Chào bán riêng lẻ 119,7 triệu cổ phiếu, thu về 0 đồng

Đó là trường hợp của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico; Mã chứng khoán: HNG).

HAGL Agrico và HAGL đang tích cực tái cấu trúc nợ. (Ảnh: Internet)

Thậm chí, nếu tính cả các khoản chi phí - gồm 220 triệu đồng phí tư vấn phát thành; 555,5 triệu đồng phí soát xét báo cáo tài chính riêng và hợp nhất giữa niên độ tại ngày 31/07/2017; 80 triệu đồng phí lập báo cáo phương pháp xác định giá và tỷ lệ hoán đổi các khoản nợ - thì tổng thu ròng từ đợt chào bán còn là một con số âm. Cụ thể là -855,5 triệu đồng.

Đây là thông tin vừa được HNG công bố trong báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ gửi tới Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE).

Theo báo cáo, HNG đã đăng ký chào bán 149,7 triệu cổ phiếu, gồm 30 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ và 119,7 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ. Với giá chào bán ngang mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), công ty dự kiến huy đông được lượng vốn có giá trị 1.497 tỷ đồng.

Ngày bắt đầu chào bán là 07/12/2017 và ngày hoàn thành đợt chào bán là 05/03/2018.

Kết quả cho thấy, tổng số cổ phiếu đã phân phối chỉ đạt 119,7 triệu cổ phiếu – chiếm 79,96% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán, với giá bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo của HNG ghi rõ: “Tổng số tiền thu được từ việc chào bán cổ phiếu: 0 đồng. Trong đó:

- Tổng số tiền thu được từ việc chào bán riêng lẻ: 0 đồng

- Tổng số tiền thu được từ việc hoán đổi các khoản nợ: 0 đồng”.

Danh sách các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ đính kèm Báo cáo cho thấy, toàn bộ 119,7 triệu cổ phiếu mà HNG chào bán thành công đều được phân phối cho mục đích hoán đổi nợ.

Cụ thể, có 4 nhà đầu tư – vốn là các chủ nợ - đã được phân phối cổ phiếu HNG là: CTCP Hưng Thắng Lợi Gia Lai (nhận phân phối 50.000.000 cổ phiếu); ông Nguyễn Thanh Quang (23.233.500 cổ phiếu); ông Nguyễn Mạnh Hùng (23.233.000 cổ phiếu); bà Vũ Thị Thúy Hương (23.233.500 cổ phiếu).

Trước đợt chào bán, 4 nhà đầu tư trên đều không có quan hệ sở hữu đối với HNG. Còn sau đợt chào bán, CTCP Hưng Thắng Lợi Gia Lai đã trở thành cổ đông lớn của HNG, với tỷ lệ sở hữu 5,64%.

CTCP Hưng Thắng Lợi Gia Lai

CTCP Hưng Thắng Lợi Gia Lai (Hưng Thắng Lợi) mới được thành lập cách đây chưa lâu. Cụ thể là ngày 12/10/2016, hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ trồng trọt, với vốn điều lệ ban đầu ở mức 100 tỷ đồng, đóng góp bởi 3 cá nhân: Võ Trọng Hoàng (30 tỷ đồng, 30%); Dương Minh Thành (40%); Cao Vĩnh Tuấn (30%). Công ty do ông Dương Minh Thành (SN 1982) – Giám đốc – làm người đại diện trước pháp luật, đăng ký trụ sở chính tại số 09 Tăng Bạt Hổ, P. Yên Đỗ, Tp. Pleiku; Gia Lai.

Chưa rõ, Hưng Thắng Lợi đã thành chủ nợ của HNG khi nào và bằng cách nào.

Đầu tháng 5/2017, nửa năm sau ngày thành lập, cơ cấu sở hữu Hưng Thắng Lợi được “thay máu” triệt để. Ba cổ đông sáng lập Võ Trọng Hoàng, Dương Minh Thành, Cao Vĩnh Tuấn bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp. Công ty cũng nhanh chóng tăng vốn lên mức 290 tỷ đồng (30/05/2017), rồi 700 tỷ đồng (27/06/2017); rồi 785 tỷ đồng (24/07/2017).

