Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Để đất nước tự hào với học vị tiến sĩ

Sáng 19/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và 40 năm đào tạo sau đại học (ĐH) của trường ĐH Kinh tế quốc dân. Tại đây, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam phải đạt được chất lượng như kỳ vọng của xã hội, hãy để đất nước tự hào với học vị tiến sĩ, với hai từ 'tinh hoa'.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 4 giáo sư đang công tác tại trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: Đình Nam.

Tại buổi lễ, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, cách đây 61 năm, trường Kinh tế - Tài chính Trung ương, trường ĐH kinh tế đầu tiên của Việt Nam đặt trong hệ thống ĐH Nhân dân, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Hiệu trưởng danh dự, đã được thành lập. Sau đó, trường được đổi tên là trường ĐH Kinh tế - Kế hoạch. Năm 1977, trường được giao nhiệm vụ đào tạo sau ĐH. Từ xuất phát điểm chỉ có một số ít chuyên ngành đào tạo ban đầu, đến nay nhà trường đã có 26 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ và 37 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, bao phủ hầu hết các ngành và lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân với trên 1.200 tiến sĩ và gần 12.500 thạc sĩ.

Thầy và trò tại lễ trao bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: Ngọc Châu.

Cần đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời tri ân tới các thế hệ thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, biên giới, hải đảo vượt qua khó khăn đem con chữ, đem khoa học tới học sinh, tới những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

“Các thầy cô giáo đã có rất nhiều trăn trở đối với việc cải thiện các chỉ số liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, công bố khoa học trong trường ĐH. Cùng với đó là dành thời gian, tâm tưởng, ý chí để mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, cơ sở đào tạo, bằng những việc rất thiết thực để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo. Đó là mong mỏi của các trí thức”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Chúc mừng 40 năm đào tạo sau ĐH của trường ĐH Kinh tế quốc dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, sau ĐH đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, nhất là trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh hiện nay.

Đối với công tác đào tạo sau ĐH, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải nhận thức đầy đủ, rõ ràng. Bởi tiến sĩ là học vị cao nhất của những người làm khoa học. Vì vậy, đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa để nghiên cứu, để tiếp tục giảng dạy, đào tạo ra những lớp người tinh hoa mới. Hãy để làm sao đội ngũ tinh hoa của đất nước tự hào với 2 từ “tinh hoa”, tự hào với học vị tiến sĩ, tự hào với những gì đã làm được để tạo cho nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước thực sự là chất lượng cao. Chỉ bằng cách này thì năng lực khoa học công nghệ của đất nước, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng được yêu cầu của đất nước.

“Không có cách nào khác chúng ta phải đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, nhất định phải tiệm cận nhanh với khu vực và thế giới. Đây không chỉ là yêu cầu của nghiên cứu sinh mà cả với người hướng dẫn, thành viên các hội đồng đánh giá luận án, quy trình để tinh hoa về chất lượng và đạo đức” - Phó Thủ tướng nói.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự khai trương thư viện Phạm Văn Đồng nằm trong tòa nhà đào tạo mới chính thức đi vào hoạt động của ĐH Kinh tế quốc dân. Phó Thủ tướng cho rằng đây là công trình có ý nghĩa thiết thực, được gắn tên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hiệu trưởng danh dự của ĐH Kinh tế quốc dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đổi mới tự chủ ĐH không đơn thuần là bỏ những can thiệp hành chính không cần thiết của cơ quan chủ quản mà quan trọng là phát huy sáng tạo về tri thức, về khoa học, lan tỏa từ thầy cô đến từng cán bộ, học sinh và toàn xã hội. Vì vậy, phải đề cao sự tự chủ, sáng tạo ở tất cả mọi khâu, từng cán bộ, giáo viên còn bộ máy hành chính chỉ là giúp việc.

Chỉ có như vậy chất lượng đào tạo ĐH của Việt Nam, của ĐH Kinh tế quốc dân mới thực sự tiệm cận, vươn đến tầm khu vực và trên thế giới. Và được đánh giá bằng những “thước đo” quốc tế từ tỷ lệ giáo viên có học hàm, học vị, số lượng các công bố khoa học quốc tế đến số lượng học viên, giáo viên quốc tế tham gia học tập, giảng dạy, nghiên cứu, khả năng kết nối với doanh nghiệp, cộng đồng.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/chao-mung-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-de-dat-nuoc-tu-hao-voi-hoc-vi-tien-si-1209680.tpo