Chàng trai Hà Nam hiến tạng cứu 7 người, ông bố kể về nỗi xót xa mang tiếng 'bán con'

Khi quyết định hiến tạng của con trai cứu những bệnh nhân khác, người bố đã vấp phải rất nhiều điều tiếng thậm chí sự phản đối gay gắt từ chính người thân, họ hàng của mình.

Quyết định của người cha dũng cảm và nỗi xót xa mang tiếng "bán con"

Ông Phạm Văn Thụ - bố của bệnh nhân Phạm Công Tuấn Anh.

Ông Phạm Văn Thụ - bố của bệnh nhân Phạm Công Tuấn Anh.

Chàng trai ấy là Phạm Công Tuấn Anh (26 tuổi, ở Đồng Hóa, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Tuấn Anh được phát hiện bị bệnh dị dạng mạch máu não và được điều trị hơn 1 tháng tại bệnh viện Bạch Mai. Sau ca phẫu thuật không thành công, anh được chuyển sang bệnh viện Việt Đức với hy vọng mong manh.

Sau 3 ngày điều trị tại đây, tình trạng không cải thiện, Hội đồng chuyên gia kết luận bệnh nhân Phạm Công Tuấn Anh đủ tiêu chuẩn chẩn đoán chết não do bệnh lý mạnh máu não. Lúc này bố của Tuấn Anh là ông Phạm Văn Thụ có nguyện vọng hiến tạng của con trai để cứu lấy những bệnh nhân khác cũng là cách để nối dài sự sống cho Tuấn Anh.

Quyết định này của người cha đã vấp phải sự phản đối gay gắt của chính người thân trong gia đình bởi quan niệm " chết phải toàn thây" đã ăn sâu trong quan niệm về sinh tử của nhiều người. Bên cạnh đó có không ít những điều tiếng đau lòng, những lời đồn ác ý cho rằng ông bố bán tạng con để được nổi tiếng, để nhận được cả tỷ bạc.

Những lời nói đó như ngàn mũi dao cứa vào tâm can người cha vẫn chưa hết đau xót khi phải chịu cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". Con trai ông còn quá trẻ, còn cả một cuộc đời rất dài trước mắt. Quyết định hiến tạng con là quyết định khó khăn nhất cuộc đời ông cũng là quyết định hoàn toàn đơn độc vì không một ai ủng hộ.

Lý giải về quyết định dũng cảm của mình, người cha cho biết thời gian hơn 1 tháng chăm sóc con trai tại bệnh viện ông mới thấy có quá nhiều bệnh nhân nguy kịch, nằm chờ chết mà chỉ có ghép tạng mới sống được nên ông rất muốn sự ra đi của con trai mình không vô nghĩa.

Hoàn cảnh của Tuấn Anh con trai ông rất đặc biệt, vợ Tuấn Anh bị bệnh trầm cảm nặng sau sinh, phải dùng thuốc triền miên, con trai mới gần 2 tuổi, ông chỉ mong rằng sau này cháu lớn lên sẽ thấy còn giữ lại một phần nào đấy của bố cháu trên đời. Đó cũng là cách để cuộc đời của con trai ông sẽ được nối dài hơn.

Cho đi là còn mãi

Các bác sĩ phẫu thuật lấy tạng của bệnh nhân chết não để ghép cho các bệnh nhân khác.

Trước quyết định của gia đình bệnh nhân Phạm Công Tuấn Anh muốn hiến tạng bệnh nhân để cứu giúp những người khác, Ban giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành các thủ tục cần thiết, tìm người nhận tạng phù hợp.

Ca mổ bắt đầu lúc 6h30 sáng, bệnh nhân chết não đã được đưa vào phòng mổ để lấy đa tạng: tim, gan, 2 thận cùng một lúc ghép cho 4 bệnh nhân khác nhau. 5 ca mổ với 120 -130 nhân viên y tế diễn ra cùng một lúc và kết thúc vào 15h cùng ngày. Các tạng còn lại của bệnh nhân Tuấn Anh được lấy và ghép cứu sống cho thêm 3 bệnh nhân nữa, tổng là 7 người sẽ được "hồi sinh".

Trong đó, có một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, hai bệnh nhân suy thận mạn đã phải lọc máu nhiều năm, thời gian chỉ còn sống theo tháng. Bệnh nhân nhận gan hiến là nam giới, 49 tuổi, bị Xuất huyết tiêu hóa do xơ gan nhiều lần. Bệnh nhân luôn nằm ở nguy cơ tĩnh mạch bị giãn vỡ bất kỳ lúc nào.

Ngoài tiến hành ghép đa tạng cho người nhận, các bác sĩ còn lấy hai giác mạc chuyển sang Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương và lấy tám gân lưu trữ trong Ngân hàng mô, Bệnh viện Việt Đức.

Theo PGS,TS. Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những ca hiến đa tạng như bệnh nhân Phạm Công Tuấn Anh rất đặc biệt bởi hàng ngày tại bệnh viện Việt Đức có từ 5-10 bệnh nhân chết não xin về do tai nạn gia thông nhưng tỷ lệ gia đình đồng ý hiến tạng chỉ dưới 1%. Những gia đình đồng ý hiến tạng đều rất đáng trân trọng và rất đáng nhớ với tất cả các y bác sĩ.

Cũng chính vì khan hiếm nên các bác sĩ đều cố gắng tối đa sử dụng nguồn tạng hiến để ghép cho những người bệnh đang chờ ghép tạng. Theo PGS Nguyễn Quang Nghĩa, không chỉ riêng Việt Nam mà cả châu Á nói chung đều có quan niệm "chết phải toàn thây" chính điều đó đã cản trở sự phát triển của ngành ghép tạng.

Tính đến thời điểm này mới chỉ có gần 50 trường hợp chết não hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức trong 10 năm qua.

Xem thêm clip: Ngoạn mục ca điều phối, ghép tim xuyên Việt thành công

Lê Minh - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/chang-trai-ha-nam-hien-tang-cuu-7-nguoi-ong-bo-ke-ve-noi-xot-xa-mang-tieng-ban-con-68298-9.html