Chắp cánh ý tưởng khởi nghiệp

Khởi nghiệp luôn là vấn đề được giới trẻ quan tâm. Nhiều bạn trăn trở đưa ra nhiều ý tưởng thể hiện đam mê và đổi mới sáng tạo. Nhằm tạo dựng môi trường cho những ý tưởng đó được hiện thực hóa, Đại học Thái Nguyên đã thành lập Trung tâm Ươm tạo - Khởi nghiệp và Cung ứng nhân lực (viết tắt là SCIS) từ cuối năm 2019. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã trở thành sân chơi cho đội ngũ giảng viên, sinh viên của đơn vị với nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, hữu ích cho cuộc sống...

Dự án Sản xuất kem bôi nhiệt miệng từ dược liệu Pác lừ là công trình khởi nghiệp của nhóm giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y-Dược đã giành Giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2020. Chia sẻ về ý tưởng Dự án, Trưởng nhóm Nông Thị Anh Thư cho biết: Thị trường thuốc nhiệt miệng có nguồn gốc thảo dược hiện nay khá hạn chế, trong khi nhiều sản phẩm tân dược lại có tác dụng phụ khiến người tiêu dùng phân vân. Tôi cùng các bạn sinh viên đã lên kế hoạch nghiên cứu, tận dụng từ cây dược liệu quý của bà con dân tộc. Sau nhiều tháng nghiên cứu, tìm tòi, rồi thử nghiệm, cuối cùng, cô trò chúng tôi đã thành công với một loại gel bôi nhiệt miệng, thành phần là dược liệu tự nhiên (cây Pác lừ), lành tính, ít tác dụng phụ, an toàn hơn so với thuốc nguồn gốc tân dược nên có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài. Tuy nhiên, do màu sản phẩm nâu đen chưa ưng ý nên nhóm tác giả đang tìm nguồn kinh phí để nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm về cảm quan màu sắc; phối hợp thêm thành phần tinh dầu, thành phần cao chiết dược liệu đã được chứng mình có tác dụng kháng khuẩn chống viêm; hoàn thiện các tài liệu bằng chứng, hồ sơ chất lượng an toàn hiệu quả định hướng đăng ký thuốc trong tương lai…

Cùng với Dự án Sản xuất kem bôi nhiệt miệng từ dược liệu Pác lừ, trong năm 2020, SCIS đã có 132 ý tưởng, dự án của đội ngũ giảng viên, sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, y dược, quản trị kinh doanh, nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... Đáng chú ý là các ý tưởng, dự án như: “Phát triển sản phẩm trà hòa tan và cao từ cây mướp đắng rừng trong hỗ trợ và phòng bệnh tiểu đường” của nhóm tác giả Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; mô hình “Không gian hanmade sáng tạo” của Câu lạc bộ Sinh viên Khởi nghiệp - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh; “Tăng cường công nghệ phát triển giá trị thặng dư từ cây chè Thái Nguyên trong sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ HAPPY LADY” của nhóm tác giả Trường Đại học Y-Dược…

Theo đánh giá của các chuyên gia thì các ý tưởng, dự án này đã thể hiện được tinh thần của khởi nghiệp, sự đổi mới, sáng tạo trong cách thức triển khai ý tưởng, dự án. Đồng thời xây dựng được các phương án kế hoạch kinh doanh, thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển cộng đồng và xã hội. Được biết, trong tổng số 132 ý tưởng, dự án thì SCIS đã lựa chọn 16 ý tưởng, dự án để kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Yên, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo - Khởi nghiệp và Cung ứng nhân lực chia sẻ: Các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong sinh viên do Đại học Thái Nguyên triển khai bước đầu đã nâng cao nhận thức và thu hút nhiều sinh viên tham gia. Tuy nhiên, do các em phần lớn là sinh viên còn ngồi ở giảng đường nên thiếu khả năng phân tích chiến lược của dự án, thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn vốn thực hiện. Do đó, ý tưởng khởi nghiệp của các em thì có nhưng chưa thể biến thành sản phẩm thương mại hóa. Bởi vậy, để thu hút và tạo cơ sở cho các bạn sinh viên trong hành trình khởi nghiệp nói chung, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo nói riêng, việc tìm ra giải pháp là hết sức cần thiết. Trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của sinh viên đối với hoạt động khởi nghiệp; triển khai nhiều hơn các hoạt động về khởi nghiệp liên quan đến các ngành đang đào tạo nhằm thu hút sự tham gia của sinh viên. Xây dựng các dự án về đào tạo, huấn luyện; tư vấn hỗ trợ, truyền thông, kết nối, xúc tiến đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế. Đồng thời tiếp tục thu hút, kết nối các chuyên gia, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các nguồn lực khác phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên…

Minh Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/khoa-hoc-cn/chap-canh-y-tuong-khoi-nghiep-285169-99.html