Chàng trai trẻ dành tuổi thanh xuân lo cho người già

Không phải giàu có, chàng trai trẻ Ngôn Đức Thắng chỉ với một tấm lòng, một suy nghĩ khác người đã viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình.

Động lòng trước người già neo đơn

Ngôn Đức Thắng (SN 1989) ngụ P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, hiện đang phụ trách truyền thông cho 1 thẩm mỹ viện lớn ở Cần Thơ. Ngoài công việc, tâm trí của chàng trai trẻ này dành hết cho những người già vô gia cư mà anh biết. Anh cần mẫn kiếm tiền để hàng tháng phát lương cho những người bán vé số, và nuôi 10 người già neo đơn không có người bảo trợ trong ngôi nhà do chính tay anh và các nhà hảo tâm dựng nên.

Thắng kể, ngày trước cả gia đình anh 4 người phải xin làm nhà ở nhờ trên đất người quen ở H.Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Tuổi thơ nghèo khó của Thắng chứng kiến nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ gia đình mình. Khi lớn lên, Thắng luôn nghĩ mình phải làm gì đó để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Với suy nghĩ đó, cùng tính cách hăng hái của tuổi trẻ nên những ngày đầu tiên bước vào giảng đường đại học, Thắng cùng bạn bè kêu gọi mọi người trong trường ủng hộ quần áo cũ, thực phẩm để tặng cho người nghèo…

Sau khi tốt nghiệp đại học đi làm và tham gia nhiều hoạt động từ thiện Thắng càng thêm day dứt khi chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh. Từ đó, chàng trai trẻ quyết làm một điều gì đó để giúp đỡ những người này. Hằng ngày, bắt gặp những người già lọ mọ đi bán vé số, Thắng luôn mua ủng hộ và kêu gọi bạn bè mua giúp.

Hay gặp những người sống lang thang vô gia cư, Thắng luôn tìm hiểu hoàn cảnh của họ để tìm cách giúp đỡ. Bản thân chàng trai trẻ nghĩ, không phải chỉ giúp họ một lần rồi thôi, Thắng muốn phần đời còn lại của những người già này được sống trong những ngày vui vẻ, không còn vất vả mưu sinh nữa.

2 năm trước, nhân dịp Tết, để chuẩn bị danh sách tặng quà cho nhiều người già neo đơn. Thắng cùng bạn bè xách xe rong ruổi khắp Cần Thơ thì tình cờ biết đến bà cụ sống neo đơn tên Năm (80 tuổi), người có vết thương hở trên ngực do áp xe phổi.

Nhìn cảnh bà Năm chống chọi với bệnh tật những phút cuối đời mà không ai chăm sóc, Thắng thử kêu gọi bạn bè quanh mình chung tay giúp đỡ. Không ngờ, trong lần quyên góp này, Thắng kêu gọi được hơn 80 triệu đem tặng cho bà Năm chạy chữa bệnh tình. Tuy nhiên, sau 6 tháng dù tích cực chữa trị, bà Năm vẫn qua đời.

Bữa cơm đầm ấm ở ngôi nhà chung - Ảnh: Thanh Nguyên

Kể từ ngày bà Năm mất, Thắng càng nung nấu muốn làm những việc ý nghĩa cho người già neo đơn. Thắng bắt đầu dành một ít tiền lương tháng, kêu gọi thêm bạn bè lập một quỹ để phát lương cho khoảng 20 cụ già bán vé số trên địa bàn Cần Thơ, mỗi người được 300.000 đồng/tháng.

“Gia đình tôi cũng phản ứng, bạn bè thì cũng nhiều người nói ra nói vô. Nhưng sau đó, mọi người thấy tôi duy trì được việc làm ý nghĩa này nên không nói nữa. Còn bản thân tôi, tôi cho rằng đó là việc mình làm được thì nên làm. Tôi không nghĩ gì nhiều cả”, Thắng kể.

Bà Ngô Thị Quýt (84 tuổi), 1 trong những người “nhận lương” của Thắng, bị mù 2 mắt, đi lại khó khăn nhưng hàng ngày phải chống gậy đi bán vé số khắp nơi. Bà Quýt kể: “Tui không biết ai là người phát tiền cho mình hết. Tui mù mà, có thấy gì đâu. Nhưng nghe tiếng xe và giọng nói là tui biết cậu trai trẻ đó đến phát tiền”.

Bà Quýt quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp), bà có 5 người con, nhưng 2 người con không may qua đời sớm. 2 người khác đi làm ăn xa, người con còn lại thì bệnh tâm thần lại bị mờ mắt, bỏ nhà đi sống lang thang biệt xứ. Một mình cô đơn, bà Quýt lang bạt đến Cần Thơ bán vé số kiếm sống. Được nhà nước xây cho căn nhà tình thương, bà Quýt cần mẫn đi bán vé số để tự lo cho cuộc sống của mình. Nay gặp được Thắng, bước chân của bà cũng đỡ cơ cực trong tuổi già…

Tổ ấm của những người già

Trong 1 căn nhà gạch nhỏ nhắn nằm ở P.Tân Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ có 7 người phụ nữ tuổi từ 62 - 82 tuổi, sống quây quần với nhau. Căn nhà này là do Thắng kêu gọi những tấm lòng hảo tâm xây dựng nên. Mục đích của Thắng là xây dựng 1 tổ ấm cho những người phụ nữ già yếu, bệnh tật mà không có người bảo trợ. Vì là ngôi nhà chung cho mọi người, do nhiều người đóng góp mà thành nên Thắng gọi là “ngôi nhà chung”.

