Chao đảo 'cầu chết' giữa xóm Sống, người dân lội suối đưa tang

Mùa mưa bão đến, nỗi trăn trở, lo lắng của người dân xóm Sống (xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) lại tái hiện khi cây cầu treo dân sinh độc đạo có thể đổ sập bất cứ lúc nào…

Cả xóm Sống có khoảng gần 130 hộ dân, đa phần là người dân tộc Mường với nghề nghiệp chính là trồng trọt, chăn nuôi. Người lớn đi nương rẫy, trẻ nhỏ đi học đều phải đi qua cây cầu treo độc đạo bắc ngang dòng suối sâu. Tuy nhiên, sau 12 năm sử dụng, mặt cầu bằng ván gỗ đã nhanh chóng bị mục nát, bà con phải dùng tre nứa chắp vá.

Cầu treo dân sinh xóm Sống đã xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, trong khi lưu lượng người qua lại hàng ngày trên cầu lớn.

Cầu treo dân sinh xóm Sống đã xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, trong khi lưu lượng người qua lại hàng ngày trên cầu lớn.

Quan sát thực tế, mặt cầu hoàn toàn bằng tre, nhiều cây bị mục nát, nhiều đoạn xuất hiện các khoảng trống đến 30 cm.

Đã có nhiều người khi đi xe máy bị lọt bánh khi lưu thông trên cầu. Còn trẻ con đi qua cầu thì phải có người lớn dắt qua để tránh trượt chân ngã. Cầu hỏng và yếu nhưng bà con vẫn phải đi qua hàng ngày vì ruộng vườn đều ở bên kia suối.

Mặt cầu bằng thân tre nứa sau nhiều năm sử dụng đã mục nát, gãy thành nhiều đoạn.

Đáng lo nhất khi trong xóm có đám hiếu, người dân phải dùng cây tre để dựng chống cầu tránh nặng quá hoặc lội qua suối để đưa linh cữu người mất về nơi an nghỉ cuối cùng.

Một số hình ảnh do PV Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận tại cầu treo dân sinh ở xóm Sống, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình:

Đây là cây cầu huyết mạch giữa xóm Sống. Bởi nếu không có cầu, người dân sẽ không thể sang bên kia để làm đồng áng, trồng keo...

Với lưu lượng lớn người và phương tiện qua lại mỗi ngày, mặt cầu treo dân sinh nhanh bị hư hỏng, để lộ những khoảng trống.

Bề mặt cầu chỉ là lớp tre già thưa thớt, xếp sát lại nhau. Tuy nhiên, mỗi lần có phương tiện xe cộ đi lại lớp tre này sẽ xô lại với nhau ở đoạn này và tách ra ở đoạn khác rất nguy hiểm.

Người dân xóm Sống mong mỏi có một cây cầu mới chắc chắn và an toàn hơn.

Trụ cột bê tông hai bên sông lộ rõ vẻ han gỉ, được móc nối chắp vá. Dây cáp, gầm cầu, rào chắn hai bên đều đã han gỉ, bong tróc và lỏng lẻo.

Khi trong xóm có đám hiếu, bà con phải dùng cây tre chống từ dưới sông lên để đưa linh cữu qua suối.

Thậm chí phải lội nước vì sợ cầu sập...

Được biết, UBND huyện Tân Lạc cũng đã có Công văn gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình đề nghị được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cầu treo dân sinh nhằm đảm bảo an toàn đi lại cho người dân xóm Sống (xã Nhân Mỹ).

Cao Tuân – Lương Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chao-dao-cau-chet-giua-xom-song-nguoi-dan-loi-suoi-dua-tang-20200608073221.htm