'Chắp đôi cánh' cho cách mạng công nghiệp 4.0

Nếu như nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán biết nhận thức… là “bệ phóng”, thì nguồn nhân lực sẽ là “đôi cánh” để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bay lên.

Cách mạng 4.0 nhìn từ “hai cực của thế giới”

Trong chuyến thăm cơ xưởng xe máy Harley-Davidson, GS. John Vu, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học Ðại học Carnegie Mellon (Mỹ) tỏ ra khá ngạc nhiên khi thấy hàng trăm robot làm việc và "trao đổi" với robot khác để lắp ráp xe máy. Người quản lý bảo ông rằng, những robot này đang làm việc cùng nhau một cách trôi chảy, vì tất cả chúng đều có phần mềm trí tuệ nhân tạo, cho phép chúng nghĩ, học và phối hợp công việc để tối thiểu hoá các ngắt quãng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi toàn bộ cơ xưởng này. Ở đây, không có công nhân lao động, mà chỉ có công nhân công nghệ. Họ kiểm soát các robot và để robot làm hầu hết công việc. Mô hình cơ xưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này đang được sao chép trên khắp thế giới và chẳng bao lâu, toàn thể ngành công nghiệp chế tạo thế giới sẽ thay đổi.

Quá trình sản xuất được số hóa của Sam Sung.

GS. John Vu cũng dẫn số liệu đến năm 2020 ước lượng, sẽ có 50 tỷ thiết bị được kết nối trên thế giới. Giá trị thị trường kinh tế của Internet vạn vật (IoT) ước khoảng 11.000 tỷ USD và có thể cung cấp xấp xỉ 12 triệu việc làm mới trên toàn cầu.

GS. John Vu viết: “Mặc dù có cạnh tranh giữa các công ty và các nước về thị trường khổng lồ này, nhưng chìa khoá để thực hiện thành công IoT là có hệ thống giáo dục mạnh, để tạo ra các công nhân có kỹ năng cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.

Trở về từ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 (WEF) với chủ đề “Thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ), GS - TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết: “Không chỉ các các tập đoàn công nghệ, mà cả những tập đoàn lớn trong hầu hết lĩnh vực đều đang nói về IoT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Một số dữ liệu thống kê cho thấy, các công ty bậc thầy về công nghệ vượt trội hơn 9% về doanh thu, 26% về khả năng thu lợi và 12% về giá trị thị trường so với các doanh nghiệp khác”.

Tại Việt Nam, 2 năm trước, công nghệ điện toán biết nhận thức của IBM đã được giới thiệu và hiện nay một số bệnh viện tại TP.HCM và Hà Nội đã thực hiện ca mổ với sự hỗ trợ của robot. Nhiều lĩnh vực tại Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng cáccông nghệ của cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)...

Có một thực tế tại Việt Nam hiện nay, môn tin học của phần lớn các trường đại học vẫn là “75 tiết, 2 môn Word, Excel” mà hàng chục năm trước đã dạy ở bậc phổ thông trung học. Thậm chí, nhiều trường còn “học chay”, thi cử tin học trên… giấy trắng, mực đen. Nên nếu muốn “tiến thẳng lên 4.0”, “dẫn đầu cuộc cách mạng 4.0”, Việt Nam phải giải quyết vấn nguồn nhân lực, đào tạo ra một đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguồn nhân lực là trung tâm của cuộc cách mạng 4.0

Với hàng loạt công nghệ mới, cuộc cách mạng 4.0 không cần một triệu công nhân lành nghề như hiện tại, mà rất có thể chỉ cần 1.000, thậm chí chỉ 100 kỹ sư, công nhân công nghệ. Đó là sự thay đổi từ số lượng chuyển sang chất lượng.

“Ai sẽ bị đào thải khỏi cuộc cách mạng 4.0? Đó là những nhân lực trì trệ, không đủ trình độ để nắm bắt cơ hội, không có kiến thức và ngoại ngữ, không thường xuyên cập nhật thông tin, những cải tiến mới về công nghệ”, PGS - TS. Nguyễn Văn Xuất, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Đông Đô) nhấn mạnh.

“Yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề lớn nhất trong cách mạng công nghiệp 4.0, do những thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực trong thị trường kỹ thuật số”, TS. Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank nhận xét.

Nhấn mạnh vị trí của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong cuộc cách mạng này con người là trung tâm, trong đó, vai trò của thể chế và người lãnh đạo đặc biệt quan trọng. Thể chế phải tốt, lãnh đạo phải nhanh, mạnh và quyết đoán, sâu sát, nhạy cảm với tình hình để có quyết sách đúng đắn. Tiếp theo, phải có một hệ thống giáo dục đào tạo kỹ năng tốt để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực số có chất lượng cao.

