'Chắp cánh' cho kinh tế tập thể

Huyện Trảng Bom hiện có hơn 40 hợp tác xã (HTX) và quỹ tín dụng nhân dân, 55 tổ hợp tác (THT) và 9 câu lạc bộ hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực.

Nông dân tham quan mô hình trồng ca cao xen điều của Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Mai

Nông dân tham quan mô hình trồng ca cao xen điều của Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Mai

Những năm gần đây, nhờ coi trọng công tác phát triển kinh tế tập thể, nhiều HTX, THT trên địa bàn huyện đã không ngừng lớn mạnh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt an sinh xã hội.

* Giúp nhau làm giàu

Tại xã Trung Hòa trước đây, nông dân chuyên trồng điều với năng suất thấp, giá bán không ổn định, nhiều hộ gia đình bỏ bê không chăm sóc dẫn đến lợi nhuận kém.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Thanh Lập cùng một số hộ nông dân ở xã Trung Hòa đã thử nghiệm trồng ca cao xen điều. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng xen, năng suất điều từ năm thứ 2 đã đạt 2,5 tấn/hécta, năng suất ca cao từ năm thứ 7 đạt trung bình 20 tấn trái tươi/hécta. Với mỗi hécta xen canh, người nông dân thu về khoảng 120 triệu đồng từ ca cao và 70 triệu đồng từ điều, cao gấp 3 lần so với chỉ trồng điều. Nhiều hộ nông dân đã trở nên khá giả nhờ xen canh cây trồng.

“Bà con chúng tôi tự nguyện liên kết trong trồng xen cây ca cao và thành lập THT. Nhờ làm ăn hiệu quả, đến nay THT ca cao Trung Hòa đã phát triển được hơn 70 thành viên với diện tích gần 80 hécta. Các tổ viên yên tâm đầu tư vì cả điều và ca cao đều được bao tiêu sản phẩm” - ông Lập phấn khởi nói.

Được thành lập từ hơn 40 năm trước nhưng do hoạt động chưa hiệu quả, có thời điểm vốn điều lệ bị âm, việc làm không có, xã viên rời bỏ, song hơn 10 năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn đổi mới cách thức hoạt động, đa dạng hóa ngành nghề, dịch vụ, HTX dịch vụ vận tải Thống Nhất hiện thu hút được hơn 700 xã viên tự nguyện tham gia, có 750 xe kinh doanh dịch vụ vận tải các loại, giải quyết việc làm cho hơn 1,1 ngàn lao động với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, vốn điều lệ cũng được nâng lên 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX dịch vụ vận tải Thống Nhất cho rằng, cốt lõi của HTX là liên minh sức mạnh của cá thể để phát triển bền vững. Ông Thiện dẫn chứng, một hộ kinh doanh vận tải, thậm chí một doanh nghiệp vận tải cũng không thể “đứng ra” ký hợp đồng đưa rước công nhân cho công ty có hàng chục ngàn lao động, nhưng HTX làm được điều này. HTX ký hợp đồng và chịu trách nhiệm với công ty, sau đó đưa dịch vụ về cho xã viên. Hay một cá thể không thể “đứng ra” hợp đồng với bệnh viện giảm giá 50% dịch vụ khám sức khỏe mỗi năm 2 lần cho tài xế của mình, nhưng HTX có thể đại diện đàm phán được.

Không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách trong tỉnh, vài năm trở lại đây, HTX dịch vụ vận tải Thống Nhất còn mở rộng mạng lưới hoạt động ra các tỉnh, thành lân cận như TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu; cung cấp các dịch vụ như: camera giám sát hành trình, dầu nhờn, sửa chữa ô tô cho xã viên.

Ngoài ra, HTX còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ và cấp chứng nhận đạo đức nghề nghiệp cho tài xế; đề xuất miễn tiền qua trạm thu phí cho gần 200 xe chở học sinh, công nhân... Từ chỗ hoạt động đơn lẻ, khó tiếp cận nguồn vốn, khách hàng, tự xoay xở để tồn tại, hàng trăm xã viên của HTX này được cung cấp dịch vụ thường xuyên, được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lớn.

* Tạo đà cho kinh tế địa phương

Ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTX dịch vụ An Viễn cho rằng, là vùng trồng điều lớn nhất tỉnh nhưng nhiều năm năng suất cây điều không được cải thiện, nông dân tự làm, tự bán hàng. Từ khi có HTX, dự án cánh đồng lớn được hình thành. Những người trồng điều ở xã được tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư; đường giao thông, đường điện được kéo đến vườn; doanh nghiệp thu mua tìm về tận nơi để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Không chỉ xã viên hưởng lợi, bộ mặt nông thôn cũng khởi sắc.

Ông Nguyễn Thanh Lập, Tổ trưởng Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa (huyện Trảng Bom) giới thiệu mô hình liên kết giúp nhau làm giàu ở địa phương. Ảnh: B.Mai

Ông Nguyễn Đình Tài, Phó trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Trảng Bom cho biết, khởi đầu của các THT, HTX trên địa bàn là hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn, không có tài sản thế chấp khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng.

Từ khi thực hiện đề án phát triển kinh tế HTX vào năm 2012, cùng với việc định hướng hỗ trợ và phát triển kinh tế nông thôn của huyện, nhiều THT, HTX được hình thành và không ngừng kết nạp thêm thành viên, mở rộng quy mô hoạt động, tạo ra các liên kết ngành nghề, lĩnh vực mang tính bền vững góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội huyện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó bí thư Huyện ủy Trảng Bom, những năm qua, khu vực kinh tế tập thể của huyện không ngừng được củng cố và phát triển. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực từ xã viên, các HTX đã chủ động tìm kiếm nhiều nguồn vốn khác nhau để phát triển sản xuất kinh doanh, bước đầu tạo được mối liên kết giữa các THT, HTX với nhau, giữa các HTX, THT với doanh nghiệp cùng ngành nghề. Nhiều HTX, THT đã phát huy được tối đa vai trò là hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế cá thể, góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Theo lãnh đạo huyện Trảng Bom, để phát triển khu vực kinh tế tập thể, trong thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn phát triển các THT, HTX theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Huyện sẽ hướng dẫn các THT, HTX không ngừng đổi mới cách thức hoạt động, giúp các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ có thể hợp tác, liên kết phát triển vững vàng hơn trước các biến động của thị trường, thiên tai, dịch bệnh và cạnh tranh hiệu quả với các lực lượng kinh tế lớn.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/201911/chap-canh-cho-kinh-te-tap-the-2975125/