Cháo - nét độc đáo trong ẩm thực người Sán Dìu

Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu như nhiều dân tộc lấy cơm làm món ăn chính thì ở người Sán Dìu, ngoài cơm còn phải kể đến món cháo. Đồng bào thường ăn cháo cùng với ăn cơm, chứ không phải vì thiếu đói mà phải ăn cháo thay cơm. Vì vậy, trên bếp của mỗi gia đình người Sán Dìu thường xuyên có nồi cháo loãng. Nước cháo còn được coi là một thứ nước giải khát.

Cháo của người Sán Dìu gồm cháo đặc và cháo loãng, thường đồng bào hay nấu cháo loãng. Người Sán Dìu có tập quán, người con dâu hay con gái lớn trong gia đình phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng để xay thóc, giã gạo và nấu cháo. Nồi nấu cháo bằng nhôm, gang đúc; nhà đông thì nấu vào nồi to, ít người nấu nồi nhỏ. Gạo nấu cháo không được vo, vì gạo đem vo rồi mới nấu thì nước cháo hết mùi thơm. Khi nấu, đổ gạo vào nồi đậy kín vung để tránh oi khói, đun đến khi sôi thì cho nhỏ lửa, khi gạo đã nhừ thì vần cạnh bếp.

Buổi sáng người già, người đi làm và trẻ nhỏ đều ăn cháo nóng. Nếu nồi cháo buổi sáng hết, gia đình lại đặt nồi cháo mới, bởi trong bữa ăn, bên cạnh nồi cơm còn có nồi cháo. Nuổi chiều trước khi đi làm, gia đình lại bắc nồi cháo để ăn bữa tối. Cháo và cơm là hai món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Sán Dìu. Tuy ăn cơm nhưng vẫn phải ăn thêm bát cháo hoặc chan cháo vào cơm. Đây là nét độc đáo trong văn hóa ẩn thực của người Sán Dìu.

Ăn cháo đã trở thành tập quán lâu đời, đến nỗi nó đã trở thành những từ sinh hoạt thông dụng như thay vì mời nhau ăn cơm thì người Sán Dìu mời ăn cháo. Khi có khách, người Sán Dìu cũng mời ở lại ăn cháo. Thỉnh thoảng đồng bào cũng nấu cháo đặc pha với nhiều nguyên liệu khác như: gạo nếp, ngô xay, đỗ đen, đỗ xanh, khoai sọ, bí đỏ, củ mỡ để ăn có hương vị riêng.

Mai Linh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chao--net-doc-dao-trong-am-thuc-nguoi-san-diu-76344