Đồng quan điểm, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng của tri thức và việc đầu tiên chúng ta phải có là tri thức, cũng như phải trả lời được nhiều vấn đề hơn là đặt câu hỏi. Mặc dù công nghệ, máy móc đều đã tiến hóa, nhưng cuối cùng vai trò của con người vẫn là quan trọng nhất, bởi phải đưa ra những quyết định chính xác.

“Hiện tại, với các câu trả lời tự động đơn giản (chat bot) máy đã làm tốt và có thể thay thế con người. Do đó, cần phải cải thiện hơn nữa hệ thống giáo dục, để bắt kịp các xu hướng công nghệ mới”, ông Dũng cho biết.

Bắt tay ngay từ bây giờ

Cuộc cách mạng công nghiệp mới hiện nay đã tạo ra những cơ hội ngang nhau trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng nhất là ai nắm bắt được cơ hội sớm, thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

“Đây chính là thách thức cực kỳ to lớn cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo của Việt Nam, khi đang từ mô hình cũ chuyển mình sang mô hình mới phù hợp xu thế”, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT nhận định.

Nhiều người vẫn quan niệm rằng, sẽ chỉ có những người trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 mới cần đào tạo, mới có cơ hội. Nhưng TS.Trần Nam Dũng (Khoa Toán - Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) lại nghĩ khác. Ông cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động, từ công nhân đến kỹ sư đều phải thay đổi, cập nhật kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn. Từ đó, yêu cầu các trường đào tạo dạy nghề phải thay đổi cho phù hợp yêu cầu.

“Về nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0, riêng lĩnh vực phân tích dữ liệu lớn trên toàn thế giới thiếu khoảng 6 triệu người, lĩnh vực an toàn an ninh mạng thiếu khoảng 4,5 triệu người; điện toán đám mây khoảng 5 triệu người.

Đây là con số khổng lồ mà không quốc gia nào có thể đáp ứng nổi. Đây cũng sẽ là cơ hội cho các nước như Việt Nam có đông nhân lực trẻ, ham học hỏi. Tôi hy vọng những chương trình đào tạo số hàng đầu trên thế giới sẽ đến Việt Nam trong năm 2017 để chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực”
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

Theo PGS - TS. Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế, các trường đại học cần có những chuẩn bị về chương trình đào tạo trên cơ sở lắng nghe, xem xét để có sự điều chỉnh phù hợp. Đó là sự tích hợp vào các ngành học liên quan đến trí thông minh nhân tạo, đẩy mạnh ứng dụng Internet, trang bị môi trường học tập và nghiên cứu thông minh... Từ đó, tạo điều kiện để sinh viên được học tập, làm việc trong môi trường tự động hóa cao, tránh bỡ ngỡ khi làm việc ở môi trường ít nhân công.

Sau cuộc họp thường kỳ tháng 3/2017 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, trong 8 giải pháp để đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẽ ưu tiên triển khai nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho phát triển kinh tế xã hội, nhằm xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt có khả năng cạnh tranh.

Trên thực tế, đã có những động thái tích cực về đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuối tháng 4/2016, IBM và Five 9 đã ký kết một chương trình hợp tác đào tạo về điện toán biết nhận thức với 4 trường đại học đào tạo công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam và ký kết với 3 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam (VTV Live, OneNet và BIDV) để đưa ứng dụng này vào thực tế.

Theo đó, Five 9 và IBM đã chính thức quyết định sẽ tài trợ 1 tỷ đồng gói tín dụng sử dụng tài nguyên công nghệ điện toán biết nhận thức của IBM, bao gồm IBM Bluemix Service và IBM Watson API, cho các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Công nghệ Thông tin (Học viện Bưu chính Viễn thông), Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Học viện Quốc phòng), Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Công nghệ).

Đây được coi là một bước khởi đầu thuận lợi của việc hiện thực hóa “giấc mơ hóa rồng” từ cuộc cách mạng 4.0. Hy vọng rằng, tín hiệu này sẽ giúp hệ thống đào tạo, các nhà quản lý, doanh nghiệp thay đổi nhậ̣n thức, để đào tạo ra một nguồn nhân lực 4.0 phục vụ cho cuộc cách mạng 4.0 đang đến rất gần Việt Nam.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/chap-doi-canh-cho-cach-mang-cong-nghiep-40-d62756.html