Chàng trai trẻ 'lạc mình' trong gốm Phật

Gốm vốn là một thế giới kỳ lạ! Nhưng gốm Phật lại kỳ lạ hơn rất nhiều mà ít ai trong chúng ta từng nghe. Thật ra, sự kỳ lạ của gốm Phật vô cùng giản đơn nhưng có sức thu hút người trẻ. Đến với gốm là đến với Phật, đến với cái thiện.

Một góc trưng bày gốm Phật trong nhà Nguyễn Tuấn.

Một góc trưng bày gốm Phật trong nhà Nguyễn Tuấn.

Người làm ra gốm Phật, ở nước ta không hiếm. Nhưng tạo ra được một dòng gốm mà chỉ cần nhắc tên là người khác đã nhớ đến hình ảnh của Phật thì chỉ có một. Đó là Nguyễn Tuấn, chàng trai 39 tuổi quê Hải Dương nhưng kết duyên với dòng gốm Phù Lãng (Quế Võ – Bắc Ninh).

Lạc trong vườn Phật

Ngay cả hình hài của rồng cũng gắn liền với Phật giáo.

Bản thân Tuấn chưa bao giờ coi ngôi nhà của mình trên phố Bắc Cầu (Long Biên - Hà Nội) có đủ vườn tược, cây cối là một biệt thự. Nó đơn giản chỉ là một tổ ấm, trong khi bạn bè, những người yêu gốm lại luôn coi đây như một không gian nghệ thuật với bao la gốm. Còn tôi, vẫn muốn gọi ngôi nhà của Tuấn là vườn Phật.

Bởi vì đến với không gian nghệ thuật của Tuấn là đến với Phật. Khó có thể tìm được một sản phẩm nào bằng gốm trong ngôi nhà ấy mà không mang dáng Phật. Ngoài sân, ngoài vườn, trong nhà, trên tủ bày toàn gốm. Những gốm hình đầu Phật, hình Phật toàn thân cho đến chi tiết từng sợi tóc cũng mang hình của Phật.

Ngôi nhà không nhang khói, không hoa quả, không đồ cúng dường… nhưng Phật ở xung quanh, từ cổng tới ngõ, từ ngoài vào trong, đủ mọi hình hài kích thước đã khiến cho ngôi nhà Tuấn trở nên tĩnh mịch, thiêng liêng như thiền tự.

Những bức tượng Phật bằng gốm được khắc họa hình hài làm nổi bật tâm trạng khác nhau, có bức nhỏ vừa lòng bàn tay, có bức to lớn, Phật mang hình cây, hình chim, dáng rồng… với đủ mọi tư thế: Co ro, nhắm mắt, bó gối, mỉm cười, suy tư, tỉnh thức... đúng như những vần thơ của thi sĩ Huy Cận trong bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương”.

Khi ngắm nhìn những tác phẩm này, người xem có cảm giác dường như không đơn giản là ngắm những bức tượng Phật bằng gốm. Mỗi bức tượng Phật là một số phận, một câu chuyện đời đủ cả vui buồn sướng khổ mà tác giả từng chứng kiến. Anh gửi gắm trong đó những triết lý, những quan niệm mà con người đang chìm đắm trong cõi vô minh.

Trẻ nhưng không non

Mỗi bức tượng Phật bằng gốm đều mang những triết lý nhân sinh khác nhau.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn (bên phải) là người thành công nhất trong dòng gốm Phật.

Sinh năm 1981, Nguyễn Tuấn tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Khoa Mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành Gốm. Vài dòng sơ lược về Tuấn như thế, có lẽ chưa đủ và chẳng nói nên được điều gì. Vì ở chuyên ngành ấy không chỉ có một mình Tuấn. Có cả trăm sinh viên ra trường, nhưng chỉ có Tuấn thành công. Anh khiêm tốn cho rằng, bởi nghề đã chọn mình, và vì mình có duyên với Phật.

Cứ tạm cho điều Tuấn nói là đúng. Nhưng, thật sự gia đình Tuấn chẳng ai theo nghề gốm. Tuấn biết đến gốm khi còn là sinh viên năm thứ 2. Vậy mà một người vừa trẻ tuổi, vừa non tay, nhưng dòng gốm Phật do anh tạo dựng đã khiến cho nhiều người phải trầm trồ.

