Chánh án Tối cao: Không có việc chỉ đạo án

Phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 10-11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến công tác xét xử của ngành tòa án.

Tiếp tục phần chất vấn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh hỏi: “Trong hoạt động xét xử, đặc biệt các vụ án hành chính, còn có hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo tòa án không? Lãnh đạo tòa án có chỉ đạo hành chính không phù hợp đến các quan hệ tố tụng không? Nếu có, đồng chí xử lý thế nào?”.

Tòa có nể nang cơ quan nhà nước?

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa cũng chất vấn ông Nguyễn Hòa Bình về các giải pháp của ngành tòa án để hạn chế và loại bỏ hiện tượng tiêu cực trên (nếu có), nhằm thực hiện Điều 103 Hiến pháp 2013: Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.

Chánh án TAND Tối cao tại Quốc hội sáng 10-11. Ảnh: QH

Chánh án TAND Tối cao tại Quốc hội sáng 10-11. Ảnh: QH

Trả lời, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Trong án hành chính cũng như tất cả các loại án khác, chúng tôi không chỉ đạo HĐXX của tòa án cấp dưới. Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của tòa án cấp dưới, không có sự can thiệp”.

Theo ông Bình, khi địa phương lúng túng về việc áp dụng pháp luật và có cách hiểu khác nhau, có văn bản hỏi thì tòa cấp trên hướng dẫn cách áp dụng pháp luật. Trong hướng dẫn của tòa cấp trên đối với cấp dưới đều nói đây là tài liệu tham khảo, phần quyết định thuộc HĐXX.

Ông Bình nhấn mạnh: “Chỉ đạo án phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu, chứ bằng một văn bản thì không thể xem là chỉ đạo. Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn mà phải nghiên cứu hồ sơ, mà là hồ sơ gốc. Cách thức như thế mà bảo chỉ đạo án như thế là không đúng. Đó là thỉnh thị về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn những vấn đề còn cách hiểu khác nhau”.

Tại phiên chất vấn chiều 9-11, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho hay cử tri băn khoăn khi khởi kiện vụ án hành chính trong giải quyết tòa án vẫn còn e dè, nể nang với cơ quan hành chính nhà nước. “Đề nghị chánh án cho biết có thực trạng này hay không, nếu có thì chánh án sẽ có giải pháp gì?” - ông Phương hỏi.

Đáp lại, ông Bình cho rằng việc giải quyết án hành chính có nhiều vấn đề như tỉ lệ thấp, kháng nghị nhiều, chủ tịch UBND ít tham gia, bản án có hiệu lực nhưng không được thi hành… Đây là những tồn tại đã kéo dài trong nhiều năm, đã nêu trong các báo cáo, để giải quyết cần nhiều giải pháp.

Cũng theo ông Bình, thời gian qua nhiều địa phương đã kiến nghị về những vướng mắc khi thi hành Luật Tố tụng hành chính 2015. Chẳng hạn, TP.HCM hay Hà Nội mỗi năm có khoảng 1.500-2.000 vụ án hành chính. Theo quy định, nếu chủ tịch và phó chủ tịch UBND buộc phải ra tòa thì sẽ không còn thời gian làm việc khác nên có ý kiến yêu cầu phải xem xét lại quy định này.

Ông Bình nói: “Chúng ta cần phải tổng kết để lắng nghe. Cũng có những địa phương có những thẩm phán dè dặt nhưng đây không phải là nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải quyết các vụ án hành chính”.

Nhiều đại biểu muốn chất vấn thêm

Chiều 9-11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đã chất vấn người đứng đầu ngành tòa án và VKS về việc chậm trễ khi giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh thương mại.

Tuy nhiên, không hài lòng với câu trả lời nên sáng 10-11, ông Hồng tiếp tục bấm nút tranh luận.

Ông Hồng nói: “Cám ơn đồng chí viện trưởng và đồng chí chánh án đã trả lời câu hỏi của tôi hết sức ngắn gọn, rõ ràng và đơn giản, chỉ có ba ý. Nguyên nhân do chứng cứ chậm, do lỗi chủ quan và đặc thù của án dân sự. Sự ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản đến mức phải nói thật, tôi cảm thấy có phần hơi thất vọng và hoang mang”.

Ông Hồng cho hay ông thất vọng bởi thực trạng như vậy nhưng viện trưởng và chánh án không đưa ra được giải pháp khắc phục. Còn hoang mang ở chỗ câu trả lời khiến ông hiểu rằng “án dân sự là vậy; nó đã, đang là như vậy và tương lai cũng đành cầm lòng vậy”. Theo ông Hồng, đây là vấn đề cần được mổ xẻ sâu sắc và cần được sửa đổi, cải cách để giảm chi phí cho xã hội.

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH tỉnh Bình Dương) cũng không hài lòng với câu trả lời của Chánh án Nguyễn Hòa Bình về việc chuyển giao hồ sơ để giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

“Liên quan đến vấn đề này, rõ ràng khâu tổ chức thực hiện có vấn đề. Theo số liệu tôi nắm được, có chuyện rất nhiều hồ sơ VKS đề nghị chuyển, tòa án không chuyển nhưng không có lý do” - ông Hồng nói.

Sau đó, phần tranh luận giữa các ĐB và hai người đứng đầu ngành tư pháp tạm dừng khi chủ tịch QH thông báo chuyển sang nội dung chất vấn Thủ tướng Chính phủ.

Đề cập vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên
Tại phiên chất vấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho rằng vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ Công ty Cà phê Trung Nguyên thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, vì đây là doanh nghiệp tư nhân có giá trị hàng ngàn tỉ đồng. Vụ án đã qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm nhưng nhận định, quyết định chưa thực sự thuyết phục và đang bị VKSND Tối cao kháng nghị.
Cũng theo ông Pha, nhiều cử tri, nhất là các doanh nhân, luật sư cho rằng nếu tòa án giải quyết vụ ly hôn này không đúng đắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp, lớn hơn là hủy hoại một doanh nghiệp lớn của nền kinh tế. Ông Pha nói: “Nói ví von thì có thể biến một con đại bàng thành chim sẻ rồi hụt hơi trong chính vườn nhà. Điều này tác động rất lớn đến niềm tin của doanh nghiệp vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nền kinh tế, doanh nghiệp tư nhân. Chánh án TAND Tối cao có đồng ý với những lo ngại trên không?”.
Ông Pha hỏi thêm: “Được biết, kháng nghị của VKSND Tối cao đã khá lâu nhưng chưa thấy TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm”.
Nội dung này Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chánh án trao đổi riêng với ĐB Pha, bởi đây là một vụ án ly hôn cụ thể.

ĐỨC MINH - CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chanh-an-toi-cao-khong-co-viec-chi-dao-an-949251.html