'Chắp cánh' cho thương hiệu truyền thống

Nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã quyết tâm thực hiện tốt chương trình bằng những việc làm cụ thể. Đến nay, chương trình OCOP đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân địa phương.

Đưa chúng tôi tham quan cửa hàng trưng bày giới thiệu và cung ứng thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì), bà Ngô Thị Hạnh, cửa hàng trưởng tự hào giới thiệu: “Hiện nay, cửa hàng đang bán và trưng bày hơn 20 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của huyện. Các sản phẩm này được đông đảo người dân tin tưởng sử dụng. Tham gia chương trình OCOP, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, mã số, mã vạch; được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh... Các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP cũng chính là những nội dung mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm”.

 Người dân xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) chăm sóc ruộng rau súp lơ cung cấp cho Hợp tác xã An Phát.

Người dân xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) chăm sóc ruộng rau súp lơ cung cấp cho Hợp tác xã An Phát.

Đối với ông Trương Thiên Tài, Giám đốc HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Rượu Ngâu tại xã Tam Hiệp (Thanh Trì), việc tham gia chương trình OCOP là cơ hội để những sản phẩm truyền thống của địa phương được đông đảo người dân trong cả nước biết đến. Ông Tài cho biết: “Rượu Ngâu là sản phẩm truyền thống của địa phương đã có từ cách đây hàng trăm năm. Trước đây, người dân sản xuất manh mún, chất lượng không đồng đều, hiệu quả kinh tế không cao... Từ khi tham gia chương trình OCOP, HTX được huyện hỗ trợ về công nghệ, bao bì, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng website quảng bá sản phẩm... Hiện nay, thương hiệu được nhiều người biết đến và đặc biệt, giá trị sản phẩm đã tăng gấp 3 lần so với trước”.

Chia sẻ về quá trình triển khai chương trình OCOP trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: “Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chương trình OCOP năm 2019, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 để phổ biến, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị, đồng thời động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất rà soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, phân hạng sản phẩm. Chương trình OCOP được chính quyền huyện Thanh Trì tuyên truyền rộng rãi đến từng doanh nghiệp và người dân thông qua hệ thống truyền thanh tại các xã, phát tờ rơi, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào một số hội nghị diễn ra trên địa bàn huyện... UBND huyện đưa ra những nội dung, nhiệm vụ cụ thể như: Phấn đấu 100% cán bộ thực hiện chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành triển khai chương trình; 100% cán bộ quản lý của doanh nghiệp, HTX và chủ hộ sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP được tập huấn kiến thức về quản lý sản xuất, kinh doanh...”.

Từng bước thực hiện kế hoạch, trong năm 2019, UBND huyện Thanh Trì đã hỗ trợ việc cấp giấy chứng nhận VietGAP cho một số HTX sản xuất rau với hơn 52ha, xây dựng hai website bán hàng trực tuyến cho sản phẩm miến dong và bánh chưng... Hằng năm, các sản phẩm đều được tổ chuyên môn của huyện đánh giá, phân hạng một cách kỹ lưỡng. Tháng 11 vừa qua, huyện Thanh Trì đã tổ chức khai trương điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và gắn biển nhận diện các cửa hàng trái cây an toàn trên địa bàn. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, sau gần hai năm kiên trì thực hiện những kế hoạch và mục tiêu đã đề ra, đến nay chương trình OCOP tại huyện Thanh Trì đã thực sự mang lại một sân chơi bình đẳng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất; phát huy được những giá trị tiềm năng của vùng sản xuất và các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Từ chương trình này, người sản xuất đã tự ý thức được việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm; thay đổi quy trình sản xuất, quản lý... đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những thay đổi đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân...

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chap-canh-cho-thuong-hieu-truyen-thong-645827