Chấp nhận 'đứng yên' để bứt phá

Để triệt để phòng chống Covid-19, việc tạm thời không đón khách quốc tế đến du lịch là tất nhiên. Đây là việc bất khả kháng. Tuy nhiên, với nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, cùng với việc chấp nhận 'đứng yên' nhưng vẫn phải có kế hoạch phục hồi và bật lên khi dịch đi qua.

 Hội An mùa vắng khách.

Hội An mùa vắng khách.

Theo ông Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thì chưa bao giờ ngành du lịch lại rơi vào tình huống khó khăn như hiện tại. Kể cả việc nảy sinh tâm lý trong chính một bộ phận người làm du lịch là lo ngại tiếp xúc với các du khách, những người đến để tiêu tiền. Những trên hết, ai cũng hiểu rằng việc ngừng nhập cảnh, tạm thời không đón khách lúc này là giải pháp buộc để khống chế dịch bệnh.

Nói như ông Hoàng Văn Khánh - Giám đốc Vietravel - Chi nhánh Huế thì ít di chuyển sẽ hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Vì thế, phương án “đứng yên”, chấp nhận những tổn thất là hợp lý. Chấp nhận thiệt hại hiện tại để chuẩn bị lực đẩy mạnh hơn khi dịch được khống chế.

Nói là “đứng yên” những không phải là “chôn chân”, là “bó tay” thúc thủ. Nhiều địa phương có các điểm du lịch đã tính chuyện trong lúc tạm nghỉ kinh doanh thì đầu tư nâng cao chất lượng của hướng dẫn viên cũng như lên kế hoạch sắp xếp lại việc kinh doanh hợp lý hơn, hấp dẫn hơn tại các điểm đến.

Thực tế những năm qua, do phát triển du lịch luôn “nóng” nên cũng đã phát sinh một số bất cập, dù biết rằng bất cập đấy nhưng vẫn cho qua. Nói riêng về hướng dẫn viên, cùng việc chưa hẳn đã tinh thông ngôn ngữ cần để hướng dẫn du khách, không ít người còn có những lỗ hổng về văn hóa, lịch sử, địa lý. Theo một vị giám đốc lữ hành, “chúng tôi biết cả nhưng thiếu người quá thôi đành chấp nhận”. Vậy thì đến lúc này, có nhiều thời gian, đội ngũ đó cần được trang bị thêm kiến thức xã hội phục vụ cho công việc. Nói như ông Nguyễn Đăng Nhẫn- Giám đốc điều hành Khách sạn Hương Giang thì đây cũng là thời điểm để khách sạn tranh thủ nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục của khách sạn; đặc biệt là đào tạo, nâng cao kỹ năng của nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp khi du lịch phục hồi trở lại. Tuy nhiên, bản thân hướng dẫn viên phải ý thức được điều đó, tranh thủ lúc “nhàn việc” thì cần đọc nhiều, học nhiều, sẽ rất có lợi cho bản thân họ.

Ở khía cạnh khác, một lãnh đạo địa phương nơi có điểm du lịch ở miền Trung cho biết, khi “di tích vắng vẻ” sẽ có kế hoạch tu sửa, và nhất là vận động người dân trong vùng làm những sản phẩm du lịch để phục vụ du khách khi dịch Covid-19 đi qua. Cụ thể là cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch mang màu sắc địa phương, để có thể “cá thể hóa” nó trong nhiều sản phẩm du lịch đại trà từ rất nhiều nơi.

Thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch của chúng ta thiếu sự phong phú. Tới một điểm du lịch ở Tây Bắc hay vào Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ thì cũng đều bắt gặp những đồ lưu niệm, hàng hóa giống nhau. Từ một vật kỷ niệm cho tới bộ trang phục… cũng không khác nhau là mấy. Người dân trong vùng “ăn theo du lịch” thường chỉ nhập hàng gia công hàng loạt từ nơi khác để bán chứ không nghĩ tới việc tự mình làm ra sản phẩm chỉ riêng địa phương mình có. Chúng ta hay nói đến việc phát huy làng nghề truyền thống nhưng để có được những mặt hàng thủ công đúng nghĩa địa phương thì cũng không nhiều.

Nhìn chung, người làm du lịch cho rằng, qua tác động xấu của dịch Covid-19, các doanh nghiệp sẽ rút ra được những bài học, tìm ra những cơ hội để khôi phục và phát triển bền vững sau dịch. Đặc biệt là mục tiêu hướng đến thị trường ổn định, bền vững, lưu trú dài ngày, có mức chi trả cao…

Về việc phục hồi sau dịch, theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thì cũng cần có thời gian nhất định. Trong thời gian dịch đang diễn ra, việc cần làm để xây dựng được hình ảnh của ngành du lịch là bảo vệ được du khách khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh và giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, người tham gia làm du lịch. Làm tốt công tác phòng chống dịch cũng sẽ giúp xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế và nội địa về một điểm đến an toàn. Ông Thắng cũng cho rằng tại thời điểm này cần tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, mở lớp đào tạo cho cán bộ nhân viên... để nâng cao chất lượng phục vụ, chờ đón một mùa khách du lịch mới sau này.

Ngọc Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/chap-nhan-dung-yen-de-but-pha-tintuc462353