Câu hỏi đặt ra, 3 cổ đông sáng lập đã bán Hưng Thắng Lợi cho ai. Chỉ biết tại báo cáo tài chính bán niên năm 2017 của HNG, Hưng Thắng Lợi đã trở thành “bên liên quan”. Chốt tại 30/06/2017, “bên liên quan” này đang cho HNG vay ngắn hạn 414,119 tỷ đồng với lãi suất 4,20%/năm, thời gian đáo hạn là 20/06/2018. Tuy nhiên, sự liên quan giữa hai bên là như thế nào thì vẫn là một điều bí ẩn.

Được biết, trung tuần tháng 08 vừa qua, Hưng Thắng Lợi đã chính thức chuyển trụ sở về số 15 Trường Chinh, P. Phù Đồng, Tp. Pleiku, Gia Lai. Địa chỉ này chính là nơi đặt trung tâm điều hành của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

3 nhà đầu tư cá nhân còn lại

Chính xác hơn là 3 tân cổ đông thể nhân của HNG: ông Nguyễn Thanh Quang, ông Nguyễn Mạnh Hùng và bà Vũ Thị Thúy Hương. 3 cá nhân này vừa nhận phân phối tổng cộng 69,7 triệu cổ phiếu HNG, với quy mô gần như chia đều cho mỗi người.

Con đường trở thành cổ đông HNG của ông Quang, ông Hùng và bà Hương có mối liên hệ chặt chẽ với quá trình tất toán lô trái phiếu chuyển đổi có quy mô 697 tỷ đồng - là một phần trong 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi mà công ty mẹ của HNG là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) đã phát hành cho Northbrooks Investment (Maritius) Pt Ltd (“NIMP”) vào ngày 15/07/2011. Theo giới thiệu trước đây của HAG, NIMP là một công ty thành viên của Tập đoàn Temasek Holdings Pte Lts của Singapore.

Lô trái phiếu này, thực chất, đã đáo hạn từ ngày 30/06/2015. Song sau đó, được hai bên gia hạn thêm 02 năm, đến ngày 14/07/2017. Bất chấp việc từ trước ngày đến hạn đầu tiên, tỷ lệ nợ ngắn hạn trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao tài sản cố định (“EBITDA”) đã vượt mức cho phép theo quy định của hợp đồng mua bán trái phiếu.

Trước ngày đến hạn thanh toán mới, lô trái phiếu hoán đối đã được NIMP chuyển nhượng cho một nhà đầu tư Việt Nam. Đó là Công ty TNHH Glory Red Star (GRS).

Thỏa thuận giữa hai bên được xác lập vào ngày 29/06/2017, tức là ngay sau khi GRS được thành lập (20/06/2017). GRS có trụ sở chính tại số 9 Dã Tượng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Vốn điều lệ đăng ký là 50 tỷ đồng, đóng góp bởi hai cá nhân, là bà Đỗ Vũ Phương Anh (95%) và bà Vũ Thị Thúy Hương (5%).

Lưu ý, người lập nên GRS - bà Đỗ Vũ Phương Anh - là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Doji. Bà Anh là con gái ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), một chủ nợ lớn của HAG.

Tuy nhiên, GRS lại chẳng giữ vai trái chủ được bao lâu. Ngày 14/07/2017, GRS tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ số trái phiếu hoán đổi này sang cho 3 nhà đầu tư cá nhân, là: Ông Nguyễn Thanh Quang (nhận chuyển nhượng 232.335 trái phiếu); Ông Nguyễn Mạnh Hùng (232.330 trái phiếu); Bà Vũ Thị Thúy Hương (232.335 trái phiếu).

Đến ngày 14/07/2017 – cũng là ngày đáo hạn (sau khi gia hạn) của lô trái phiếu hoán đổi, các bên gồm HAG, HNG (CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – công ty con của HAG) và các cá nhân trái chủ trên đã tiến hành thực hiện thỏa thuận hoán đổi nghĩa vụ nợ trái phiếu này bằng cách cấn trừ khoản nợ vay của HNG tại ngày 14/07/2017 cùng giá trị 697 tỷ đồng với HAG theo các Hợp đồng chuyển nhượng khoản vay và hoán đổi nghĩa vụ trả nợ được ký kế cùng ngày.

