Chàng trai đam mê rubik và ước mơ làm lập trình viên

Từ mùa Hè năm lớp 7 cho đến nay, rubik là món đồ chơi gắn bó trong suốt chặng đường học tập đối với Trần Ngô Phát Đạt (năm thứ nhất, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM).

Phát Đạt biết đến rubik từ Hè năm lớp 7 nhưng đến năm lớp 8, cậu mới đầu tư mua loại rubik chất lượng tốt và luyện giải tốc độ. Đạt kể: “Lúc ra cửa hàng và thấy những khối rubik rực rỡ sắc màu được bày bán, mình nhớ lại hồi nhỏ đi siêu thị cũng thấy nó nên đã mua. Khi ấy, mình mua về nhưng không biết giải. Còn bây giờ, mình quyết tâm giải được rubik. Mình xem cách giải trên mạng và mày mò làm theo”.

Lúc đầu mua rubik về chơi, Đạt không nghĩ mình sẽ duy trì đam mê cho đến tận bây giờ. Đạt chia sẻ: “Sau khi giải khối rubik 3x3, mình mua tiếp loại 4x4 và 5x5 về chơi thử. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm không như mong muốn vì đó là hàng không có tên tuổi. Vì vậy, mình bỏ chơi rubik một thời gian. Về sau, lên YouTube, mình thấy những người chơi xoay rubik rất nhanh, chỉ tầm 5-10 giây. Điều đó thôi thúc mình mua loại rubik “xịn” hơn để tiếp tục luyện tập”.

Phát Đạt thi giải rubik bịt mắt ở cuộc thi "WCA Ho Chi Minh Spring Open 2018".

Nói về sức hấp dẫn của rubik, Đạt chia sẻ: “Thứ nhất, rubik có nhiều cách giải nên chơi hoài không chán, nếu đặt mục tiêu giải nhanh. Thứ hai, nếu muốn giải nhanh thì mình phải luyện tập, tìm hiểu công thức, cách giải nhanh cũng như tư duy để giải. Đôi khi, việc rèn luyện tư duy giúp bản thân tìm ra cách giải phù hợp, thay vì chỉ dựa vào các công thức có sẵn. Ngoài ra, mình còn biết đến hành trình từ một người tự kỉ trở thành người chơi rubik chuyên nghiệp của Max Park. Chính rubik đã khiến Max Park trở nên tự tin trong giao tiếp với mọi người”.

Phát Đạt cũng khẳng định, chơi rubik là cách cậu giải trí sau những giờ học căng thẳng. Vì nhỏ gọn, rubik có thể chơi ở bất kì nơi đâu vào bất kì thời điểm nào. Đạt nhớ lại kỉ niệm vui với rubik: “Hồi mới chơi rubik, lúc nào mình cũng cầm rubik theo người. Có khi, mình mải xoay trong giờ học nên bị giáo viên tịch thu. Mình cũng hay đi các buổi offline để giao lưu kĩ năng giải rubik hoặc tham gia thi đấu để thử thách chính mình, cọ xát với nhiều người”.

Một video hướng dẫn giải rubik của Đạt.

Nhờ những buổi offline như vậy mà Đạt học hỏi thêm nhiều cách giải và các loại rubik mới. Đạt cũng biết thêm nhiều người bạn giải rubik giỏi nhưng chỉ “ở ẩn”. Phong Lê, Ngọc Thịnh, Đức Phước, Max Park, Feliks Zemdegs là những cái tên trong giới chơi rubik có ảnh hưởng nhiều đến Đạt. Phát Đạt đã bốn lần tham gia cuộc thi do Hiệp hội Rubik thế giới World Cube Association (WCA) tổ chức. Những năm THPT, Đạt còn là thành viên của CLB Toán Fibonacci (trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q. 6) nên cậu có cơ hội tổ chức các cuộc thi về rubik để các bạn học sinh có chung đam mê cùng ngồi lại giao lưu.

Đối với Đạt, ba yếu tố quan trọng giúp quá trình giải rubik đạt hiệu quả là chất lượng rubik, luyện tập thường xuyên và chủ động học hỏi, tìm hiểu cách giải. Đạt cho rằng rubik cần dễ xoay, không được cứng quá.

Đạt tổ chức cho các bạn giao lưu rubik tại Ngày hội Kết nối câu lạc bộ (trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q. 6, TP. HCM).

Hiện nay, Phát Đạt sở hữu một kênh YouTube riêng chuyên hướng dẫn giải rubik. Từ tháng 4/2021, Đạt thường đăng tải lên đây các video hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chơi rubik với mọi người. “Tùy vào loại video mà mình sẽ đầu tư quay khác nhau. Hiện tại, các video mình quay phải sử dụng tripod, đèn, micro rời để đảm bảo chất lượng hình ảnh. Ngoài ra, mình còn soạn kịch bản trước khi bắt đầu quay”, Đạt bộc bạch.

Đam mê chơi rubik và chuyên ngành Đạt đang theo học có một sự kết nối nhất định với nhau. Phát Đạt tâm sự: “Mình nghĩ, sự kết nối ấy là phần phân tích. Vì ngành mình chọn là phân tích hệ thống và khi chơi rubik, mình cũng phân tích, tính toán các bước giải và sắp xếp kịch bản để làm video”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Đạt ước mơ trở thành một lập trình viên. Về việc phát triển kênh YouTube, ngoài nội dung hướng dẫn giải rubik, Đạt sẽ chia sẻ thêm kiến thức của mình về học lập trình và kinh nghiệm khi đi làm.

Lập phương rubik hay “Lập phương ma thuật” là một trò chơi giải đố cơ học do Ernő Rubik (giáo sư kiến trúc, nhà điêu khắc người Hungary) phát minh năm 1974. Sản phẩm này ra đời dựa trên sự đam mê hình học và nghiên cứu những mẫu dạng ba chiều của ông.

Như Mai

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chang-trai-dam-me-rubik-va-uoc-mo-lam-lap-trinh-vien-post1347485.tpo