Chàng trai xứ Quảng giữ hồn nghề điêu khắc đá ở cố đô Hoa Lư

Sinh ra lớn lên ở Quảng Nam, lành nghề điêu khắc đá mỹ nghệ ở Ngũ Hành Sơn nhưng tên tuổi của Bùi Công Việt lại nổi tiếng ở vùng đất cố đô Hoa Lư. Anh là nghệ nhân trẻ nhưng lại ghi dấu ấn ở những công trình lớn để đời, khiến nhiều thợ đá lâu năm cũng phải nể phục.

Nghề thổi hồn vào những viên đá vô tri

Hẹn gặp mãi cuối cùng tôi cũng mới có dịp để gặp nghệ nhân Bùi Công Việt (SN 1980, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Tìm đến xưởng chế tác đá mỹ nghệ của anh ở thành phố Ninh Bình không khó nhưng gặp được thì lại là cơ duyên, bởi suốt ngày anh dong duổi trên các công trường không chỉ ở Ninh Bình mà nhiều tỉnh khác ở miền Bắc.

Việt cười đùa bảo: “Gọi mình là nghệ nhân hay giám đốc cho sang chứ một ngày quay đủ mọi việc, chẳng khi nào ngớt, có khi làm lái xe, bảo vệ, rồi thợ đục đẽo đá…”.

Nghệ nhân trẻ Bùi Công Việt

Nghệ nhân trẻ Bùi Công Việt

Việt bận thật, bởi thời gian trước và sau Tết các đơn đặt hàng, trả hàng của anh dày đặc. Ngồi mời khách cốc nước chè tâm sự về nghề mà điện thoại anh cứ rung lên liên tục. Câu chuyện của tôi với người nghệ nhân trẻ cứ bị ngắt quãng bởi các đơn hàng gọi đến.

“Làm nghề có đơn hàng là vui nhưng nhiều quá, mà khả năng của mình có hạn không phục vụ hết được mọi người cũng thấy khó xử, chỉ mong sao khách hàng thông cảm” – Việt phân trần.

Câu chuyện của tôi và chàng trai xứ Quảng, bắt đầu bằng dấu ấn cách đây đúng tròn 10 năm. Việt kể, khi đó là vào đầu năm 2009, anh từ quê khắn gói ra Ninh Bình tìm việc khi biết được tại đây đang xây dựng quần thể chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

“Lúc đó ra Ninh Bình cũng chẳng nghĩ rồi mình sẽ ở lại mà lập nghiệp nơi này. Ninh Bình có làng đá mỹ nghệ Ninh Vân nổi tiếng hàng trăm năm nay, cơ hội sống bằng nghề đục đẽo đá ở đất này chỉ là con số 0 tròn trĩnh với tôi lúc ấy. Chuyến đi ấy chủ yếu là để học hỏi thêm kinh nghiệm, biết đây biết đó để cho mình trưởng thành hơn” – Việt nhớ lại.

Anh Việt bên một pho tượng La Hán do chính tay mình điêu khắc ra.

Tìm đến chùa Bái Đính, cả công trường rộng lớn đang thi công với hàng nghìn người xây dựng với đủ các hạng mục khách nhau. Nhưng Việt chú ý nhất là dãy hành lang La Hán đang được thi công với hàng trăm pho tượng được đục bằng đá xanh nguyên khối.

Chàng trai xứ Quảng cứ lân la, say sưa với công trình kỷ lục này bởi anh xuất thân là thợ điêu khắc tượng Phật. Ngắm nhìn rồi anh rút ra được nhiều ý từ các pho tượng do các nghệ nhân làng đá làm ra.

“Cơ duyên sao những ý kiến mình đưa ra lúc đó lại đến được tai ông chủ xây dựng chùa. Tôi đã được thử tay nghề bằng việc cho chạm khắc hai pho tượng trong số 502 tượng La Hán của chùa. Đó là hai tượng Phật của Việt Nam gồm: Phật hoàng Trần Nhân Tông và Bồ tác Thích Quảng Đức.

Bằng vốn kiến thức và tay nghề vốn có, tôi đã tự tin làm ra hai tượng La Hán này thành công ngoài mong đợi, được đánh giá cao. Không ngờ sau đó, ông chủ xây dựng chùa đã nhận ký hợp đồng với tôi để sửa lại 500 pho tượng La Hán đã được làm nhưng chưa vừa ý” – chàng trai xứ Quảng tâm sự.

Nghệ nhân trẻ xứ Quảng luôn sống và say mê nghề theo cách riêng của mình để đạt được những thành công lớn.

Những ngày sau đó, Việt về quê gọi anh em, bạn bè, những người thân có tay nghề cao ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cùng mình khăn gói ra Ninh Bình để thực hiện công trình lớn để đời. Doanh nghiệp xây chùa cung cấp hình ảnh tượng đến đâu Việt cùng 4 người thợ làm đến đó.

Doanh nghiệp giao làm trong 3 năm với hơn 500 pho tượng nhưng nhóm thợ của anh đã thi công xong trước thời hạn, chỉ hơn 2 năm sau đó đã xong hết. Các tượng La Hán này sau đó được hội đồng chuyên môn do doanh nghiệp thuê về thẩm định và các nhà Phật giáo đánh giá cao vì thể hiện được thần thái và quyền năng của các pho tượng Phật.

