Chàng trai Nam Định bỏ bằng giỏi kỹ sư để làm người mẫu

Bất chấp việc bị gia đình cấm cản, Thành Đông vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê với nghề chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Nhiều người thường xem nghề mẫu như công việc "bán thân" cho nghệ thuật. Đôi khi, những thương vụ mua bán này không đem lại món lời cao, thậm chí là lỗ. Tuy nhiên, đam mê và tình yêu dành cho thời trang vẫn khiến họ bất chấp tất cả để có thể sải bước trên sàn catwalk.

Tại Việt Nam, khi thời trang chưa phải ngành thực sự được chú tâm, công việc của những người mẫu nam gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, một số người vẫn ngày ngày nỗ lực để tìm chỗ đứng và sở hữu mức lương ổn định như các đồng nghiệp nữ. Trong số đó, không ít người chọn bỏ con đường trải hoa hồng để bước chân vào một nghề được dự đoán có không ít chông gai.

Trò chuyện cùng Zing, Nguyễn Thành Đông (sinh năm 1995, quê Nam Định) tiết lộ về góc khuất nghề nghiệp cũng như những khó khăn mình đã trải qua.

"Ngoài người mẫu, tôi còn là giảng viên về catwalk. Tôi có 4-5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Lựa chọn theo nghề mẫu cũng là cơ duyên với tôi. Đến giờ, tôi cũng không biết được lý do tại sao mình lại đưa ra quyết định đó", anh nói.

Tất cả vì đam mê

Tôi từng trải qua quãng thời gian đắn đo khi mới tốt nghiệp. Thay vì chọn công việc ổn định với tấm bằng kỹ sư cầu đường loại giỏi, tôi lại bị đam mê đánh gục.

Tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục duy trì công việc này và phát triển theo hướng ổn định hơn như giảng dạy, kinh doanh hay stylist nhờ vốn kiến thức mình tích lũy được.

 Thành Đông từng tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư cầu đường. Ảnh: NVCC.

Thành Đông từng tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư cầu đường. Ảnh: NVCC.

Khi mới vào nghề, tôi gặp nhiều khó khăn bởi thân hình lúc đó chưa đẹp, kinh nghiệm cũng không có nhiều và còn tự ti. Các mối quan hệ trong nghề chẳng có mấy. Người mẫu mới như tôi thường không có đất diễn. Bởi vậy, tôi hay bị loại khi casting. Điều đó khiến tôi suy nghĩ tiêu cực.

Hồi mới đi catwalk hay chụp hình, tôi run đến nỗi tay toàn mồ hôi. Nếu thời điểm ấy niềm đam mê nghề không lớn, tôi có lẽ đã sớm từ bỏ.

Gia đình tôi không có ai làm trong lĩnh vực nghệ thuật hay thời trang. Cha mẹ rất phản đối tôi theo nghề mẫu. Họ luôn muốn con cái có cuộc sống ổn định. Tất nhiên, nghề mẫu không nằm trong danh sách ao ước của họ. Thậm chí, cha mẹ còn sợ tôi đam mê quá rồi ảnh hưởng đến việc học.

Chuyện chê bai tôi nghe nhiều như cơm bữa.

Người mẫu Thành Đông

Lúc đó tôi còn trẻ, họ càng ngăn cấm, tôi càng muốn làm. Tôi giấu cha mẹ việc chạy show. Có lần, tôi còn bỏ thi hết môn để đi diễn. 2 cái học bổng trong 2 kỳ liên tiếp không đến tay tôi cũng với lý do ấy. Khi biết được, cha mẹ đã cắt luôn tiền hàng tháng và cấm tôi đi diễn.

Chuyện chê bai tôi nghe nhiều như cơm bữa. Một số người nói thẳng, còn lại chỉ thể hiện qua thái độ làm việc. Khi đó, tôi khá chán nản và mệt mỏi. Về nhà, tôi còn không muốn ăn, chỉ biết nằm một chỗ, suy nghĩ về những gì mình làm. Khoảng thời gian ấy khá tồi tệ. Đôi lúc, tôi còn nghĩ mình đã đi nhầm đường.

Tuy nhiên, sau một giấc ngủ, tôi nhận ra mình phải cố gắng hơn. Tôi ngồi cả ngày trước gương tập luyện về thần thái, cách tạo dáng, đi lại trong phòng để tập cách catwalk. Qua năm tháng, tôi thấy công việc dần vào guồng hơn.

Tỷ lệ chọi 1/20

Nhìn chung, người mẫu nam gặp nhiều bất lợi hơn mẫu nữ bởi đất diễn không có nhiều. Ngoài ra, thị trường thời trang nữ cũng phát triển hơn.

Điều này khá dễ hiểu vì lâu nay mọi người đều thấy phái đẹp thường chăm chút vẻ ngoài của mình. Do đó, sự cạnh tranh giữa những người mẫu nam nhiều hơn. Đặc biệt, cát-xê của người mẫu nam cũng khó có thể sánh ngang với nữ.

Thành Đông cho biết tỷ lệ chọi của người mẫu nam thường cao hơn nữ. Ảnh: NVCC.

Nếu yêu cầu của nữ giới là phải có thân hình thon gọn, gợi cảm, cao ráo, người mẫu nam cũng phải tuân thủ những quy định khắt khe riêng. Tôi luôn có chế độ luyện tập và ăn uống khoa học để tỷ lệ giữa cân nặng, mỡ thừa giữ ở mức chuẩn.

