Chào thầu cao tốc Bắc-Nam: Không chặn đường nhà đầu tư Việt

Quan điểm của Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan là tuyệt đối không ban hành các tiêu chí hạn chế hay ưu tiên nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Liên quan đến việc chào thầu quốc tế tìm nhà đầu tư cho 5/8 đoạn cao tốc thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông để kêu gọi vốn tư nhân, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Vụ PPP - Bộ GTVT) cho biết, trong giai đoạn sơ tuyển quốc tế (thực hiện trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào vòng đấu thầu. Giai đoạn đấu thầu sẽ lựa chọn 1 nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật và giá gói thầu tốt nhất để thực hiện dự án.

Trong trường hợp đấu thầu chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước ý kiến cho rằng những điều kiện Bộ GTVT đưa ra khi lập hồ sơ đấu thầu đang làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư nội, báo điện tử Chính phủ dẫn lời Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư cho biết, khi xây dựng hồ sơ mời thầu, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp (ngày 3/4/2019) có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số chuyên gia về đấu thầu.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đều đánh giá quy trình xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển đã được thực hiện chặt chẽ, nội dung hồ sơ mời sơ tuyển bảo đảm tính công khai, công bằng và minh bạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Còn về việc ưu đãi nhà đầu tư trong nước, ý kiến các bộ, ngành liên quan và quan điểm của Bộ GTVT đều cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của các tổ chức quốc tế, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải bảo đảm trung thực, khách quan, công bằng theo pháp luật về đấu thầu cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuyệt đối không ban hành các tiêu chí để hạn chế hay ưu tiên nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đại diện Bộ GTVT khẳng định, các tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thầu không chặn đường doanh nghiệp Việt

Đại diện Bộ GTVT khẳng định, các tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thầu không chặn đường doanh nghiệp Việt

Giải thích thêm về chi tiết trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng với mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm, ông Nguyễn Danh Huy cho hay, Bộ GTVT đã tính đến việc những nhà đầu tư trong nước đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ như: Vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét... số lượng rất hạn chế.

Luật Đấu thầu cũng cho phép các nhà đầu tư liên danh với các nhà đầu tư khác (trong và ngoài nước) để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu. Do vậy, tiêu chí này không làm giảm khả năng tham gia của nhà đầu tư Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, thời gian qua một số nhà đầu tư nước ngoài (như Tập đoàn Thái Bình Dương, tập đoàn CGGC của Trung Quốc; Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản; tập đoàn Hyundai, Lotte của Hàn Quốc; Tập đoàn Acciona của Tây Ban Nha...) có quan tâm và tiếp xúc với Bộ GTVT để tìm hiểu về thông tin về Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam cũng như các cơ chế triển khai Dự án.

Chính vì thế, Bộ GTVT đã chủ động mời tư vấn giao dịch quốc tế dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) để tư vấn pháp lý xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng và hỗ trợ trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, Bộ cũng mời 2 trong 4 đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới là Deloitte và Ernst & Young (EY) rà soát và đánh giá hồ sơ mời sơ tuyển.

Trước đó, Bộ GTVT đã chính thức bán hồ sơ mời thầu quốc tế sơ tuyển tìm nhà đầu tư cho 5/8 đoạn cao tốc thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Trong đó, Bộ đưa ra các yêu cầu cụ thể về kinh nghiệm và năng lực tài chính khá rõ ràng.

Việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang 100 điểm. Trong đó, số điểm đáp ứng yêu cầu qua vòng sơ tuyển là từ 60 điểm trở lên và các điểm thành phần đạt từ 60% trở lên. Về yêu cầu kinh nghiệm nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà đầu tư phải từng tham gia đầu tư dự án giao thông, hoặc dự án kết cấu hạ tầng.

Trong đó, các dự án từng tham gia phải có tổng vốn đầu tư bằng 50% vốn dự án đang kêu gọi đầu tư; phần vốn nhà đầu tư từng góp vào dự án đó bằng 20% giá trị vốn góp vào dự án đang mời thầu. Trường hợp nhà đầu tư từng là nhà thầu thi công chính của các dự án trước đây, thì tổng vốn dự án đã tham gia phải bằng tối thiểu 30% vốn giá trị xây lắp của dự án đang xét…

Nhìn vào một số yêu cầu cụ thể, một số chuyên gia cho rằng khó có thể hấp dẫn được nhà đầu tư, nhất là khi Chính phủ Việt Nam không bảo lãnh cho việc triển khai đầu tư, vận hành dự án, như bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá...

Một số ý kiến đề nghị nên có sự ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước ở một vài khâu nào đó bởi doanh nghiệp có được tham gia những dự án lớn thì mới lớn lên được.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chao-thau-cao-toc-bac-nam-khong-chan-duong-nha-dau-tu-viet-3380156/