Chào tân… cựu binh V.League!

Thay chân cho CLB Quảng Nam ở V.League 2021 là một đại diện miền Trung khác: Bình Định. Tuy nhiên, nếu bóng đá xứ Quảng hầu như chỉ mới được biết đến trong 6 năm qua, kể từ khi xuất hiện ở sân chơi đỉnh cao vào năm 2014, thì bóng đá Bình Định có bề dày truyền thống phải tính theo lịch sử của đất nước thống nhất.

Chào mừng tân... cựu binh! Sau 12 năm, “ngựa ô” Bình Định sẽ lại tung vó ở V.League

Chào mừng tân... cựu binh! Sau 12 năm, “ngựa ô” Bình Định sẽ lại tung vó ở V.League

Từ Giải Trường Sơn 1976, cái tên Công nhân Nghĩa Bình (tỉnh cũ hợp nhất giữa Bình Định và Quảng Ngãi), cùng với Quảng Nam - Đà Nẵng, Phú Khánh là niềm tự hào của dải đất miền Trung trong những năm 1980 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, bóng đá Bình Định trải qua quá nhiều thăng trầm. Tham gia Giải A1 toàn quốc ngay mùa đầu tiên 1980, rồi khi tách tỉnh cũng là một trong 18 đội bóng ưu tú nhất có mặt ở Giải các đội mạnh toàn quốc đầu tiên năm 1990, nhưng ở mùa giải 1995 Bình Định cùng với Quảng Nam - Đà Nẵng, Long An, Sông Bé “đình công” không thi đấu vòng play-off để phản đối tiêu cực, bị kỷ luật xuống hạng. 3 năm sau, họ trở lại nhưng rớt hạng ngay và chỉ trở lại sân chơi đỉnh cao ở mùa giải chuyên nghiệp thứ 2 (2001-2002). Và đây là thời kỳ rực rỡ nhất của bóng đá Bình Định được gắn với biệt danh “ngựa ô” mà đối thủ nào cũng ngán ngại. Chính thức mang tên V.League và mở cửa cho ngoại binh, với những ngôi sao Thái Lan: Issawa, Pipat, Sarayoot, Bình Định đoạt 2 chức vô địch Cúp QG liên tiếp 2003, 2004, đại diện bóng đá Việt Nam tham dự AFC Champions League, và hạng 3 V.League 2006.

Sau thế hệ Phan Kim Lân, Đặng Gia Mẫn là những “tượng đài” Phan Tôn Quyền, Trần Kim Đức… Đặc biệt, bóng đá Bình Định sản sinh ra đến 3 thủ môn của đội tuyển quốc gia: Dương Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Cường và Trần Minh Quang.

Tuy nhiên, năm 2008 bắt đầu giai đoạn thoái trào, gần như toàn bộ cầu thủ thuộc thế hệ vàng ra đi hoặc nghỉ thi đấu, rồi mâu thuẫn kiện cáo với nhà tài trợ, CLB Bình Định lần thứ 3 xuống hạng. Sau 5 mùa thi đấu ở Giải hạng Nhất, năm 2014, cuộc khủng hoảng rơi xuống tận đáy khi không có kinh phí Bình Định bỏ giải, bị đánh xuống hạng Nhì. 4 năm sau, họ mới trở lại hạng Nhất nhưng lại suýt rớt khi đứng áp chót. Và mới năm ngoái thôi đã tưởng Bình Định lại phải bỏ cuộc cũng vì lý do “đầu tiên” và chỉ may mắn trụ lại nhờ hơn đội bét giải Phù Đổng 2 điểm.

Nhưng rồi “nàng công chúa” ngủ vùi 12 năm trong rừng sâu đã được “chàng hoàng tử” tên Hưng Thịnh đánh thức, hồi sinh. Là những người con đất Tây Sơn, các ông chủ của tập đoàn bất động sản được cho là đầu tư không dưới 40 tỷ đồng để quyết đưa đội bóng quê nhà trở lại V.League. Cựu hậu vệ đội tuyển Việt Nam và Thể Công, từng dẫn dắt CLB Sài Gòn, Thanh Hóa - HLV Nguyễn Đức Thắng được mời về. Tiếp đó, đội hình Bình Định được làm mới hoàn toàn với những bản hợp đồng chất lượng chiêu mộ hoặc mượn từ các CLB V.League: đội trưởng Bùi Văn Hiếu (từng khoác áo CLB Hà Nội, Than QN, Thanh Hóa); Hữu Thắng, Xuân Kiên, Thanh Bình (Viettel); Huỳnh Văn Thanh (Khánh Hòa); Phan Đức Lễ (SHB.Đà Nẵng); Việt Triều (Than QN, tác giả “bàn thắng vàng” vào lưới CLB Phố Hiến); Lê Thanh Bình (Thanh Hóa, đến từ giai đoạn 2 nhưng đã ghi 6 bàn giúp Bình Định toàn thắng cả 5 trận, từ kém Bà Rịa - Vũng Tàu đến 4 điểm sau giai đoạn 1 đã ngược dòng soán ngôi ngoạn mục)...

Sau 12 năm, bóng đá Bình Định đã trở lại V.League. Tuy nhiên, V.League là câu chuyện hoàn toàn khác, khắc nghiệt và đường dài, chuyên nghiệp hơn rất nhiều, không thể chỉ dựa vào “quân vay tướng mượn”. Trong khi đó, 12 năm qua bóng đá Bình Định mất nền móng nghiêm trọng, đào tạo trẻ không tốt (chỉ có mỗi tuyển thủ U.23 Hồ Tấn Tài và rất may hậu vệ này sẽ kết thúc hợp đồng 2 năm cho B.Bình Dương mượn, mùa tới có thể trở về), sân tập không có, ngay cả sân Quy Nhơn cũng xuống cấp trầm trọng… Sẽ có rất, rất nhiều việc phải làm khi chỉ khoảng 3 tháng nữa là V.League 2021 sẽ khởi tranh.

Trần Đỗ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202011/chao-tan-cuu-binh-vleague-3029087/