Chàng trai dân tộc Nùng làm kinh tế giỏi
Anh Mông Văn Du (sinh năm 1981), dân tộc Nùng, xóm Bản Tin - Lũng Tao, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa) là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình và có nhiều đóng góp vào sự thay đổi của địa phương.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn, gia đình anh phát triển kinh tế nhờ vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ. Do tập quán canh tác còn lạc hậu, thiếu kiến thức và kỹ năng về phát triển sản xuất nên dù nỗ lực vượt khó nhưng gia đình anh vẫn khó thoát nghèo. Ban đầu, gia đình anh nuôi 1 con bò và vài con gia cầm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, sau khi tìm hiểu thị trường và học hỏi từ các mô hình, nhận thấy chăn nuôi lợn sinh sản mang lại thu nhập cao, anh Du quyết định nuôi thêm lợn thịt và lợn sinh sản.
Anh Du chia sẻ: Khi được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế và qua tìm hiểu những mô hình kinh tế có hướng phát triển tốt, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương, tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện thu nhập gia đình. Từ năm 2019 - 2020, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng, cộng với số tiền tích góp của gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn giống... Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng chăn nuôi, tìm tòi, học hỏi từ các nguồn sách, báo, Internet và những hộ có mô hình phát triển trong xã, gia đình tôi chủ động xây dựng chuồng trại kiên cố, sạch sẽ; tiêm phòng đầy đủ nên đàn lợn phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, gia đình có 10 con lợn nái và gần 200 con lợn con. Ngoài ra, gia đình trồng 1,5 ha mía. Tổng thu nhập từ bán lợn giống và mía hằng năm trên 180 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập từng bước thoát nghèo.
Với vai trò là bí thư chi bộ, anh Du nhiệt tình với công việc, gương mẫu thực hiện “nói đi đôi với làm”, thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, nỗ lực phấn đấu để góp sức cùng bà con trong xóm giảm nghèo, vì vậy đời sống bà con ngày càng nâng cao. Năm 2024, có 6 hộ thoát nghèo, hiện xóm còn 22/74 hộ nghèo.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chang-trai-dan-toc-nung-lam-kinh-te-gioi-3174137.html