Giữ hồn nghề điêu khắc đá đất cố đô

Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, không ai theo nghề điêu khắc đá nhưng Việt lại đến với nghề như một duyên nợ. Anh nhớ lại, sau hai năm thi trượt đại học, anh tạm gác lại giấc mơ giảng đường và tìm kế sinh nhai.

Năm 2002, anh khăn gói ra Ngũ Hành Sơn xin vào xưởng đá mỹ nghệ để làm phụ việc với mong muốn kiếm một việc làm công ăn lương đủ nuôi sống mình để không phụ thuộc vào cha mẹ già.

Trong quãng thời gian làm thuê, Việt yêu nghề điêu khắc lúc nào không biết. Có được đồng lương ít ỏi, anh đăng ký học lớp đào tạo nghề điêu khắc do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng tổ chức. Càng học anh càng say mê nghề hơn, sau đó tiếp tục đăng ký học tiếp.

Đến năm 2005, biết được chút ít về nghề, anh ra nhận việc làm khoán, nhưng sau đó thấy chưa ổn định anh lại quay trở lại đi làm thuê nhưng ở một phương thế khác. Lần này, anh xin vào làm cho xưởng đá lớn, nổi tiếng trong vùng để học nghề tiếp. Gặp được ông chủ tốt nên anh đã nhanh chóng ghi dấu được tay nghề của mình.

Anh Việt đang hướng dẫn thợ "thổi hồn" vào những phiến đá vô tri để trở thành tác phẩm nghệ thuật để đời.

Hành nghề điêu khắc tượng Phật nhiều năm ở Ngũ Hành Sơn, cho đến khi nghe nói về điêu khắc hàng trăm pho tượng La Hán ở Ninh Bình, anh đã đến vùng đất cách xa nhà cả nghìn cây số để thử sức mình.

Sau khi hoàn thành bộ tượng La Hán ở chùa Bái Đính, tên tuổi của nghệ nhân trẻ Bùi Công Việt quê xứ Quảng “nổi như cồn” ở Ninh Bình. Ai cũng khen tay nghề của anh làm ra hàng trăm pho tượng không pho nào giống pho nào nhưng vẫn thể hiện được thần thái và quyền năng đặc biệt. Công trình ở chùa Bái Đính đã ghi danh Việt ở giữa vùng đất nổi tiếng về nghề điêu khắc đá.

“Khoảng năm 2011, khi đó tôi đang làm 500 pho tượng chùa Bái Đính thì có một Việt kiều đến tham quan và tâm đắc các sản phẩm tôi làm ra. Họ đã tìm đến và đặt hàng tôi làm 50 pho tượng La Hán mà thích nhất trong số 500 pho ở chùa Bái Đính nhưng bằng chất liệu đá trắng để đưa đi Mỹ đặt ở ngôi chùa đang xây bên đó. Bắt đầu từ đó, tôi thuê đất làm xưởng và gắn bó nghề với vùng đất cố đô Hoa Lư từ ngày ấy” – nghệ nhân trẻ chia sẻ.

Anh Việt tâm sự: Sống với nghề bằng niềm đam mê và mỗi tác phẩm làm ra là chứa đựng cả một tấm lòng dành cho đạo Phật

Hoàn thành xong các pho tượng Phật, nghệ nhân Bùi Công Việt sau đó gắn bó với nhiều công trình điêu khắc đá khác ở Ninh Bình, danh tiếng của anh vang xa từ đó. Ai cũng nể phục anh, làm nghề với cái tâm của mình. Từ những viên đá vô tri vô giác, nhưng Việt lại có cách thổi hồn riêng so với người thợ đá ở Ninh Bình. Tác phẩm của anh làm ra có thần thái riêng, chiều sâu về nghệ thuật đặc biệt là mang hồn như ở hiện thực.

Ngoài công trình 502 pho tượng La Hán chùa Bái Đính, 50 pho tượng La Hán xuất đi Mỹ hay hạng mục công trình ở Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế thành phố Ninh Bình, các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của nghệ nhân Việt phải kể đến như: Pho tượng Bồ Tát tự tại (ngồi) cao 6m cao nhất ở Hà Nội Hiện nay, tượng Quan thế âm ở chùa An Lạc cao 6m (Nam Định), pho tượng như trên ở Kinh Môn (Hải Dương)…

Nghệ nhân trẻ tâm sự: “Sống giữa vùng đất nghề đá nhưng để hoạt động được thì phải luôn rèn luyện nghề, cạnh tranh về chất lượng, không đặt nặng về giá. Sống với nghề bằng niềm đam mê và mỗi tác phẩm làm ra là chứa đựng cả một tấm lòng dành cho đạo Phật. Nghề đá chắc chắn vất vả, vì thế đến với nghề phải có niềm đam mê thực sự, luôn tìm tòi, tư duy để thêm hưng phấn, không bao giờ biết chán” – Việt nói tiếp.

Tác phẩm khổng lồ do anh Việt làm ra.

Tôi chia tay Việt khi trong lòng anh tràn ngập niềm vui và sự tự hào, bởi với anh mỗi khi nhắc đến các tác phẩm nghệ thuật từ tảng đá vô tri do anh “thổi hồn” là một dấu ấn để đời. Cũng vì thế mà anh luôn tự hào khi mỗi lúc được đưa bạn bè đến nhìn ngắm hàng trăm pho tượng do mình làm ra ở ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.

Theo dantri.com.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/chang-trai-xu-quang-giu-hon-nghe-dieu-khac-da-o-co-do-hoa-lu/20190217030726969