Tuấn nói: Trong một lần may mắn, tôi được tham gia làm điêu khắc nho nhỏ trong những ngôi chùa trên núi Yên Tử. Mỗi lúc làm việc được nghe tiếng niệm kinh, gõ mõ từ trong am cùng mùi hương trầm khiến tôi nhớ tới sự tinh sạch và tư tưởng của đạo. Tôi bất giác nghĩ về cuộc sống của mình nơi đô thị và những bon chen, vụn vặt của đời sống thường nhật mà ngẫm nghĩ tới những câu thơ của vị ni cô chùa Non Nước khi xưa.

“Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ/ Càng nhìn càng ngắm lại càng dơ/ Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm/ Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa”. Qua đó tôi thấy rõ sự chán ngán thế cuộc và một tâm hồn dâng cho đạo của vị ni cô kia. Những lúc nghỉ ngơi, được nghe những kiến giải về đời của sư thầy cho tôi cảm được những triết lý tuy xa nhưng cũng rất gần.

Vậy là tôi xuống phố đem theo những cảm nhận nơi đất Phật và bất chợt nhìn thấy hình ảnh Phật trong hình dáng ngồi của những người đang đợi chờ xe buýt; trong những khuôn mặt con người uống nước bên vỉa hè. Hay trong giấc ngủ chập chờn của cậu bé học việc trong xưởng gốm của tôi, trong vóc dáng của những cô thôn nữ làng gốm nơi tôi làm việc… tất cả đều là thế giới Phật.

Tôi thấy được nhiều điều đẹp đẽ xung quanh mình mà mình không nhìn thấy rõ được trước đó, mọi việc như được phát quang và hiển lộ. Tôi đã tìm thấy đây chính là nguồn cảm hứng cho những chuỗi tác phẩm điêu khắc gốm của tôi sau này”.

Vậy là họa sĩ Nguyễn Tuấn, trong chốc lát xuất thần đã trở thành nghệ nhân. Anh trầm mình trong xưởng gốm, bất kể đêm ngày. Những thớ đất được anh gạn lọc trong bể hồ, mịn ướt và dẻo dai. Trên chiếc bàn xoay, bàn tay nhào nặn khối đất thành hình Phật. Những nụ cười, những suy tư từ khối đất kia thành nụ cười và suy tư thần thánh. Cũng là suy tư, nụ cười thế nhân.

Lúc Tuấn muốn hiến mình cho dòng gốm Phật, không ít bạn bè và cả nghệ nhân lão làng dè bỉu lẫn e ngại. Nhưng Tuấn bảo: “Mình trẻ người nhưng không non dạ. Vả lại, ông cha xưa đã nói “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Sức tuổi trẻ, với cái tâm hướng thiện thì sao đất không thành Phật”.

Cho người trẻ và cho mọi người

Những sản phẩm gốm hết sức độc đáo, đầy tính sáng tạo.

Giờ đây, sau mấy năm ngụp nặn trong đất, số tượng Phật bằng gốm do chính tay Tuấn sáng tạo đã lên tới cả vạn. Nhưng, với nghệ thuật, người ta không tính bằng tháng bằng năm, cũng không dở hơi đi đếm con số. Quan trọng, tác phẩm ấy có ảnh hưởng tốt được tới người khác.

Và thật hay, cũng là điều mà Tuấn không ngờ. Trong hàng loạt cuộc triển lãm, người xem lại chính ở hai lứa tuổi: Người trẻ và người già.

“Người trẻ tới xem vì tò mò. Họ coi tượng Phật bằng gốm là nghệ thuật. Người già tìm đến để chiêm nghiệm kiếp nhân sinh”, anh Tuấn chia sẻ.

Từ đó, vườn Phật của Tuấn ở phố Bắc Cầu tràn ngập khách. Có người đến mua, có người đến xem. Khách ta có, mà ngoại quốc cũng nhiều và họ đều thích thú. Nhiều nghệ nhân gốm ở các làng nghề truyền thống đến học hỏi, về làm theo nhưng cuối cùng đều phải lắc đầu. Họ phải bỏ dở và tự nhận vô duyên, không theo được với Tuấn.

Sản phẩm gốm Phật của Tuấn hội đủ độc - dị - lạ - đẹp, nhưng giá lại “mềm”. Tuy vậy, khách muốn mua gốm Phật lại rất khó. Cơ bản bởi Tuấn làm nghề chứ không làm tiền. Đó cũng là một triết lý sống như Tuấn chia sẻ: “Tôi làm gốm, cho người trẻ thấy được cái đẹp, và cho mọi người gần hơn với cái thiện. Đơn giản thế thôi!”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/chang-trai-tre-lac-minh-trong-gom-phat-20200406081710935.html