Chàng trai tỉnh lẻ từ người bán thịt thành ông chủ giàu có

Đến Thượng Hải tay trắng, với hai bao sách và một ước mơ làm giàu, anh Lu Chuanjiang (Trung Quốc) đã dần có công ty lớn mạnh.

Anh Lu Chuanjiang, sinh năm 1970, từ quê nhà ra Thượng Hải đầu hè 1998 để tìm cơ may thoát nghèo. Nhờ sự cải cách và mở cửa của Thượng Hải, từ người làm việc tại quầy bán thịt, Lu sớm mở được cửa hàng riêng, thành lập công ty thực phẩm chuyên cung cấp thịt lợn cho các căng tin của nhiều doanh nghiệp.

Theo Shine, mặc dù bận rộn trong công việc và cuộc sống, anh vẫn dành thời gian làm từ thiện, đảm nhận chăm sóc 8 người cao tuổi không thân thích gì với mình.

Với thành công của mình, Lu đã giành được nhiều giải thưởng, gồm giải Lao động nhập cư trẻ xuất sắc tại Thượng Hải. Anh cũng là tác giả một cuốn sách thơ về quê hương, được in trong sách của Thư viện quốc gia. Câu chuyện về cuộc đời Lu là điển hình của lớp trẻ tỉnh lẻ nhập cư ở Thượng Hải:

Khi mới đến Thượng Hải, bất cứ lúc nào rảnh, anh Lu lại đọc sách báo. Anh cho rằng thói quen này giúp mình rất nhiều trong quá trình phát triển sự nghiệp.

Tôi sinh ra tại một làng nhỏ ở huyện Định Viễn, tỉnh An Huy. Mọi người trong gia đình tôi chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hiếm có lúc đủ ăn. Tôi quyết định tìm cơ may ở Thượng Hải.

Từng đi bán dưa hấu và rau quả tại quê nhà, lên thành phố, tôi bắt đầu bằng việc làm thuê cho một quầy bán thịt lợn ở Tanziwan, một khu nghèo ở trung tâm. Tôi thích đọc báo khi rảnh và việc này khá lạ lẫm với mọi người. Ông chủ, cũng cùng quê An Huy, từng bảo tôi: "Một đứa chỉ học hết lớp 9 thì làm nên trò trống gì ở Thượng Hải? Nếu cậu học hành chăm chỉ, cậu hẳn đã tốt nghiệp được đại học rồi. Đi ngủ đi vì cậu cần phải dậy lúc 3h sáng mai để làm việc".

Tôi bắt đầu viết thơ để thổ lộ tâm tư bởi mọi người xung quanh không thể hiểu được rằng tôi đang ôm kỳ vọng lớn lao về tương lai. Tôi chẳng giỏi văn chương nhưng tôi học viết từ hai bao sách mang theo từ quê nhà.

Như người xưa từng nói, thượng đế ban thưởng cho những người siêng năng, với kinh nghiệm làm việc tại quầy bán thịt, tôi tự mở được quầy hàng riêng sau chưa đầy 6 tháng ở căn phòng rộng 8m2 đi thuê. Trong đó chỉ có một chiếc giường và một chiếc chậu gỗ cũ kỹ nhưng đó là thứ đầu tiên tôi tự kiếm được cho mình tại thành phố này.

Nhưng tôi sớm rút ra được bài học rằng làm việc chăm chỉ không đảm bảo sẽ có thành công. Tôi thức dậy từ lúc 2h mỗi sáng và đạp xe 10 km đến cơ sở bán buôn để mua thịt lợn về bán nhưng có rất ít khách. Mỗi ngày, tôi phải mang gửi một lượng thịt ngon vào tủ đông của ông chủ cũ, nhưng vài ngày sau thì bị giục phải dọn hết đi mà chẳng có tiền tự mua tủ về dùng.

Tôi có 5.000 nhân dân tệ (gần 17 triệu đồng) sau gần một tháng kể từ khi khởi nghiệp. Đó là khoảng tiền lớn vào thời điểm cuối những năm 1990. Tôi sẽ phải ra đường xin ăn nếu tiếp tục lỗ vốn thế này.

Để tiết kiệm tiền, tôi và vợ ăn mỳ cả ba bữa mỗi ngày. Tôi chỉ tìm ra lối đi khi đọc tiểu sử của Lý Gia Thành, một trong những người đàn ông giàu có nhất Trung Quốc và cuốn tiểu thuyết yêu thích "Thế giới thường tình" của Lộ Dao.

Sự nhẫn nại của tôi không uổng công. Bất cứ lúc nào có thời gian, tôi lại chạy ra phụ giúp các quầy bán đắt hàng để xem cách họ làm việc và dần học được các bí kíp. Tôi nỗ lực hơn để đảm bảo chất lượng thịt của mình và đưa ra những dịch vụ tốt cho các khách hàng. Cuối cùng, sau 6 tháng, tôi không còn thua kém những đối thủ cạnh tranh.

Tôi ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Lý Gia Thành sau khi đọc tiểu sử về ông và quyết tâm sẽ có ngày biến ông ấy trở thành khách hàng của mình.

Trong vài năm sau đó, tôi giao thịt lợn đến các căng tin của một vài công ty tại Thượng Hải, trong đó có một chi nhánh trong tập đoàn của Lý Gia Thành, và xây dựng một công ty chế biến thực phẩm. Tôi có thể tự hào thông báo với mọi người rằng mình đã bán thịt lợn cho Lý Gia Thành.

Năm 2010, tôi được Liên đoàn lao động quốc gia lựa chọn làm nhân vật chính trong bộ phim ngắn mô tả cuộc sống của lao động nhập cư Trung Quốc để trình chiếu tại triển lãm quốc tế năm đó tại Thượng Hải. Tôi, cũng như những người ở các tỉnh lẻ đến đây, ngày càng có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân tại các sự kiện văn hóa trong nước, quốc tế.

Đến hôm nay, sau đúng 20 năm tới Thượng Hải, tôi vẫn nhớ lời cha từng nói với mình khi rời quê nhà: Những cuốn sách tạo nên thành công của một người đàn ông. Niềm tin đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi cũng tin rằng cơ hội sẽ đến với những người sẵn sàng đóng góp sự hiểu biết và nỗ lực của mình.

Theo Bảo ngọc -Vnexpress.net

Theo Bảo ngọc -Vnexpress.net

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/chang-trai-tinh-le-tu-nguoi-ban-thit-thanh-ong-chu-giau-co-3943543-l.html