Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thị trấn Ba Chúc lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025: Ba Chúc phát huy lợi thế đô thị vùng biên

Cùng với thị trấn Tri Tôn (An Giang), thị trấn Ba Chúc là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội thứ 2 của huyện Tri Tôn. Đây còn là đầu mối giao thương của các vùng, địa phương lân cận, là đô thị biên giới có vai trò quan trọng trong phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Xây dựng đô thị văn minh

Thị trấn Ba Chúc có diện tích tự nhiên gần 1.913ha. Đây là đô thị đặc thù của huyện Tri Tôn khi vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, cùng với hơn 881ha đất nông nghiệp còn có 665ha đất lâm nghiệp. Trên địa bàn 7 khóm của thị trấn (dân số 4.269 hộ, 16.359 nhân khẩu) có 160 tổ an ninh nhân dân được xây dựng. Nhờ phát huy tính cộng đồng trong giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết phát triển kinh tế nên tình hình an ninh của thị trấn luôn ổn định, kinh tế phát triển, nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch.

Ba Chúc từng được biết đến là vùng đất chịu thiệt hại nặng nề khi bị quân diệt chủng Pol Pot tràn vào tàn sát, cướp bóc trong chiến tranh biên giới Tây Nam (1978). Sau chiến tranh, quân dân Ba Chúc bắt tay vào dựng xây lại quê hương. Những năm gần đây, thị trấn Ba Chúc đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường giao thông, xây dựng chợ văn minh, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc Phạm Minh Hiền cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, địa phương đã mời gọi đầu tư xây dựng được chợ trung tâm thị trấn Ba Chúc với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Với cách tổ chức, sắp xếp hiện đại, hàng hóa phong phú, chợ đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu mua bán, tiêu dùng của nhân dân. Đến nay, thị trấn đã phát triển được 1.492 cơ sở sản xuất - kinh doanh, trong đó lĩnh vực thương mại 798 cơ sở, dịch vụ 471 cơ sở, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 223 cơ sở.

Bên cạnh nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, Ba Chúc còn chú trọng khai thác du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ trùng tu, xây dựng cụm di tích Tam Bửu - Phi Lai và nhà mồ Ba Chúc. Trong 5 năm (2015-2020), có gần 1,9 triệu lượt người đến Ba Chúc tham quan, tập trung nhiều nhất là Khu di tích lịch sử, văn hóa Ba Chúc. “Địa phương đang tiếp tục mời gọi đầu tư, thực hiện xã hội hóa các hoạt động du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch để thu hút đông đảo du khách đến tham quan” - ông Hiền nhấn mạnh.

Phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm

Từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, Ba Chúc vươn mình phát triển mạnh mẽ, bộ mặt đô thị vùng biên không ngừng thay đổi. Nhiệm kỳ 2015-2020, có thêm 5.240m đường nội ô đã được xây dựng, nâng cấp; những tuyến đường ngoại ô như: Sộp Gia, Đồng Tô cũng được đầu tư với chiều dài 2.200m, tổng kinh phí 6,9 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã được đầu tư xây mới trường mầm non (điểm chính), trụ sở công an, 3 văn phòng khóm, chợ trung tâm thị trấn, trạm y tế và phòng khám khu vực; tôn tạo, xây dựng cụm di tích Tam Bửu - Phi Lai và khu nhà mồ Ba Chúc, với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Giao thông trên địa bàn thị trấn Ba Chúc được đầu tư

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc Phạm Minh Hiền cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thị trấn đã thực hiện đạt và vượt 14/19 chỉ tiêu nghị quyết. Trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như: thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đạt 52 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trong 5 năm đạt hơn 40 tỷ đồng; giới thiệu và giải quyết việc làm 8.537 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 33,06%; tỷ lệ toàn dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%; tỷ lệ hộ sử dụng điện và nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; chi bộ trong sạch vững mạnh đạt 95%; phát triển đảng viên mới 50 đồng chí.

Đến nay, Ba Chúc đã kéo giảm số hộ nghèo xuống còn 267 hộ, chiếm 6,24% tổng số hộ (giảm 12,04% so năm 2015); hộ cận nghèo còn 596 hộ, tỷ lệ 13,93%. Nhiệm kỳ 2015-2020, thị trấn đã vận động và được hỗ trợ cất mới 110 căn nhà Tình nghĩa (kinh phí 5,5 tỷ đồng), sửa chữa 83 căn (kinh phí 1,6 tỷ đồng); cất 39 căn nhà Đại đoàn kết (kinh phí 1,2 tỷ đồng), 5 căn nhà Mái ấm ATV (250 triệu đồng). Trong công tác giáo dục, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp hàng năm đạt từ 99% trở lên; tỷ lệ học sinh hoàn thành các chương trình bậc tiểu học, THCS và THPT đều đạt 100%; hiện có 3 trường đạt chuẩn quốc gia…

Nhiệm kỳ 2020-2025, thị trấn Ba Chúc tiếp tục phát triển theo hướng văn minh đô thị, xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Ông Hiền cho biết, về kinh tế, thị trấn tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển theo hướng mũi nhọn kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch, xem đây là nền tảng để phát triển tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, thị trấn Ba Chúc được phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại IV; thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đạt khoảng 76,4 triệu đồng; tỷ lệ toàn dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%...

Các khâu đột phá của Đảng bộ thị trấn Ba Chúc nhiệm kỳ 2020-2025 là: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của chính quyền theo hướng trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mời gọi đầu tư để phấn đấu đưa thị trấn trở thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của huyện; tập trung phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-thi-tran-ba-chuc-lan-thu-x-nhiem-ky-2020-2025-ba-chuc-phat-huy--a274965.html