'Chàng trai với mái tóc đỏ, trong màu áo đỏ'

Huyền thoại bóng đá Brazil, Socrates từng nói: 'Cậu ấy là tiền vệ đủ xuất sắc để chơi cho ĐT Brazil. Tôi luôn thích thú mỗi khi xem Scholes chơi bóng. Một chàng trai với mái tóc đỏ, trong màu áo đỏ'.

Paul Scholes nổi tiếng với những cú sút xa như búa bổ. Ảnh: Getty Images

“Nếu muốn có tôi, hãy mua lại Manchester United”

Gọi Paul Scholes là “chàng trai với mái tóc đỏ, trong màu áo đỏ” là bởi chàng tiền vệ nhỏ con với chiều cao khiêm tốn 1m68 đã dành trọn 19 năm thi đấu chuyên nghiệp của mình trong màu áo đỏ của Manchester United.

Với Paul Scholes, chơi bóng cho Man United là điều duy nhất, và không có điều gì khác phải khiến anh bận tâm.

Sir Alex Ferguson từng kể rằng: “Ký hợp đồng với Scholes là công việc dễ dàng nhất đối với tôi. Cậu ấy sẽ ký ngay lập tức mà chẳng cần biết trong đó viết gì. Cậu ấy cũng không có người đại diện hay đòi tăng lương như nhiều cầu thủ khác.”

Vào năm 2000, Inter Milan đã từng liên hệ với Scholes với mong muốn có được sự phục vụ của tiền vệ này. Chủ tịch của Inter Milan khi đó - ông Massimo Moratti đã đưa cho Paul Scholes một tấm séc và yêu cầu Paul viết vào đó con số mà anh muốn. Một động thái cho thấy đội bóng nước Ý sẵn sàng có Paul Scholes bằng mọi giá. Tuy nhiên, Chủ tịch của Inter khi đó đã nhận lại câu trả lời khiến ông không khỏi bàng hoàng: “Nếu ông muốn có được sự phục vụ của tôi, thì hãy mua lại Manchester United đi”.

Hơn tất cả, đó chính là lời khẳng định đanh thép về tình yêu và sự tận tụy mà cầu thủ sinh năm 1974 này dành cho đội chủ sân Old Trafford.

Trong thời đại đồng tiền “làm mờ” đi lòng trung thành, câu chuyện của Scholes trở thành “của hiếm” như cách Roy Keane mô tả: “Cậu ta không mắc bệnh ngôi sao, không thèm có người đại diện luôn, chỉ cần chơi bóng trong màu áo đỏ mà thôi.”

Cầu thủ xuất sắc nhất trong mắt các đồng nghiệp

Năm 1991, ở tuổi 14, Scholesy chính thức trở thành cầu thủ trẻ ở học viện của Manchester United. Cái tên Paul Scholes vốn gắn với thế hệ vàng 1992 của “Quỷ Đỏ” cùng với David Beckham, Nicky Butt, Gary Neville… nhưng thực tế lại không góp mặt trong đội trẻ của M.U vô địch FA Youth Cup năm 1992 - tiếng vang đầu tiên của thế hệ huyền thoại này.

“Khi đó, Scholes quá nhỏ bé, quá yếu đuối. Cậu ấy không hề có sức mạnh. Bạn có thể hạ gục Scholes chóng vánh vì cậu ấy thấp bé nhẹ cân. Không những vậy, Scholes còn bị hen suyễn nên không thể chạy xa. Cậu ấy không nhanh và cậu ấy không bao giờ có thể đánh bại bạn”, Gary Neville kể lại.

Ấy vậy mà chưa đầy hai năm sau, Scholesy có trận ra mắt đội một M.U và có ngay một cú đúp trong chiến thắng 2 - 1 trước Port Vale ở cúp Liên Đoàn mùa giải 1994/1995.

Thời gian đầu Scholes thường xuyên được sử dụng ở vị trí hộ công, nơi mà anh đã thể hiện được nhãn quan chiến thuật siêu việt cùng khả năng xử lý tuyệt vời. Về sau, những đường chuyền xuyên tuyến, những pha chọc khe “chết người” cùng những cú sút như búa bổ đã làm nên thương hiệu của Paul Scholes.

Suốt những năm tháng ở M.U, anh đã có cho mình 25 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có 11 chức vô địch Premier League, 3 lần vô địch cúp FA và 2 lần nâng cao chiếc cúp danh giá UEFA Champions League.

Ở hai lần bước lên đỉnh vinh quang Châu Âu, tuy không trực tiếp góp dấu giày vào những bàn thắng trong hai trận chung kết, nhưng Scholes đã để lại dấu ấy đậm nét trên những chặng đường tiến đến đỉnh vinh quang.

Vào năm 1999, bàn thắng gỡ hòa 1 - 1 vào phút 88 trận tứ kết lượt về gặp Inter Milan đã nhấn chìm hy vọng đi tiếp của đội bóng xanh - đen, qua đó đưa M.U vào bán kết gặp Juventus, để rồi lên ngôi vô địch sau chiến thắng 2 - 1 trước Bayern Munich.

