Chàng trai từng đánh em gái trở thành người bảo vệ phụ nữ

'Tôi từng nghĩ các cô gái sợ ra ngoài một mình vì họ luôn sống phụ thuộc. Sau đó, tôi nhận ra hành động quấy rối của đàn ông mới là thứ khiến phụ nữ e dè'.

Omkar (18 tuổi) nhiều lần trút cơn giận, thậm chí đánh đập Rutu, em gái của cậu.

Thế nhưng bây giờ, Kanta, mẹ của Omkar, nói rằng cậu cư xử với em vô cùng nhẹ nhàng và tôn trọng.

“Bên cạnh đó, thằng bé đã biết pha trà giúp tôi khi nhà có khách, dọn dẹp và sắp xếp những đồ đạc trong gia đình. Thằng bé rất biết cách cư xử, tử tế hơn so với nhiều cậu trai khác ở nơi tôi sinh sống”, bà Kanta nói.

Omkar là một trong hơn 5.000 nam thanh thiếu niên ở Pune (Ấn Độ) tham gia chương trình có tên gọi Hành động vì Bình đẳng (AFE).

Được phát động bởi Quỹ Cộng đồng Bình đẳng (ECF), AFE ra đời với mục đích chống lại bạo hành phụ nữ, mà đối tượng hướng đến là các nam sinh tuổi vị thành niên.

Omkar trở nên chín chắn và dần thay đổi những hành vi của mình từ khi tham gia chương trình. Ảnh: Chhavi Goyal.

Omkar trở nên chín chắn và dần thay đổi những hành vi của mình từ khi tham gia chương trình. Ảnh: Chhavi Goyal.

Theo Christina Furtado, giám đốc điều hành của ECF, đấu tranh đòi bình đẳng giới như một “cuộc chiến ngược dòng”.

Dù hàng loạt cuộc biểu tình trong khuôn khổ phong trào #MeToo hay những buổi trò chuyện về tự bảo vệ bản thân dành cho phụ nữ đã diễn ra, họ vẫn không thể tránh khỏi những gã đàn ông bạo lực và vô nhân tính.

Chính vì thế, chương trình AFE tập trung vào việc giáo dục thanh thiếu niên, độ tuổi từ 13 đến 17, bằng việc thiết kế một khóa học 43 tuần về bạo lực giới, phá vỡ các chuẩn mực giới tính và hướng chúng đến một xã hội công bằng, an toàn cho mọi người, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

"Tôi tôn trọng và muốn bảo vệ họ"

Akshay (18 tuổi) tham gia chương trình AFE lần đầu tiên vào năm 2014 với tư cách là một tình nguyện viên tổ chức các buổi học.

Sau đó, anh đã ghi danh học cùng với hai anh em của mình. Kể từ khi tốt nghiệp chương trình, Akshay trở thành hình mẫu cho các chàng trai khác trong thành phố.

Giống mẹ Omkar, mẹ Akshay, Sujuta chia sẻ rằng bà nhận thấy những thay đổi đáng kể trong hành vi của con mình. Trong suốt một tháng, Sujuta không cần làm bất kỳ công việc gì bởi vì con trai luôn giúp đỡ bà.

Vào cuối chương trình học, người tham gia sẽ cùng nhau thực hiện một dự án thiết thực mang tính cộng đồng. Ảnh: ECF.

Ở nơi Akshay và Omkar sinh sống, nhiều cậu bé bắt đầu uống rượu ở tuổi 14, 15. Đây là một vấn đề tác động không hề nhỏ đến phụ nữ.

Các cô gái luôn lo sợ những lời bình phẩm thô tục từ những gã đàn ông say rượu. Họ thường ngại báo cho cảnh sát hay đối diện trực tiếp với thủ phạm vì tin rằng chính quyền sẽ không tin tưởng hoặc đổ lỗi cho chính nạn nhân.

Hiện tại, cả Akshay và Omkar đều được trang bị kiến thức để phát hiện dấu hiệu bạo lực và quấy rối tình dục. Họ cảm thấy vinh hạnh và biết ơn khi được các cô, các chị tin tưởng tìm đến để cầu cứu những vụ việc liên quan.

“Tôi từng nghĩ các cô gái sợ ra ngoài một mình vì họ luôn phụ thuộc và muốn được che chở. Nhưng sau đó tôi nhận ra tính cách gia trưởng và hành động bạo lực, quấy rối của những gã đàn ông mới là thứ khiến phụ nữ e dè, vì thế tôi bắt đầu tôn trọng và muốn bảo vệ họ”, Akshay nói.

Đấu tranh với sự bảo thủ

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, bạo lực phụ nữ và trẻ em là một trong những mối nguy hại hàng đầu trên thế giới. Một số nghiên cứu còn cho thấy có đến 70% phụ nữ từng trải qua bạo lực, dù là về thể xác hay tình dục.

Riêng ở Ấn Độ, vụ việc cô gái 23 tuổi bị hãm hiếp tập thể trên xe buýt ở Delhi vào năm 2012 đã làm rúng động dư luận trong nước cũng như quốc tế về hiện trạng tấn công phụ nữ, đặc biệt là tấn công tình dục.

Đó là lý do các chương trình như AFE có vai trò quan trọng như vậy.

Thế nhưng, tại xã hội Ấn Độ nói chung, rất khó thực hiện một chiến dịch cấp cơ sở vì bình đẳng giới, chứ đừng nói đến việc một cậu bé tuổi vị thành niên có thể lãnh đạo những người đàn ông còn lại tham gia phong trào.

Ở đây, cả nam và nữ giới thường bị ràng buộc bởi các phong tục lỗi thời, phụ nữ có thể bị lạm dụng tình dục bằng lời nói và đụng chạm thể xác mà không được nhận lại bất kỳ sự đền bù nào.

Phụ nữ Ấn Độ luôn phải đấu tranh giành lại quyền bình đẳng cho chính mình. Ảnh: Getty, Harish Tyagi.

Mặc dù AFE luôn khuyến khích người tham gia chủ động hơn, theo Pravin Katke, điều phối viên của tổ chức, khi các cậu bé học cách giúp phụ nữ phòng tránh bị quấy rối, chúng thường quá coi trọng lý thuyết.

Chúng khuyên những cô gái xung quanh nên mặc quần áo như thế nào, hoặc luôn cảnh báo khi họ có ý định ra ngoài một mình. Dù là ý tốt, sự bảo vệ quá mức này có thể dẫn đến tính bảo thủ, điều mà tổ chức này đang cố gắng giải quyết.

ECF và Promundo, một tổ chức với mục đích tương tự được thành lập ở Brazil và có văn phòng tại Washington (Mỹ), đều thấy rằng việc thay đổi các chàng trai tuổi teen tương đối dễ dàng nhưng lại khó thực hiện công khai tại một cộng đồng có xu hướng chống đối việc đó.

Để giải quyết vấn đề này, ECF đang tiến hành cải cách chương trình giảng dạy cho giai đoạn sắp tới bằng việc kết hợp chúng với giáo trình học ở trường và các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Bằng cách xác định nguyên nhân gốc rễ của hành vi bất bình đẳng giới và thực hiện nhiều giải pháp ở cả cấp độ cá nhân và cộng đồng, các chàng trai có thể học cách bảo vệ không chỉ cho phụ nữ và trẻ em, mà còn cho chính bản thân mình.

Yến Nhi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chang-trai-tung-danh-em-gai-tro-thanh-nguoi-bao-ve-phu-nu-post1013225.html