Chàng Việt kiều Mỹ với khát vọng đưa chuỗi sản phẩm truyền thống ra thế giới

Trong đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Xuân Quê hương 2019 vừa qua, nhiều người khá ấn tượng với một chàng trai trẻ, dáng cao, có nụ cười hiền, đôi mắt sáng, đặc biệt là búi tóc đằng sau gáy. Nhưng với bà con dân tộc thiểu số phía Bắc, chàng trai đó không hề xa lạ. Đó là Daniel Nguyễn Hoài Tiến, một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng quyết định trở về quê hương Việt Nam để khởi nghiệp, đóng góp sức mình để dựng xây đất nước.

Việt Nam luôn trong trái tim

Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra tại quận Cam, California (Mỹ), nơi có rất đông người Việt sinh sống. Do hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ Tiến không được dạy tiếng Việt. “Ấn tượng về Việt Nam của mình lúc còn nhỏ là hình chữ S khi bố vẽ trên giấy, mẹ nói về cách ăn cơm bằng đũa… Tuy nhiên, mọi thứ rất mơ hồ, không rõ ràng”, Tiến kể lại.

 Daniel Nguyễn Hoài Tiến chia sẻ về dự án phát triển chuỗi sản phẩm truyền thống của bà con dân tộc thiểu số.

Daniel Nguyễn Hoài Tiến chia sẻ về dự án phát triển chuỗi sản phẩm truyền thống của bà con dân tộc thiểu số.

Sau tốt nghiệp đại học, Daniel Nguyễn Hoài Tiến đến thành phố New Orleans ở tiểu bang Louisiana để lập nghiệp. Anh làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng. Trong nhiều năm, Hoài Tiến đã giúp sinh kế cho những dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mexico. Anh sáng lập hợp tác xã nông nghiệp mang tên VEGGI, chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành… cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị và khu chợ trời ở California.

Thay đổi mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Tiến là vào năm 2008, khi anh cùng gia đình trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Nơi quê nhà, chàng trai trẻ nhìn thấy bố-người đàn ông mạnh mẽ nhất trong gia đình-bật khóc. “Đó là giây phút mình sẽ nhớ mãi trong cuộc đời và ngay lúc đó mình nhận ra, Việt Nam rất đặc biệt trong trái tim mình”, Tiến nhớ lại.

Năm 2012, Daniel Nguyễn Hoài Tiến trở về Việt Nam với tư cách chuyên gia tư vấn hướng phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Với nền tảng tiếng Việt tốt có được từ ngày học đại học, cùng với việc tiếp xúc với các bạn trẻ, nông dân, ngư dân… trong quá trình làm việc đã giúp Tiến hiểu rõ hơn về con người, xã hội, văn hóa Việt Nam. Năm 2014, Daniel Nguyễn Hoài Tiến quyết định quay về Việt Nam khởi nghiệp.

“Ba cùng” với bà con dân tộc thiểu số

Không giống như một số bạn trẻ chọn thành phố làm nơi khởi nghiệp, Daniel Nguyễn Hoài Tiến chọn đến vùng sâu, vùng xa, đến với bà con dân tộc thiểu số, vì như lời anh giải thích, anh thích đi núi, đi rừng từ bé. Sau một quá trình làm dự án liên quan đến hoạt động giao đất, giao rừng cho bà con dân tộc thiểu số, Tiến quyết định quay trở lại vùng cao để đầu tư phát triển các chuỗi sản phẩm truyền thống, gắn liền bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Bằng kinh nghiệm của mình, Tiến hướng dẫn bà con dân tộc trong cách chăn nuôi trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống. Anh cũng tập trung thu mua, bao tiêu nhiều giống nông sản bản địa như cho bà con dân tộc Hmông, Dao, Thái, Tày... “Bà con canh tác trên nương rẫy để có ngũ cốc, lương thực, thảo quả, hạt, kể cả dệt vải. Tôi xây dựng thương hiệu, phân phối ra thị trường và xuất khẩu ra nước ngoài. Tôi giúp bà con thành lập hợp tác xã ở hai huyện Si Ma Cai, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thu mua ngô, thóc, thảo mộc, gia vị... tùy theo mùa. Thương lái thu mua ngô với giá 4.000 đồng/kg, thì tôi mua 15.000 đồng/kg”.

Hiện nay, Tiến đang ấp ủ một dự án về sản xuất một loại rượu whisky từ giống ngô bản địa của Việt Nam. “Các chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi của dự án vì chất lượng ngô bản địa rất cao. Hiện nay, tôi đã xây dựng được vùng ngô bản địa khoảng 15ha ở vùng Si Ma Cai. Sau khi kêu gọi đầu tư, công ty tôi sẽ chuyển giao công nghệ, bàn giao máy móc hiện đại và chỉ dẫn bà con làm”, Tiến hào hứng chia sẻ.

Theo Tiến, để khởi nghiệp thành công ở Việt Nam trước hết là phải có tình yêu quê hương, lòng say mê nghề và hơn hết phải “ba cùng”-cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc thiểu số. Chàng trai trẻ mong muốn sớm nhập quốc tịch Việt Nam bởi đó không chỉ là lòng tự hào mà còn giúp cậu đưa sản phẩm nông nghiệp của bà con dân tộc thiểu số ra thị trường thế giới. Con đường phía trước chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng với Tiến đó là cách anh thể hiện tình cảm với đất nước, làm công việc anh gọi là trách nhiệm với Việt Nam.

Bài và ảnh: BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chang-viet-kieu-my-voi-khat-vong-dua-chuoi-san-pham-truyen-thong-ra-the-gioi-566609