thách thức với chính mình

- Vẽ về xe máy, anh đã thử nghiệm những ý tưởng mới nào?

- Với loạt tranh về xe máy, tôi đã dùng thủ pháp vẽ hý họa sở trường. Hình ảnh những chiếc xe máy trong tranh tôi được cách điệu và nhân cách hóa với những sắc thái rất con người. Tôi vẽ xe đấy nhưng thực ra là tôi vẽ người, vẽ về cuộc sống của con người. Hình ảnh những chiếc xe máy nhảy nhót, uốn lượn, ve vãn lẫn nhau, tán tỉnh nhau, chành chọe nhau, kèn cựa nhau như xã hội con người vốn vậy. Trong 33 tác phẩm trong triển lãm “Motorbikes” lần này, tôi luôn thay đổi hòa sắc, bút pháp, bố cục để cho các tác phẩm luôn sinh động, không gây nhàm chán cho người xem. Bên cạnh đó, tôi cũng thể hiện những chiếc xe của mình trên những mảng màu phẳng mang tính ước lệ cao, gần với đồ họa nhằm làm nổi bật hình ảnh chủ thể. Đây cũng là xu hướng chung của nghệ thuật đương đại trên thế giới hiện nay.

- Bí mật làm việc để ra mắt loạt tranh về xe máy, anh đã gần như “đóng cửa” Facebook, ít giao du với bạn bè?

- Bình thường tôi đã là người sống khá khép kín, ngại chỗ ồn ào nên khi theo đuổi đề tài mới, tôi lại càng trở nên lặng lẽ hơn, giống như một tu sỹ ở ẩn. Tôi âm thầm làm việc, ít gặp gỡ, chẳng mấy giao lưu, đóng cửa Facebook. Chỉ một số bạn bè rất ít, thân thiết mới biết tôi đang làm gì và theo đuổi đề tài nào. Nhiều bạn bè lâu không gặp đều hỏi: “Thế năm nay có triển lãm không? Lại hoa đào nữa chứ?”. Tôi chỉ cười: “Có chứ, cuối năm nay lại triển lãm, một triển lãm không vẽ hoa”. Đó, mức độ bí mật đến thế cơ!

- Với đề tài xe máy, anh thấy hài lòng với loạt tranh vừa ra mắt?

- Vì là mảnh đất tiềm năng nên tôi nghĩ, mình sẽ không dừng lại. Việc tiếp tục tìm tòi, khám phá những ý tưởng và cách làm luôn đặt ra những thách thức với họa sỹ và tôi không là ngoại lệ. Do vậy, trong thời gian tới, tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều để tìm những cách thể hiện mới để người xem không thấy nhàm chán tuy rằng vẫn là một đề tài xuyên suốt. Đó luôn là sự thách thức.

“Rất may, tôi sống được bằng nghề”

- Nhiều người thắc mắc, sao anh cứ phải tự làm khó mình như vậy?

- Có họa sỹ cả đời chỉ theo đuổi một đề tài. Nếu là người khác, có khi sẽ an phận ở dòng tranh hý họa hoặc tranh hoa. Nhưng tôi lại thích thử sức ở nhiều đề tài, đặc biệt là những đề tài mới mẻ. Mọi người đều nhận xét, ngoài đời tôi là người khá hiền lành, chu đáo. Tuy nhiên, với công việc, tôi buộc mình phải quyết liệt và thử sức ở các lĩnh vực khác nhau, các đề tài khác nhau. Trước đây, tôi đã từng làm một họa sỹ thiết kế “ăn khách”, có cuộc sống dư dả nhưng tôi đã từ bỏ để trở thành một nghệ sỹ độc lập. Và khi đã là một nghệ sỹ độc lập, tôi lại chấp nhận việc tạm dừng một đề tài “ăn khách” để đến với một đề tài hoàn toàn mới, nhiều rủi ro hơn với mong muốn vừa thử sức mình, vừa góp phần làm phong phú thêm cho dòng chảy mỹ thuật đương đại nước nhà.

- Liên tục làm mới mình, anh có chu toàn được cho gia đình?

- Từ trước tới nay, tôi luôn nhận được sự ủng hộ và đồng tình của gia đình trong công việc, từ bố mẹ cho tới vợ. Tất nhiên, làm một nghệ sỹ độc lập sẽ khó khăn hơn việc làm một công chức đơn thuần vì sự bấp bênh. Nhưng bù lại, tôi được tự do làm những việc mình yêu thích và chuyên tâm cho nó với nhiều sức lực hơn. Một bức tranh đến khi hoàn thiện tốn rất nhiều sức lực và vật lực nhưng để tìm được khách hàng lại là câu chuyện khác. Rất may, tôi đã sống được bằng nghề và điều đó giúp tôi có thể chu toàn cho gia đình.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

“Làm một nghệ sỹ độc lập sẽ khó khăn hơn việc làm một công chức đơn thuần vì sự bấp bênh. Nhưng bù lại, tôi được tự do làm những việc mình yêu thích và chuyên tâm cho nó với nhiều sức lực hơn. Một bức tranh đến khi hoàn thiện tốn rất nhiều sức lực và vật lực nhưng để tìm được khách hàng lại là câu chuyện khác. Rất may, tôi đã sống được bằng nghề và điều đó giúp tôi có thể chu toàn cho gia đình”.

Họa sỹ Nguyễn Hữu Khoa

Thanh Xuân (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/chap-nhan-rui-ro-de-lam-phong-phu-them-dong-chay-my-thuat/793439.antd