Còn ở chức vô địch năm 2008, tại trận bán kết lượt về gặp Barcelona, sau khi bóng nảy ra từ đường chuyền sai của Zambrotta, Paul Scholes nhận bóng, đẩy ra một nhịp rồi tung cú sút không thể cản phá từ ngoài vòng cấm khiến Victor Valdes và các đồng đội ngậm ngùi rời giải đấu với kết quả thua 1 - 0 sau hai lượt trận.

Tổng hợp thành tích trong suốt sự nghiệp của Paul Scholes.

Có thể nói, cầu thủ sở hữu 77 đường kiến tạo tại Ngoại hạng Anh hội tụ mọi yếu tố của một tiền vệ trung tâm hoàn hảo, với khả năng chọn vị trí, phân phối bóng bất kể khoảng cách, sút bóng sống từ tuyến hai với lực và hướng đi không tưởng.

Sir Alex Ferguson nói rằng: “Ở vị trí tiền vệ trung tâm, cậu ta chơi bóng bằng cái đầu và có tài cầm trịch. Đó là khả năng tự nhiên của Paul”.

Messi, cầu thủ sở hữu 6 Quả Bóng vàng Châu Âu chia sẻ về Paul như thế này: “Khi tôi là học viên tại La Masia (lò đào tạo của Barca), các HLV luôn nhắc về Scholes trong các tiết học. Anh ấy như là một cuốn sách giáo khoa vậy”.

Còn với Xavi, chân chuyền vĩ đại nhất nhì lịch sử bóng đá đương đại thì nói: “Paul Scholes là tiền vệ trung tâm giỏi nhất của bóng đá thế giới trong suốt 20 năm qua.”

Một cầu thủ xuất chúng của bóng đá đương đại khác, Cristiano Ronaldo cũng đã kể lại một câu chuyện về người đàn anh của mình: “Tôi luôn thích thực hiện những kỹ thuật mà ít ai làm được trên sân tập. Thế rồi một hôm, Scholes tiến về phía tôi, anh ấy chỉ vào 1 cái cây cách đó 50 m và thi xem ai có thể sút trúng cái cây đó ít nhất 1 lần. Tôi thực hiện tới 10 lần nhưng không tài nào sút trúng, trong khi Scholes lại sút trúng cái cây đó ngay trong lần đầu tiên. Rồi anh ấy chỉ cười và đi chỗ khác”.

Trong cuộc đời, không có gì là hoàn hảo

Tài năng có lẽ là thứ duy nhất người ta có thể thấy rõ ở Paul, bởi sau sân bóng, anh là một người trầm lặng, một người đàn ông của gia đình đúng nghĩa. Anh từng trả lời phỏng vấn về một ngày lý tưởng của bản thân: “Tới sân tập vào sáng sớm, đón con từ trường về, chơi đùa cùng chúng, uống trà, tối thì cho con đi ngủ và xem TV một chút”.

Scholes cùng gia đình trong ngày chia tay Old Trafford. Ảnh: PA Images

Là một con người giản dị và tràn đầy tình cảm, dễ hiểu khi Scholes chọn gạt bỏ những mong muốn cá nhân để giành những điều tốt đẹp cho gia đình.

Scholes có một cậu con trai mắc chứng tự kỷ, vì thế tình cảm của người cha là rất quan trọng. Để bệnh tình con trai tốt hơn, Scholes đã quyết định nói lời từ giữa sự nghiệp thi đấu quốc tế cùng ĐT Anh vì không muốn phải thường xuyên xa nhà.

Sau này, Paul đã từng bày tỏ sự tiếc nuối về việc từ chối cơ hội trở lại Tam Sư tại EURO 2010.

“Trước World Cup 2010, Fabio Capello muốn tôi trở lại và trợ lý Stuart Pearce đã gọi điện. Tôi mất vài ngày suy nghĩ nhưng rồi quyết định từ chối. Đơn giản, tôi đã không tham dự giai đoạn vòng loại, và có những cầu thủ khác chiến đấu cho chiếc vé dự World Cup trong 2 năm liền, họ phải đánh đổi rất nhiều. Nhưng lý do chính có lẽ là Capello - ông ấy đã không gọi cho tôi. Nếu đích thân ông ấy gọi thì sẽ khác. Có lẽ tôi tiếc nuối vì điều đó”, Scholes kể lại.

Sau đó một năm, Paul Scholes giải nghệ ở tuổi 37. Nhưng tới giữa mùa bóng 2012/2013, anh bất ngờ xỏ giày trở lại để giúp đỡ M.U trong hoàn cảnh “chảy máu” lực lượng trầm trọng bởi những chấn thương. Kết quả, Paul Scholes góp công lớn vào chức vô địch Premier League lần thứ 20 của M.U và cũng là chức vô địch cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu của anh.

Một trong những thời kỳ huy hoàng nhất của Manchester United in đậm hình bóng của chàng tiền vệ nhỏ con Paul Scholes.

Còn với Scholesy, những năm tháng đẹp đẽ nhất trong sự nghiệp của anh cũng được đặt trọn vẹn tại “Nhà hát của những giấc mơ”, đúng như những gì Sir Bobby Charlton từng nói: “Tôi rất thích Paul Scholes, anh ấy là hình ảnh thu nhỏ của Manchester United và của tất cả những gì tốt đẹp nhất trong bóng đá.”

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao-quoc-te/chang-trai-voi-mai-toc-do-trong-mau-ao-do/126149.htm