Chàng trai xứ Quảng mê Kungfu

Lưng trần nằm mảnh chai chịu lực đập tảng đá, dùng đầu đập liên tiếp 50 viên gạch đỏ mà không hề bị chảy máu hay thậm chí dùng mắt kéo xích nâng xô nước là một trong số ít tuyệt chiêu mà Nguyễn Quốc Bảo (1998, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã khổ luyện trong suốt thời gian theo đuổi niềm đam mê biểu diễn kung fu.

Lưng trần nằm mảnh chai chịu lực đập tảng đá, dùng đầu đập liên tiếp 50 viên gạch đỏ mà không hề bị chảy máu hay thậm chí dùng mắt kéo xích nâng xô nước là một trong số ít tuyệt chiêu mà Nguyễn Quốc Bảo (1998, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã khổ luyện trong suốt thời gian theo đuổi niềm đam mê biểu diễn kung fu.

Nguyễn Quốc Bảo được ví von có mình đồng da sắt.

Nguyễn Quốc Bảo được ví von có mình đồng da sắt.

Tôi tình cờ biết đến Quốc Bảo khi xem màn trình diễn Lân Sư Rồng ở một sự kiện tại Đà Nẵng. Tiết mục chàng trai tuổi đôi mươi đem đến cho người xem là dùng mắt kéo dây xích để nâng xô nước nhận được sự hiếu kỳ, trầm trồ của nhiều người. Một tiết mục khá nguy hiểm khi chỉ dùng lực của cơ mắt mà lại có thể dễ dàng nhấc bổng hai xô nước đầy qua sợi dây xích trong tiếng vỗ tay không ngớt của người xem.

Trong lần gặp mặt, Bảo tiết lộ vừa được lên sóng truyền hình khi tham gia chương trình Kèo này ai thắng phát sóng trên VTV3 và đã giành chiến thắng ngoạn mục. Trái ngược với những màn biểu diễn kinh dị không khác gì “hành hạ” chính cơ thể của mình, ngoài đời Bảo là một chàng trai với vẻ ngoài hiền lành có chút e dè. Nhắc đến chương trình, tôi rùng mình khi xem những gì chàng trai 22 tuổi này thể hiện. Dùng lưng trần nằm trên những mảnh thủy tinh và chịu sức nặng của 4 tảng đá với trọng lượng hơn 200kg đè lên. Chưa dừng ở đó, Bảo còn chịu lực của búa tạ liên tục đập vào 4 tảng đá chồng lên cho đến khi vỡ hết. Người xem không thể đếm được số lần Bảo đã phải chịu lực của búa tạ liên tục đập vào tảng đá, chỉ thở phào nhẹ nhõm khi Bảo hoàn thành thử thách vỏn vẹn trong 52 giây. Đối với tôi đó như là một sức mạnh phi thường, còn với Bảo thì chỉ cho rằng đó là sự thành công trong quá trình khổ luyện mà thôi. Bảo chia sẻ: “Mỗi tuyệt chiêu đều có mức độ khó khác nhau, mọi người thường nghĩ đó là những điều không thể làm nhưng nếu được tập luyện bài bản thì đối với bản thân tôi bộ môn này không chỉ giúp bản thân rèn luyện sức khỏe mà còn rèn được ý chí, sự kiên trì để chinh phục được những thử thách mà bản thân mình đặt ra”.

Ngoài tiết mục đã trình diễn trên sóng truyền hình, Bảo còn cho tôi xem những tiết mục đã tham gia các chương trình nghệ thuật ở địa phương với nhiều mức độ rùng rợn khác nhau. Khi được hỏi tuyệt chiêu nào được tập luyện lâu nhất, Bảo nhớ ngay đến tiết mục thiết hầu công khi sử dụng cây trúc vuốt nhọn đầu đặt lên cổ và dùng lực đẩy cong cây trúc. Đó cũng là tuyệt chiêu đầu tiên Bảo luyện tập khi bắt đầu theo đuổi niềm đam mê kungfu và mất 1 năm mới thuần thục.

Kungfu là một đam mê dữ dội mà Bảo theo đuổi từ năm 17 tuổi. Từ video của các võ sư kungfu của Trung Quốc khiến Bảo bị mê hoặc, rồi tình cờ lại được bén duyên với “bậc thầy kungfu” Việt Nam là võ sư Nguyễn Quang Hiển và được nhận làm đệ tử khiến Bảo như tiếp thêm sức mạnh. Kể từ đó, quá trình tập luyện của Bảo đều được sư phụ của mình hướng dẫn, hỗ trợ, cứ thử tập lại thích, đến khi chinh phục được lại càng hăng say hơn.

Màn trình diễn được xem là nguy hiểm nhất trước giờ của Bảo.

Tuy 17 tuổi mới bắt đầu đam mê kungfu nhưng cơ thể của Bảo đã được rèn luyện khi còn nhỏ. Năm 12 tuổi Bảo đã được mẹ cho học võ cổ truyền. Tập võ rồi Bảo hứng thú sang tập Lân Sư Rồng và dần thành lập được Đoàn lân Uy Phong hoạt động được hơn 4 năm nay. Học hết năm lớp 10 Bảo nghỉ học, ở nhà học nghề cắt tóc, có sự kiện thì nhận đi diễn, thời gian rảnh làm thêm việc vặt, đến mùa trung thu, Bảo còn khéo tay làm lân để bán tại địa phương, toàn bộ số tiền kiếm được đều đưa mẹ phụ giúp nuôi em. Nhắc về gia đình mình, Bảo bộc bạch: “Đương nhiên không có bố mẹ nào lại đồng ý cho con cái tập luyện bộ môn “kinh khủng” này, mẹ tôi cũng cấm cản và la rày lắm. Hôm nào đi luyện cũng ngủ lại nhà bạn, không dám về nhà vì tôi sợ mẹ nhìn những vết thương trên cơ thể mẹ lại khóc. Nhưng đã đam mê rồi không bỏ được, tôi chỉ biết an ủi để mẹ bớt lo lắng thôi”.

Những vết thương khi tập luyện là điều không thể tránh khỏi, nhẹ thì chỉ trầy xước, nặng thì chấn thương bộ phận cơ thể. Nhưng mỗi tiết mục biểu diễn đến khán giả là mồ hôi, nước mắt và là thành quả của quá trình kiên trì khổ luyện vượt qua mọi đau đớn, sợ hãi để chinh phục được giới hạn của bản thân, đem đến những điều phi thường của con người.

Diệu Huyền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_232151_chang-trai-xu-quang-me-kungfu.aspx