Chánh án TAND huyện Bình Chánh nói về công tác hòa giải

Các tranh chấp khi được hòa giải trước, ngoài việc tiết kiệm được thời gian, các đương sự sẽ tiết kiệm công sức, chi phí mà vẫn bảo mật được thông tin.

Ngày 3-5, TAND huyện Bình Chánh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp trên địa bàn thành phố.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đỗ Quốc Đạt, Chánh án, Giám đốc trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Bình Chánh, đã trình bày những lợi ích sẽ mang đến cho người dân trong việc thí điểm các trung tâm hòa giải.

Cụ thể là theo quy định, khi trung tâm tiếp nhận hồ sơ thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được phân công, Hòa giải viên, Đối thoại viên phải tiến hành hòa giải, đối thoại.

Trường hợp vụ việc phức tạp mà các bên tham gia hòa giải, đối thoại cần bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ hoặc theo yêu cầu chính đáng của họ thì thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

Thời hạn hòa giải, đối thoại là 30 ngày; trường hợp cần thiết thì có thể gia hạn, nhưng không quá 02 tháng. Trong khi đó, nếu theo thủ tục tố tụng thì ít nhất cũng phải bốn tháng, thậm chí có vụ nhiều năm chưa giải quyết được.

Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Bình Chánh hòa giải thành công hơn 50 vụ/tháng. Ảnh: VŨ MẾN

Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Bình Chánh hòa giải thành công hơn 50 vụ/tháng. Ảnh: VŨ MẾN

Đưa các tranh chấp đến trung tâm hòa giải trước, ngoài viêc tiết kiệm được thời gian, các đương sự sẽ tiết kiệm công sức, chi phí, thông tin được bảo mật. Các tranh chấp được giải quyết triệt để, hiệu quả mà không phải ra phiên tòa. Tạo thuận lợi đối với quá trình thi hành án. Thủ tục mang tính thân thiện. Giảm tải áp lực đối với công tác xét xử và công tác thi hành án. Giúp tòa án đánh giá đầy đủ bản chất của vụ, việc để phán quyết đúng đắn. Góp phần xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa người dân với chính quyền.

Tính đến ngày 15-2-2019, sau 3 tháng các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án đi vào hoạt động, TAND hai cấp đã chuyển 4.023 đơn khởi kiện để thực hiện hòa giải, đối thoại. Trong đó:

+ Tranh chấp về dân sự 966 đơn.

+ Tranh chấp về hôn nhân và gia đình 2.670 đơn.

+ Tranh chấp kinh doanh thương mại 210 đơn.

+ Tranh chấp lao động 62 đơn.

+ Khiếu kiện hành chính 115 đơn.

Đến nay các trung tâm đã hòa giải, đối thoại thành: 1.580 vụ việc.

Trong các vụ án hòa giải, đối thoại thành có:

+ 1.247 vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về tài sản chung vợ chồng và nuôi con (trong đó đã hòa giải vợ chồng đoàn tụ 383 vụ), đạt tỷ lệ 78,92%.

+ 290 vụ án tranh chấp dân sự, đạt tỷ lệ 18,35%.

+ 19 vụ án kinh doanh, thương mại, đạt tỷ lệ 1,20%

+ 12 vụ tranh chấp lao động, đạt tỷ lệ 0,76%.

+ 12 vụ đối thoại thành về hành chính, đạt tỷ lệ 0,76%.

Trong số 1.580 vụ việc hòa giải, đối thoại thành có 554 vụ đương sự tự thỏa thuận với nhau, người khởi kiện rút đơn khởi kiện; 1026 vụ việc các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận theo quy định.

Từ ngày 1-11-2018 đến ngày 2-4-2019, Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Bình Chánh đã tiếp nhận 641 đơn, đang tiến hành hòa giải là 475 trường hợp và đạt kết quả hòa giải, đối thoại thành công là 323 vụ việc.

Theo ông Đỗ Quốc Đạt, một trong những khó khăn của trung tâm hòa giải là công tác triệu tập mời đương sự. Nhưng trong thời gian qua thì tòa án cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt của lãnh đạo cũng như cán bộ, công an của 16 xã thị trấn.

Trước đó, TP.HCM thí điểm 10 trung tâm hòa giải tại tòa. Các trung tâm hòa giải được đặt tại 10 tòa án, bao gồm một trung tâm tại TAND TP và chín trung tâm tại TAND các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Củ Chi.

Ông Đỗ Quốc Đạt, Chánh án, Giám đốc trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Bình Chánh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: TRẦN LINH

Nhiệm vụ của các trung tâm này là hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, đối thoại các khiếu kiện hành chính theo yêu cầu của đương sự và các vụ việc trước khi tòa thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện không được hòa giải, đối thoại theo quy định của BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính.

Thời gian triển khai thí điểm là sáu tháng, bắt đầu từ ngày 1-11-2018. Trong trường hợp cần thiết và khả năng cho phép thì thời gian thí điểm có thể kéo dài đến khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được Quốc hội ban hành.

TRẦN LINH-VŨ MẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chanh-an-tand-huyen-binh-chanh-noi-ve-cong-tac-hoa-giai-831599.html