Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu 4 bài học từ vụ án Hà Văn Thắm

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 18/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu 4 bài học từ vụ án Hà Văn Thắm và các đại biểu khác giải trình về nhiều nội dung liên quan đến công tác xét xử các vụ án thời gian qua.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Võ Hải

Đề xuất dừng tổ chức các phiên tòa lưu động

Đề cập đến các phiên tòa lưu động, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói cách thức này trong thời gian dài đã có tác dụng lớn, nhưng trong điều kiện thông tin hiện nay không cần tới tòa người dân cũng có thể tiếp cận thông qua các phương tiện thông tin truyền thông và bản án trên mạng. Vì thế tác dụng tuyên truyền của các phiên tòa lưu động đã không còn.

Ngoài ra tòa lưu động cũng phát sinh bất cập, như tổ chức ngoài công đường không liêm minh, khó bảo vệ nhất là phiên tòa có đối tượng nguy hiểm và tốn kém. Chánh án cho biết, mỗi năm ngành chi 70 tỷ đồng để tổ chức hơn 9.000 phiên tòa, chưa kể khoản tiền hỗ trợ từ các địa phương.

Trước tác dụng hạn chế, ông Bình đề xuất dừng tổ chức các phiên tòa lưu động.

4 bài học từ vụ án Hà Văn Thắm

Trả lời chất vấn của đại biểu về "bài học kinh nghiệm nào trong xét xử vụ Hà Văn Thắm", ông Nguyễn Hòa Bình nói tuy chưa tổng kết nhưng dư luận đánh giá đây là vụ án minh bạch, tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc và có bản án phân hóa tội phạm.

Theo ông, có bốn bài học từ vụ án này. Thứ nhất là xác định chính xác tội danh, tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra, Viện kiểm sát truy tố tội tham nhũng.

Thứ 2 là tranh tụng trong vụ án công khai, không hạn chế. Thứ 3 là có sự phân hóa, nghiêm khắc với người cầm đầu nhưng cũng mở đường cho người làm công ăn lương.

Từ sau 2013, các thẩm phán rất ngại cho án treo đối vụ án kinh tế, tham nhũng, nhưng vụ kinh tế lớn này Hội đồng thẩm phán đã tuyên 34 người được hưởng án treo, đây là những người còn trẻ, làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì và đã khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả.

"Bản án rất nghiêm khắc với người cầm đầu, nhưng rất nhân văn với những người làm công ăn lương. Đây là bản án cần thiết để phòng ngừa tội phạm nhưng cũng mở đường cho họ trong thời gian tới", ông Bình nói.

Thứ 4 là Hội đồng xét xử làm trọn chức năng của mình, bản án cũng có nhiều kiến nghị khởi tố vụ án, xử lý cán bộ...

Bí mật đời tư được bảo đảm khi công khai bản án trên mạng

Về công khai bản án trên mạng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, giải pháp đột phá này được áp dụng từ năm 2017 và có nhiều tác dụng.

Thứ nhất, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp; đây cũng là chủ trương tuân thủ nguyên tắc hoạt động của tòa là công khai.

Thứ hai, đánh giá được trách nhiệm thẩm phán khi đặt bút ký bản án thì sau đó vài ngày đông đảo người dân sẽ biết. Đây cũng là cơ chế để người dân giám sát bản án, đánh giá chất lượng thẩm phán.

Đến nay Tòa án nhân dân tối cao đã công bố được 32.318 bản án. Từ tháng 9 đến nay có gần 1,4 triệu người dân truy cập và nhận được ý kiến của người dân góp ý cho hơn 1.600 bản án, đa số là đánh giá tích cực.

Trước băn khoăn của đại biểu Lê Ngọc Hải về việc công bố như trên có ảnh hưởng tới quyền bí mật đời tư của công dân hay không, ông Bình cho hay, Tòa án đã ban hành Nghị quyết sẽ không công khai bản án liên quan tới an ninh quốc gia, bản án liên quan tới trẻ vị thành niên..., và phải mã hóa tên những người liên quan trong bản án.

"Bí mật đời tư của người dân được đảm bảo", ông Bình khẳng định.

Vì sao nhiều án tham nhũng kéo dài?

Tham gia trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã giải trình về việc vì sao một số vụ án tham nhũng kéo dài, trả lại hồ sơ nhiều lần, có vụ chuyển tội danh từ tham nhũng sang kinh tế liệu "có bỏ lọt tội phạm hay không?".

Ông Trí cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua đã có bước tiến rõ nét, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật; tuy nhiên vẫn còn những vụ án kèo dài, và trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan tố tụng, của ngành kiểm sát.

Nguyên nhân được Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ ra, đây là án truy xét (hành vi thực hiện phạm tội tới thời điểm phát hiện dài), đối tượng là những người có kiến thức, chức vụ, có thể tác động tới nhiều cấp khác nhau khi điều tra vụ án... Kết quả giám định tư pháp kéo dài, phải thực hiện nhiều lần; riêng vụ án Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần mới có cơ sở.

"Chỉ riêng nắm chắc luật hình thức, luật tố tụng thì không thể đánh giá thiệt hại trong các vụ án này, do đó giám định tư pháp có ý nghĩa quyết định", ông nêu thực tế.

Theo ông Trí, có những vụ án tham nhũng, kinh tế quy mô lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nên phần đánh giá thiệt hại khó khăn, trong thời hạn cho phép điều tra không thể xét hết được. Vì thế Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra chủ trương, "điều tra rõ tới đâu, truy tố, xét xử tới đó, phần còn lại đưa vào vụ án khác". Xử lý theo phương thức này giúp đưa tội phạm ra ánh sáng theo từng hành vi, nhưng về tổng thể lại khó chứng minh đầy đủ tội phạm.

Ngoài ra, việc kéo dài án còn phụ thuộc thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn, thời gian cung cấp nội dung của cơ quan giám định, yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án... Quy mô lớn của các vụ án cũng là áp lực cho cơ quan chức năng. Cụ thể như vụ án Phạm Công Danh có 50 bị can; vụ án Hà Văn Thắm cũng có 51 bị can tại các tỉnh, thành khác nhau.

"Những quy định mới trong quản lý kinh tế, Bộ luật hình sự 2015 cũng đặt ra yêu cầu thực thi cao hơn cho các cơ quan chức năng. Chúng tôi nhận thức việc kéo dài, trả lại án để điều tra bổ sung nhiều lần cũng liên quan tới năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng trong đó có ngành kiểm sát", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Ngoài ra, theo ông, tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để "giải quyết triệt để vụ án nhằm an toàn cho mình".

Theo VNE

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201711/chanh-an-toa-an-nhan-dan-toi-cao-neu-4-bai-hoc-tu-vu-an-ha-van-tham-2863552/