Chàng trai làm giàu từ mô hình nuôi trai cấy ngọc

Từ một người không có kinh nghiệm làm nông nghiệp, song bằng sự năng động, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1992) tại thôn Dộc Lịch, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã gặt hái được nhiều thành công với mô hình nuôi trai cấy ngọc trong môi trường nước ngọt.

Trước đây, anh Tùng học về phòng cháy chữa cháy, nhưng sau khi ra trường, có cơ hội được tìm hiểu về nghề nuôi trai cấy ngọc, anh nhận thấy đây là một nghề rất có tiềm năng phát triển. Ban đầu, khi quyết định chuyển hướng sang đầu tư vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, gia đình anh đã phản đối rất kịch liệt vì cho rằng đây là quyết định bồng bột của một thanh niên trẻ, hơn nữa bản thân anh và gia đình lại không có kinh nghiệm trong nghề. Tuy nhiên, bằng khát khao và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh vẫn quyết tâm “khăn gói” về Ninh Bình để học nghề.

 Anh Nguyễn Văn Tùng – chủ của mô hình nuôi trai cấy ngọc đầu tiên tại Vĩnh Phúc.

Anh Nguyễn Văn Tùng – chủ của mô hình nuôi trai cấy ngọc đầu tiên tại Vĩnh Phúc.

Sau hơn một năm tầm sư học đạo, năm 2015, anh trở về quê hương để thực hiện hóa ước mơ của mình. Vì là người đầu tiên tại tỉnh phát triển mô hình nuôi trai nước ngọt cấy ngọc nên ban đầu anh Tùng cũng gặp không ít khó khăn. Anh Tùng chia sẻ: “Trong hai năm đầu khởi nghiệp, mình gặp vô vàn khó khăn, bản thân chưa nhiều kinh nghiệm lại thêm kinh tế hạn hẹp dẫn đến thua lỗ nặng, trai chết trắng ao... Nhìn trai chết lúc ấy, mình chỉ muốn buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến việc người ta ở tỉnh khác làm được thì mình cũng làm được, người ta thành công thì mình cũng cố gắng làm thành công”.

Quá trình làm ra một viên ngọc trai đẹp mất tới hai năm, các khâu để cấy ngọc trai cũng khá phức tạp: Đầu tiên phải lựa chọn những con trai tốt và khỏe mạnh, có 2 loại trai thích hợp cho việc cấy ngọc là loại trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dày, phải lựa chọn kỹ các con trai không bị bệnh và khỏe mạnh. Sau khi hạt nhân tạo được cấy vào bên trong, con trai sẽ tạo ra một vài lớp xà cừ trên bề mặt viên hạt này. Tiếp đến là công đoạn xử lý màu, hình dáng trước khi được đưa ra thị trường. Tỷ lệ cấy thành công 60 - 70%, tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước và nhiệt độ thời tiết từng năm.

Sau nhiều cố gắng, đến giữa năm 2017, anh Tùng đã thu hoạch lứa ngọc trai đầu tiên với hơn 500 con trai, thu được hơn 1000 viên ngọc. Giá bán hiện tại trên thị trường của một viên ngọc trai trung bình từ 200.000 - 500.000 đồng, ngọc trai loại đẹp có giá khoảng 2 - 4 triệu đồng và có thể cao hơn nữa. Trong khi đó, chi phí để nuôi và cấy ghép một con trai chỉ hết 35.000 - 40.000 đồng. Ước tính thu nhập mỗi năm từ mô hình này lên tới 1-2 tỷ đồng.

Công đoạn cấy hạt nhân tạo vào trong con trai.

Hiện tại cơ sở của anh Tùng có tổng diện tích mặt nước lên tới 2ha với hơn 1000 con trai được nuôi, mỗi con lại có thể cấy từ 2 đến 4 viên ngọc. Nhờ hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ Nhật Bản trong sản xuất, mô hình nuôi trai cấy ngọc không chỉ giúp anh Tùng phát triển kinh tế mà còn góp phần đưa sản phẩm đồng quê tiếp cận với khách du lịch nước ngoài.

Sản phẩm từ ngọc trai rất đa dạng, phù hợp với cả nam lẫn nữ, bên cạnh giá trị làm vòng trang sức, bột ngọc trai còn được sử dụng để làm bột tắm trắng, mặt nạ. Ngoài các sản phẩm ngọc trai được bán, các sản phẩm từ con trai cũng được sử dụng tối đa như: vỏ trai được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai được chế biến thành thực phẩm hoặc thức ăn phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, nuôi trai lấy ngọc cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Mặt khác, nuôi trai chủ yếu là nuôi ở tầng đáy ao nên có thể kết hợp nuôi chung với các loại thủy sản khác để tận dụng tối đa các tầng nước...

Hiện tại sản phẩm ngọc trai nước ngọt của anh Tùng đã xây dựng được thương hiệu ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đã có mặt ở một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… Những thành công bước đầu của anh Tùng không chỉ khẳng định con đường anh lựa chọn là đúng đắn mà còn mở ra triển vọng của nghề nuôi trai lấy ngọc ở Vĩnh Phúc.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Tùng chia sẻ: “Trong thời gian tới mình sẽ tiếp tục mở rộng mô hình ra các tỉnh khác như: Lào Cai, Phú Thọ, Điện Biên... Bên cạnh đó, mình cũng dự định sẽ bán con giống cho bà con, tạo việc làm cho mọi người và làm giàu một cách bền vững”.

Bài, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chang-trai-lam-giau-tu-mo-hinh-nuoi-trai-cay-ngoc-581585