Theo đó, tại ngày này, nghĩa vụ nợ Trái phiếu hoán đổi đã chuyển sang cho HNG, tương ứng với HNG cũng giảm nghĩa vụ nợ vay phải trả đối với HAG.

Nói một cách dễ hiểu, sau giao dịch này, HAG đã tất toán được khoản nợ 697 tỷ đồng tại NIMP, đồng thời thu hồi khoản cho vay 697 tỷ đồng tại HNG. Tư cách chủ nợ của NIMP được chuyển sang cho 3 cá nhân Việt Nam, còn tư cách con nợ của HAG được chuyển sang cho HNG.

Ông Quang, ông Hùng và bà Hương đã xuất hiện tại HNG qua phép “dời hình” như thế! Và như đề cập ở đầu bài viết, ngày 05/03/2018 vừa qua, ba cá nhân này đã nhận phân phối 69,7 triệu cổ phiếu HNG để hoán đổi cho các khoản nợ của công ty. Qua đó, trở thành các tân cổ đông cá nhân của HNG.

Ai đã từ chối 30 triệu cổ phiếu HNG phát hành riêng lẻ?

Theo như công bố trước đó, danh sách các nhà đầu tư tham gia đợt chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu HNG gồm 5 cá nhân - bao gồm nhưng không giới hạn - là: Trần Tiến Thành (10 triệu cổ phần), Nguyễn Hoàng Vũ (5 triệu cổ phần), Nguyễn Thế Nghĩa (5 triệu cổ phần), Nguyễn Trung Thành (5 triệu cổ phần), Nguyễn Cảnh Phúc (5 triệu cổ phần).

Trước đợt chào bán, cả 5 nhà đầu tư cá nhân trên đều không có sở hữu đối với cổ phần HNG. Và dự kiến sau đợt chào bán, tỷ lệ sở hữu HNG của mỗi người sẽ dao động từ 0,63% - 1,25%.

Ông Trần Tiến Thành (SN 1975) – người đăng ký quy mô lớn nhất trong số 5 nhà đầu tư cá nhân trên, theo tìm hiểu của VietTimes, là chuyên viên phòng kiểm soát nội bộ của Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital). Công ty này trước thuộc sở hữu của nhóm ông Đặng Thành Tâm nhưng hiện đã đổi chủ. Giám đốc chiến lược hiện thời của SGI là ông Nguyễn Trung Thành.

Với việc đăng ký nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phần HNG, dự kiến ông Trần Tiến Thành sẽ phải chuyển cho HNG số tiền 100 tỷ đồng. Nhưng chưa rõ việc đăng ký đầu tư này của Thành có phải là cho chính bản thân ông hay không, hay chỉ là nhận ủy thác từ bên thứ ba.

Lưu ý rằng, với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu HNG, các nhà đầu tư tham gia đợt chào bán riêng lẻ của HNG sẽ bị thiệt thòi. Bởi lẽ, từ đầu năm 2017 đến nay, HNG phần nhiều được giao dịch dưới mệnh giá. Và hiện, theo cập nhật mới nhất, thị giá HNG đã rơi về vùng 7.000 đồng/cổ phiếu.

HNG dự kiến sẽ thu về 300 tỷ đồng từ đợt chào bán riêng lẻ này. Số tiền được lên kế hoạch sử dụng cho mục đích thanh toán các nghĩa vụ tài chính (74,4 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn lưu động cho công ty (225,6 tỷ đồng).

Tuy nhiên, như đã thông tin ở đầu bài viết, kế hoạch phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu của HNG là không thành công. Công ty nông nghiệp của “bầu” Đức đã không phân phối được bất kỳ cổ phiếu nào cho các nhà đầu tư dự kiến, và không thu về được đồng nào./.

Ninh Giang

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/chao-ban-rieng-le-1197-trieu-co-phieu-thu-ve-0-dong-166463.html