Ngoài hình thể, nếu muốn có chỗ đứng trong nghề, tôi cũng cần trau dồi kỹ năng về catwalk, chụp ảnh, thần thái và cách thể hiện trang phục phù hợp. Điều quan trọng không kém là phải thay đổi từng ngày để bắt kịp xu hướng thế giới và tạo ra phiên bản khác với mọi người.

Theo kinh nghiệm làm việc của tôi, tỷ lệ chọi của mẫu nam rất cao. Đôi khi, tỷ lệ chọi lên đến 1/20. Do đó, dù đã nắm vững các kiến thức làm nghề, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp mỗi lần casting.

Để được các nhà thiết kế lựa chọn, 80-90% phụ thuộc vào việc người mẫu phải phù hợp với trang phục của họ. Ngoài ra, khả năng trình diễn hay cách thể hiện được ý nghĩa của nhà thiết kế muốn gửi gắm tới khán giả cũng rất quan trọng. Tất nhiên, hình thể và mối quan hệ góp phần không nhỏ đến việc bạn được chọn hay bị loại.

Cát-xê chỉ đủ trang trải hàng ngày

Ở Việt Nam, thu nhập của người mẫu ở mức tạm ổn, không thể gọi là lý tưởng. Cát-xê nhận được chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Khi đến mùa, công việc nhiều sẽ dư giả hơn chút. Nếu chỉ làm mỗi nghề mẫu, tôi thấy cuộc sống không thể ổn định.

Ngoài những buổi đi chụp hay diễn, tôi còn dạy catwalk, tham gia các lớp nhảy, học thêm về lĩnh vực stylist. Nhìn chung, lịch của tôi khá kín, đặc biệt là cuối tuần.

Lúc mọi người dành thời gian nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mệt mỏi, tôi lại bắt đầu bận rộn. Vì đã quyết tâm làm người mẫu, tôi xác định không có ngày cuối tuần. Tôi tranh thủ được lúc nào thì nghỉ ngơi lúc ấy.

Nếu chỉ làm người mẫu, Đông cho rằng cuộc sống của mình sẽ không ổn định. Ảnh: NVCC.

Trong đợt dịch bệnh vừa qua, không riêng người mẫu, cả ngành thời trang đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả show diễn và lịch chụp hình đã book trước 1-2 tháng đều bị hủy bỏ.

Tôi rất áp lực. Tuy nhiên, tôi lại có thời gian chăm sóc, lắng nghe bản thân nhiều hơn và nhìn lại chặng đường mình đi qua. Ngoài ra, nó cũng giúp tôi vạch ra nhiều hướng đi khác, dám thử sức với những điều mới mẻ hơn.

Làm người mẫu, chạy nhiều công việc trong một ngày là điều không thể tránh khỏi. Đôi khi, tôi phải đối mặt với việc lịch trùng nhau, chạy 2-3 show/ngày, vừa chụp xong bên này chưa kịp nghỉ ngơi đã phải sang chỗ khác cho kịp giờ. Những lúc như thế, tôi thậm chí không kịp ăn uống.

Tôi từng một tay chạy xe, tay còn lại cầm ổ bánh mỳ đưa lên miệng ăn. Sau những ngày như thế, tay chân tôi không còn muốn hoạt động. Bước tẩy trang tôi cũng muốn bỏ qua và ào lên gường ngủ một giấc đến sáng.

Nếu nói về sức khỏe, người mẫu nam tất nhiên sẽ có độ bền bỉ, chịu đựng giỏi hơn. Còn về cám dỗ trong ngành, tôi thấy nó tỷ lệ nghịch với điều trên. Nếu không đủ tự tin về bản thân và muốn được thăng tiến nhanh, bạn có thể dễ dính vào cạm bẫy.

Tôi từng một tay chạy xe, tay còn lại cầm ổ bánh mỳ ăn.

Người mẫu Thành Đông

Tôi từng nghe được lời khuyên của một người trong nghề: "Nếu xác định làm người mẫu, bạn phải có một trong 3 yếu tố là tiền, đánh đổi hoặc tài năng". Do đó, sức chịu đựng sẽ phụ thuộc vào từng người chứ không phân biệt là nam hay nữ, bởi nghề mẫu khá vất vả và có nhiều may rủi.

Dù công việc bận rộn, tôi luôn cố gắng ngủ đúng giờ để đảm bảo sức khỏe và không gây hại cho làn da. Ngoài ra, tôi thường dành 2 giờ/ngày để tập gym, chạy bộ.

Về chế độ ăn uống, tôi luôn duy trì 5 bữa/ngày, 3 bữa chính và 2 bữa phụ, hạn chế tinh bột mức thấp nhất có thể. Uống 2-2,5 lít nước/ngày là chuyện bình thường với tôi.

Tôi thấy 70% trong số anh em làm nghề mẫu đều còn độc thân. Tất nhiên, tôi cũng vậy. Nghề này tiếp xúc với mẫu nữ rất nhiều cộng thêm thời gian làm việc không cố định nên tìm thấy một người hiểu mình khó lắm.

Nếu yêu người trong ngành, tôi nghĩ cũng khó thông cảm cho nhau. Do đó, tôi xác định đã theo nghề mẫu thì quyết độc thân.

Nữ người mẫu 23 tuổi không thể tự thở Từ khi còn nhỏ, Vita Bernik đã phải gắn liền với máy trợ thở và xe lăn.

Hoài Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chang-trai-nam-dinh-bo-bang-gioi-ky-su-de-lam-nguoi-mau-post1110314.html