Chàng trai dân tộc Tày đam mê công nghệ

Mang sản phẩm 'Robot do thám chất lượng không khí' do chính mình sáng tạo tới Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc, Hoàng Thanh Tùng, người dân tộc Tày đã xuất sắc giành giải Nhì. Với kết quả này, Hoàng Thanh Tùng được tuyển thẳng vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và là một trong 120 gương mặt học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2019.

Hoàng Thanh Tùng (bên trái) đoạt giải Nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Thanh Tùng (bên trái) đoạt giải Nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, Hoàng Thanh Tùng có niềm đam mê đặc biệt với máy móc ngay từ bé. Hoàng Thanh Tùng chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã thích khám phá những thứ xung quanh. Lớn lên, em bắt đầu tìm hiểu, mày mò về các loại máy móc trong nhà như quạt điện, ti vi, radio. Sau đó, em bắt đầu vận dụng những kiến thức, nguyên lý đã được học, tự học vào việc chế tạo ra đồ chơi, vật dụng có thể chạy bằng động cơ, hoặc sửa chữa lỗi đơn giản của những thiết bị điện tử”.

Ngay từ năm lớp 2, Hoàng Thanh Tùng đã gom đèn pin hỏng của các gia đình hàng xóm xung quanh về, sau đó sửa rồi nối lại, tạo nguồn năng lượng thắp sáng cho đèn Trung thu. Đến năm lớp 4, chàng trai người Tày lần đầu tiên chế tạo xe mô tô đồ chơi có sử dụng thiết bị điều khiển từ xa, em dùng một số bánh răng và mô tơ ghép nối, tạo ra sự chuyển động. Năm lớp 6, Hoàng Thanh Tùng cho ra đời thiết bị chiếu sáng có tính năng tự động bật đèn khi trời tối và tắt đèn khi trời sáng. Em chia sẻ: “Do không có tiền mua đồ nên em đã nhận sửa chữa điện dân dụng cho các gia đình xung quanh để lấy tiền mua các vật dụng cần thiết để tạo ra các thiết bị”.

Khi bước vào lớp 10, Hoàng Thanh Tùng đã nhận sửa quạt, đường điện của lớp; sửa máy tính cho thầy, cô giáo, bạn bè. Giờ tin học ở trường, em phụ thầy, cô giáo cài đặt phần mềm phục vụ tiết học. Có lần, máy vi tính của thầy hiệu trưởng bị lỗi, Hoàng Thanh Tùng đã mạnh dạn xin được sửa giúp thầy. Kết quả không ngờ tới, chiếc máy vi tính đó đã hoạt động trở lại.

Nhận thấy năng khiếu và tình yêu với máy móc của cậu học trò nhỏ, thầy, cô giáo đã khuyến khích Tùng theo đuổi niềm đam mê. Tùng đã say mê nghiên cứu, mày mò, sáng tạo và 3 năm liền tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc. Năm lớp 10, Hoàng Thanh Tùng thực hiện đề tài “Sáp ong thông minh”; lớp 11, em thực hiện đề tài “Thiết bị phát hiện và xử lý nhanh khi rò rỉ khí gas”. Đến năm lớp 12, em mang sản phẩm “Robot do thám chất lượng không khí” tới Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc và xuất sắc đoạt giải Nhì.

Chàng trai người Tày cho biết: “Robot do thám chất lượng không khí giống như một trạm khí tượng có thể điều khiển ở bất cứ đâu, có khả năng đo được hàm lượng bụi trong không khí. Bởi robot này có khả năng thu thập một số dữ liệu về môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ tia UV, cường độ ánh sáng, áp suất không khí, hàm lượng bụi trong không khí, nồng độ khí C02 và phát hiện được sự xuất hiện của khí gas. Các dữ liệu mà robot thu thập được sẽ đồng bộ hoàn toàn với máy tính theo thời gian thực qua kết nối Internet”.

Đề tài “Robot do thám chất lượng không khí” được Hoàng Thanh Tùng ấp ủ từ rất lâu và em đã thực hiện trong vòng 4 tháng. Tùng cho biết: “Khi thực hiện đề tài này, em gặp khó khăn về việc lập trình cho robot. Em lập trình hoạt động cho chú robot này bằng ngôn ngữ C mà ở trường học lại không dạy những thứ này nên em phải tự học qua mạng Internet”. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện đề tài này hoàn toàn do Tùng đi làm thêm để trang trải.

Tùng chia sẻ: “Em làm nhiều việc để lấy tiền trang trải, từ đi lắp điện, nước dân dụng đến sửa chữa đồ điện, máy tính..., miễn liên quan tới máy móc là em đều nhận và tranh thủ làm”. Hoàng Thanh Tùng cũng hy vọng “Robot do thám chất lượng không khí” sẽ sớm được ứng dụng vào thực tế và góp phần phát hiện, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Với mơ ước được tiếp tục thỏa sức sáng tạo, Hoàng Thanh Tùng đã lựa chọn chuyên ngành Tự động hóa của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội để thực hiện mơ ước trở thành một nhà sáng chế trong tương lai.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chang-trai-dan-toc-tay-dam-me-cong-nghe/