Chàng trai Việt kể sử… Lào

Trong quá trình làm phim đường xa, gặp gỡ rất nhiều người Việt ở nước ngoài, không ít người trong số họ tình nguyện, giúp chúng tôi hiểu rõ về lịch sử văn hóa, lối sống của các vùng miền. Bùi Thanh Phong là một người như vậy. Anh dùng tiếng Lào để kể sử Việt và dùng tiếng Việt để kể sử Lào.

Lúc 25 tuổi, Bùi Thanh Phong - Giám đốc đại diện cho Công ty du lịch Đường mòn Đông Dương - đến cố đô Luang Prabang, bắt đầu hành trình khám phá đất nước, con người và văn hóa Lào. Nhìn thấy xu hướng phát triển ngành du lịch trên một đất nước đang trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới, cộng với sự tự tin, vốn hiểu biết về văn hóa Lào, 4 năm sau Phong quyết định từ giã “phận làm thuê”, mở công ty riêng - Indochina, tại Vientiane, rồi định cư luôn tại đây. Trợ thủ đắc lực luôn sát cánh bên anh là Đing, cô bạn gái Lào rất xinh đẹp. “Làm rể” người Lào và những câu chuyện kể sử Lào, sử Việt cũng được khơi nguồn từ mối tình này.

Thường xuyên dẫn đường cho các tổ chức văn hóa như UNESCO, các đoàn làm phim như Thụy Sĩ, HTV… đi dọc nước Lào, thông thạo cả tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Anh nên ai cũng yên tâm cùng Phong lên đường. Phong và Đing là những người dẫn đoàn làm phim HTV chúng tôi trong suốt chặng đường 10 ngày đi từ thủ đô Vientiane lên cố đô Luang Prabang. Bữa ăn đầu tiên cũng là bài học thứ nhất về “nhập gia tùy tục”: Dùng tay thưởng thức món xôi nếp dẻo thơm và thịt trâu sấy khô, cộng với vài ngớp bia Lào đậm đặc là cảm giác rất tuyệt. Bữa ăn dường như ngon hơn với cách nói hài hước của Phong: “Nè, mấy anh chị qua đây là phải “gắp” thức ăn bằng mười chiếc đũa nha. Người Lào hào phóng lắm, dùng muỗng hay chỉ dùng một cặp đũa là họ giận không tiếp ráng chịu à. Xôi này là nấu cách thủy, bốc không cách gì dính tay, khỏi lo!”. Bàn ăn luôn có 2 nhân viên phục vụ tay cầm khay đứng kế bên chẳng làm gì. Ăn xong, Phong đố mọi người biết họ cầm khay để làm gì không? Rồi tự Phong giải thích luôn: “Người Lào chân thật như đất nên cũng sinh ra tính thụ động. Ăn xong mà mình không lấy chén dĩa bỏ vào khay để họ mang vô thì họ cứ đứng hoài, miệng cười tươi như hoa. Nhiều nhà hàng Việt thuê nhân viên Lào chỉ để… đủ đội hình, còn chủ quán phải xông vào việc hết!”. Chuyện này nghe lạ, nhưng sau đó tôi thấy đúng. Nhiều cửa hàng ở Lào đến 9 - 10 giờ sáng mới mở cửa, 3 giờ chiều đã đóng. Ai cũng ung dung, thanh thản!

Phút thư giãn lãng mạn của đôi bạn trẻ

Với kiến thức tích tụ nhiều năm qua sách vở và tình yêu nước Lào đến kỳ lạ, đưa chúng tôi đến đâu, Phong cũng có chuyện để kể. Từ lịch sử hình thành chùa That Luang (nơi được kể rằng có xá lợi là một mảnh xương Phật đặt trên nóc tháp được vua dời kinh mang về từ cố đô), đến chuyện ngôi chùa Bàng Long của người Việt được xây năm nào, do ai sáng lập và Phật giáo Tiểu thừa - Đại thừa khác nhau ra sao, chùa nào đông Phật tử hơn.

Giữa đường đèo gần cố đô, Phong dẫn chúng tôi vào làng của bộ tộc Hơ Mông cùng tham dự Tết truyền thống. Phong nói, trai gái trong đoàn ai muốn có… bạn đời thì tranh thủ ngay lúc này. Tết Hơ Mông diễn ra liên tục một tháng, trò chơi giao tình gần như duy nhất là ném trái banh qua lại, bên nam bên nữ người ném người bắt… nếu kết nhau rồi thì dẫn vào rừng, sau đó thành vợ thành chồng. Phong bảo mình đã chơi nhiều lần rồi nhưng sau đó không dẫn nàng Đing vào rừng mà dẫn thẳng một lèo từ cố đô về Vientiane luôn, cho chắc! Chúng tôi cùng hòa vào chơi thử rồi vui vẻ cùng nhau tiếp tục lên đường.

