Chấp hành lệnh bắt, sự nghiệp chính trị của cựu Tổng thống Brazil chưa chắc đã chấm dứt

Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã chấp nhận trình diện cảnh sát để bắt đầu thi hành án tù với tội danh nhận hối lộ. Như vậy, cuộc đấu tranh pháp lý của nhà cựu lãnh đạo rất được lòng dân chúng quốc gia Nam Mỹ dường như đã kết thúc.

Mặc dù nhà tù có thể là nơi chôn vùi sự nghiệp chính trị của cựu Tổng thống Lula da Silva, nhưng đây cũng có thể là một diễn đàn để thúc đẩy vai trò thủ lĩnh của ông đối với một bộ phận lớn những người vẫn ủng hộ chính trị gia này.

Thụ án 12 năm và 1 tháng tù

Ngày 7-4, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Sliva đã tới nhà tù ở TP Curitiba để chấp hành lệnh bắt giữ của tòa án, nơi ông sẽ thụ án 12 năm tù giam vì tội tham nhũng, dù khẳng định những cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông là sai lầm. Hình ảnh trực tiếp trên truyền hình cho thấy ông Lula xuống trực thăng trên nóc tòa nhà trụ sở cảnh sát liên bang ở Curitiba, miền Nam Brazil. Những người biểu tình đã bắn nhiều loạt pháo hoa, khiến khu vực xung quanh cơ sở giam giữ này ngập tràn tiếng nổ và khói. Chiều 7-4, cảnh sát Brazil đã phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình tập trung tại Curitiba nhằm phản đối việc bắt giữ ông Lula.

Trước đó, đám đông biểu tình đã ngăn cản ông Lula ra nộp mình cho cảnh sát. Ít nhất 9 người đã bị thương trong các vụ đụng độ liên quan việc bắt giữ cựu Tổng thống, sau khi ông chấp hành lệnh bắt giữ để thi hành án.

Cựu Tổng thống Lula năm nay 72 tuổi. Ông từng đảm nhận 2 nhiệm kỳ Tổng thống giai đoạn 2003-2010. Hiện ông vẫn là nhà chính trị có tầm ảnh hưởng lớn tại Brazil. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy ông có khả năng lớn sẽ giành chiến thắng nếu được ra tranh cử. Năm 2017, ông Lula bị kết tội tham nhũng và bị kết án tù giam 12 năm và 1 tháng, với cáo buộc nhận căn hộ hạng sang từ một Cty xây dựng trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Với việc chấp nhận thi hành án, ông Lula sẽ không được phép tham gia tranh cử Tổng thống Brazil vào tháng 10 tới.

Phản ứng của dư luận

Sau khi thẩm phán liên bang Brazil Sergio Moro ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Lula, ngày 5-4, đảng Lao động Brazil (PT) cho rằng đây là một quyết định vội vàng và mang tính chính trị trong bối cảnh ông Lula là ứng cử viên duy nhất của PT chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10.

Giới quan sát nhận định, sau phán quyết của Tòa án Tối cao Brazil, lệnh bắt giữ của thẩm phán Moro khiến cho tình hình dường như tồi tệ thêm bởi trước khi ông Lula chấp hành lệnh bắt, đảng PT và những người ủng hộ ông Lula hy vọng ông vẫn còn cơ hội kéo dài thời gian được tại ngoại để kháng án.

Trong khi đó, dư luận ở nhiều nước Mỹ Latinh cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với cựu Tổng thống Brazil. Một quan chức Bộ Ngoại giao Cuba cho rằng quyết định của Tòa án Tối cao Brazil là "một minh chứng nữa về chiến dịch bất công" nhằm vào cựu Tổng thống Lula và đảng PT của ông, cũng như lực lượng cánh tả và tiến bộ ở Brazil.

Từ Managua, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã gửi đi một thông điệp đoàn kết với nhà lãnh đạo cánh tả Brazil, khẳng định ông "tiếp tục là biểu tượng của sự dũng cảm và lòng tự trọng của nhân dân lao động Brazil." Thượng nghị sỹ Christina Fernandez - cựu Tổng thống Argentina cũng bày tỏ ủng hộ cựu Tổng thống Lula, cho rằng những quyết định chống lại chính trị gia này là nhằm ngăn cản ông tranh cử tổng thống trong bối cảnh nhà lãnh đạo cánh tả này đang tiếp tục nhận được sự ủng hộ rất lớn.

Cựu Tổng thống Lula da Silva trong vòng tay của những người ủng hộ khi ông đến nhà tù để chấp hành án. ảnh tư liệu

Vào tù không có nghĩa là đã hết

Mặc dù cựu Tổng thống Lula đã phải vào tù, nhưng theo giới chuyên gia, nhà tù có thể sẽ là nơi giúp ông mở rộng ảnh hưởng chính trị, biến ông trở thành một thần tượng của những người nghèo và những người đấu tranh chống lại những bất bình đẳng xã hội ở Brazil.

Nhà sử học Daniel Reis khẳng định, sẽ là quá vội vàng nếu cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Lula đã kết thúc. Trước đây, các ông Nelson Mandela ở Nam Phi, Juan Peron ở Argentina, Hugo Chavez ở Venezuela hay Fidel Castro ở Cuba đều là những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn khi “rời khỏi lao tù đến với vòng tay của nhân dân.”

Theo ông Reis, mọi sự so sánh đều khập khiễng và tất cả các trường hợp đều có sự khác nhau so với ông Lula, nhưng đã từng có rất nhiều người bị kết án vì các tội nghiêm trọng đã biến nhà tù thành nơi giúp họ củng cố ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo. Chuyên gia này nhấn mạnh, ông Lula được những người ủng hộ đánh giá là người đã có công thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng của Brazil với thế giới khi áp dụng một chính sách đối ngoại năng động.

Ngoài ra, chính phủ dưới thời ông Lula đã triển khai hàng loạt chương trình xã hội đem lại lợi ích cho hàng chục triệu gia đình. Đó là một thời kỳ mà đời sống dân nghèo được cải thiện và những bất bình đẳng được giảm thiểu, hàng triệu việc làm mới được tạo ra... Chính những thành công đó đã giúp ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội Brazil kể cả khi không còn nắm quyền.

Nhiều người cho rằng quyết định của tòa phúc thẩm bắt giam ông Lula đã vi phạm Hiến pháp Brazil năm 1988, trong đó qui định không ai bị coi là có tội khi vẫn còn quyền kháng án lên các cấp cao hơn và chỉ có phán quyết của cấp cao nhất mới có hiệu lực kết tội. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cuộc bầu cử sắp tới nếu thiếu ứng cử viên Lula thì sẽ là một sự “gian lận.”

Khả năng Lula được ra tù trong một thời gian ngắn dường như là điều không thể, song các luật sư của ông vẫn còn có thể thực hiện một số bước đi pháp lý, và nhờ uy tín lớn đã tạo dựng được, chính trị gia này vẫn có thể tác động tới cuộc bầu cử cũng như là chính sách của Brazil trong những năm tới.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/chap-hanh-lenh-bat-su-nghiep-chinh-tri-cua-cuu-tong-thong-brazil-chua-chac-da-cham-dut-113496.html