Lý do để Thắng quyết tâm xây dựng ngôi nhà chung cũng xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của những người già neo đơn. Một lần, qua bạn bè Thắng biết được trường hợp của bà Hồ Thị Ba (82 tuổi, ở Q.Cái Răng) đang phải sống một mình trong căn chòi lá rách nát, không có điện nước sinh hoạt.

Thắng tìm đến Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn của thành phố để xin cho bà Ba vào ở. Nhưng do rắc rối trong thủ tục xác nhận thân nhân nên trung tâm đã không nhận cụ Ba về. Để giúp bà Ba, Thắng đi tìm thuê nhà trọ để bà Ba có nơi ở đàng hoàng. Về sau, Thắng tiếp tục tìm thêm một số người già neo đơn về nhà trọ ở chung, rồi cậu đặt luôn cho nơi này tên gọi là “ngôi nhà chung”.

Năm 2017, “ngôi nhà chung” được nhiều mạnh thường quân biết đến. 1 nhà hảo tâm đã mua tặng cho những người già này 1 mảnh đất ở khu tái định cư Tân Phú, Q.Cái Răng. Có đất, Thắng cùng bạn bè mình tổ chức nhiều đêm ca nhạc và kêu gọi quyên góp được 300 triệu đồng để xây nhà.

Căn nhà khang trang, đầy đủ các tiện nghi với chi phí 250 triệu đồng. Số tiền còn lại, Thắng cho vào quỹ để hàng tháng chi phí cho ngôi nhà chung và phát lương cho những người nghèo khác. Lúc đầu, Thắng đưa 4 người già cơ nhỡ về đây sinh sống, và đến nay, “quân số” của ngôi nhà chung đã lên đến 7 người.

Bà Hà Thị Sỉ (63 tuổi, ngụ H.Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), thành viên của ngôi nhà chung kể: “Hồi đó tôi phải sống trên ghe, hàng ngày chèo đi xin ăn tứ xứ. Tối đến tấp đại vào mé sông ngủ cho qua đêm, khổ nhất là lúc trời mưa gió, lạnh lẽo vô cùng”.

Một lần, em gái bà Sỉ lên mạng xã hội và biết Thắng là người tốt bụng, có nơi cưu mang cho người già nên tìm đến xin cho bà. “Khi được Thắng đồng ý, 2 chị em tui ôm nhau khóc nức nở vì mừng. Về đây ở được nửa năm, Thắng luôn coi tụi tôi như người thân thích, chăm lo từng thứ một” - bà Sỉ nói trong sự vui mừng.

Tổ ấm của những người già neo đơn - Ảnh: Thanh Nguyên

Để chi phí cho ngôi nhà chung này, mỗi tháng tối thiểu Thắng phải xuất quỹ khoảng 6 triệu đồng. Thức ăn được Thắng mua để sẵn trong tủ lạnh. Hàng ngày, Thắng còn gửi tiền để các ngoại, các cô mua cá, thịt. Mỗi tháng, Thắng đi siêu thị mua những đồ dùng để dành trong kho để cho thành viên ngôi nhà chung dùng.

Đối với những người không có điều kiện đến sống ở căn nhà chung, Thắng đi vận động dựng nhà cho các bà ở. Đến nay, tổng cộng đã có hơn 15 căn nhà trị giá hơn 1 tỉ đồng mà Thắng đã xây cho người nghèo.

Thắng tâm sự: “Nhiều lúc tôi cũng muốn dẹp bỏ hết công việc để về sống chung với các ngoại, các cô. Nhưng tôi phải đi làm thì mới lo được cuộc sống cho họ. Họ thương tôi như con cháu của họ, tôi cũng đối đãi với họ với tất cả tấm lòng. Một lần, tôi ngồi cắt móng tay cho ngoại Thêu, vừa cắt xong, ngoại ôm tôi khóc. Tôi cũng khóc, tôi biết ngoại cô đơn lắm”.

Người phụ nữ đó là bà Nguyễn Thị Thêu, 82 tuổi, quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long. Cuối năm 2017, thông qua bạn bè, Thắng xuống tận nhà của bà Thêu để rước bà về ở ngôi nhà chung. Gọi là nhà, nhưng đó chỉ là căn lều được che chắn bằng những tấm bạt, bà Thêu ngồi co ro, buồn bã ở phía trong. Lúc Thắng rước bà đi, cả xóm khóc mừng cho bà có được nơi ở tử tế…

Đến nay, Thắng vẫn chưa dừng lại ý định tìm kiếm đưa những người già neo đơn, không nơi nương tựa về ngôi nhà chung. Giúp đỡ được người nào, đối với Thắng đó là niềm vui lớn trong cuộc sống. Chàng trai trẻ này mong rằng, ngôi nhà chung sẽ ngày càng lớn hơn, càng nhiều thành viên hơn và luôn tràn ngập tiếng cười.

Thanh Nguyên

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/nhip-cau-nhan-ai-c-89/chang-trai-tre-danh-tuoi-thanh-xuan-lo-cho-nguoi-gia-85141.html