Bùi Thanh Phong sinh ra tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tốt nghiệp khoa Quản trị du lịch và khách sạn trường Đại học Hufflit TP.HCM. Đến nay dù chưa đầy 30 tuổi, và với nhiều năm sống ở Lào, Bùi Thanh Phong đã có gần 10 năm tích lũy vốn sống và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch lữ hành. Anh dự định sẽ định cư thêm một thời gian nữa rồi trở về Việt Nam thành lập công ty chuyên về giới thiệu văn hóa, lịch sử và con người Lào thông qua con đường du lịch khảo cứu.

Ở một ngã ba khác, Phong cho xe dừng lại để mọi người tham quan chợ cá. Nơi đây bán toàn những loại cá mắm đặc thù của tiểu vùng Mê Kông. Phong kể sành sỏi cách chế biến, sử dụng, bảo quản các loại thực phẩm này. Rồi anh dẫn chúng tôi đến cửa ngõ hướng lên miền Xiêng Khoảng, nơi có địa danh Cánh Đồng Chum nổi tiếng. Anh đưa ra nhiều giả thuyết và dẫn lại nhận định của học giả người Pháp - bà Madeleine Colani, rằng, vào năm 1930, những chiếc chum khổng lồ huyền bí kia là những nấm mồ chôn người. Tôi thoáng rùng mình trên đoạn đường đầy đèo dốc.

Cố đô Luang Prabang hiện ra trong một buổi chiều ta. Thành phố đẹp và yên tĩnh đến mê hồn. Từ khi ở đây được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nhiều quy định nghiêm ngặt được ban ra. Trong đó các hàng quán chỉ được mở nhạc Lào, sau 5 giờ chiều âm lượng được chỉnh rất nhỏ, chỉ vừa đủ nghe. Rồi việc các tín đồ không được đứng từ trên lầu nhìn xuống các nhà sư lúc họ đi khất thực vào mỗi sáng sớm… Phong giới thiệu liên hồi, về đủ thứ tập tục, nghi lễ, rồi đưa mọi người đến một nhà hàng nằm ven sông, gọi những món đặc trưng nhất của vùng Bắc Lào.

Món tảo lướt ván mằn mặn, béo ngậy được chế biến rất kỳ công: Người Lào lặn xuống đáy sông Mê Kông cạo rong tảo bám vào đá, đem về trộn với các gia vị như tỏi, cà chua… giã nhuyễn rồi phơi trên mái tranh, rắc mè lên. Chỉ cần cắt ra từng miếng lướt qua dầu sôi vài lần là dùng ngay được. Kể xong, Phong chỉ qua bên kia bờ hỏi chúng tôi thấy gì không… Chưa ai kịp nhận ra thì Phong nhắc, hãy lướt mắt từ trái qua phải, nhìn thật xa sẽ nhận ra. Đó là hình dáng một cô gái có đầy đủ đường nét được tạo bởi các ngọn núi lớn nhỏ. Đẹp kỳ vĩ. Phong kể truyền thuyết xưa kia, rất lâu trước cả thời quốc vương Fa Ngum, một vị lãnh chúa sang bên kia bờ sông, vào rừng săn bắn, ông gặp một cô gái đẹp rồi đem lòng yêu thương, bỏ vương quốc của mình và ở lại luôn trong rừng. Một thời gian ông phát hiện đó là yêu nữ giả dạng, sợ quá trốn chạy thì bị rượt đuổi. Trong lúc lãnh chúa tuyệt vọng, Phật trên trời hiện ra, dùng một cỗ quan tài chắn lên mái tóc dài của yêu nữ. Từ đó về sau, không ai dám sống bên kia bờ. Đến nay, chỉ có những ngôi chùa hoang còn lại trong rừng. Một bờ sông trải dài không một bóng người. Lần thứ hai, chuyện Phong kể làm tôi rùng mình.

Với Đing, cô thôn nữ xứ kinh đô mà Phong đem lòng yêu mến, thì đó là một trong những cô gái xinh đẹp nhất mà chúng tôi từng gặp trên đất Triệu voi này. Đing đảm đang nhưng có điều lười học tiếng Việt, nên Phong phải kể sử Việt cho cô nghe bằng tiếng Lào. Sau lần về thăm quê người yêu ở Việt Nam, Đing chịu khó nghe nói tiếng Việt hơn. Lần gặp lại, cô đã biết chào hỏi chúng tôi bằng tiếng Việt.

Những câu chuyện kể về nước Lào của Bùi Thanh Phong còn nhiều điều thú vị . Ấn tượng chàng trai này để lại đó là một người có tình yêu đặc biệt với nước Lào, một sứ giả, một cầu nối văn hóa cho bất cứ ai muốn đến đây tìm hiểu và du ngoạn.

Bùi Thanh Tuấn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/chang-trai-viet-ke-su-lao-213634.html