Chàng trai Bình Lục - Cả đời vì sự nghiệp giáo dục miền núi

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện thân mật với nhà giáo ưu tú Trần Luyến, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La. Nội dung cuộc phỏng vấn sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về Đoàn giáo viên năm 1959 nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ xung phong lên Tây Bắc phát triển giáo dục miền núi. Cuộc đời, số phận và duyên phận của họ là những câu chuyện sinh động về tinh thần 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'.

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

NGƯT Trần Luyến, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La.

NGƯT Trần Luyến, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La.

Phóng viên: Thưa ông, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông là một trong những người tham gia Đoàn giáo viên năm 1959 xung phong lên Tây Bắc phát triển giáo dục miền núi. Nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện này, giúp ông gợi nhớ về điều gì?

NGƯT Trần Luyến: Năm 1959, tôi lúc đó mới 19 tuổi, là giáo viên cấp I ở xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Hiểu biết về cuộc đời, nghề dạy học còn rất nông cạn, đặc biệt là giáo dục ở vùng dân tộc, miền núi. Nhưng tuổi trẻ rất muốn khám phá và cống hiến, may mắn thời điểm đó Bác Hồ kêu gọi giáo viên xung phong lên Tây Bắc tham gia phát triển giáo dục miền núi.

Qua tìm hiểu tôi biết rằng, tháng 5-1959, Bác và Đoàn Trung ương lên thăm đồng bào, cán bộ, bộ đội Khu tự trị Thái - Mèo. Bác thấy đời sống, văn hóa giáo dục của đồng bào ta còn thấp kém. Nguyên nhân là do chế độ thực dân, phong kiến để lại có đến 94% đồng bào dân tộc ở đây mù chữ, bệnh tật, phong tục tập quán lạc hậu. Tây Bắc lúc bấy giờ núi non hiểm trở, đường xá đi lại vô cùng khó khăn, trường lớp, giáo viên hầu như không có gì.

Nói chuyện với đồng bào tại Thủ phủ của Khu Tây Bắc, lúc đó gọi là Khu tự trị Thái - Mèo tại huyện Thuận Châu, Bác căn dặn: Ngày nay, đồng bào, bộ đội và cán bộ phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu giành lấy cho được một thắng lợi to lớn hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui. Sau chuyến thăm, nói chuyện với đồng bào Tây Bắc trở về, Bác đã ra lời kêu gọi giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi dạy học, đem ánh sáng của Đảng phát triển kinh tế, văn hóa miền núi.

Trước khi chúng tôi lên đường, Bác Hồ đã đến thăm hỏi, động viên. Bác dạy rằng, miền núi còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhiều bệnh tật, thiếu thốn đủ bề, cô chú nào sức khỏe không tốt thì không nên xung phong, đã xung phong thì xung phong đến nơi đến chốn. Cả đời tôi không quên câu nói đó. Cả đời tôi đã vâng theo lời Bác dạy.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ thêm về Đoàn giáo viên năm 1959 ngày ấy và bây giờ?

NGƯT Trần Luyến: Đoàn giáo viên chúng tôi được điều lên 18 châu của Khu tự trị Thái - Mèo, gồm 860 người, lứa tuổi đều còn rất trẻ. Sở Giáo dục Khu tự trị Thái – Mèo phân công 137 giáo viên về các châu: Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Sông Mã, Yên châu, Mai Sơn, Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La. Thời điểm ấy, Ủy ban hành chính các châu phân bổ mỗi xã một giáo viên làm nòng cốt để vận động nhân dân làm trường lớp cho con em mình đi học. Thầy cô giáo cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Ngoài ra còn dạy bình dân học vụ, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa. Nhiều thầy cô còn tham gia kiêm thư ký cho chính quyền địa phương. Mặc dù khó khăn gian khổ, bệnh tật, sốt rét, da vàng, rụng tóc… nhưng không một giáo viên nào lùi bước.

Sau gần bốn năm, tại Hội nghị Tuyên giáo Miền núi ngày 31-8-1963, Bác Hồ nhận xét: Văn hóa ở miền núi đã tiến bộ nhiều, đồng bào Thái, đồng bào Mèo, đồng bào Tày, đồng bào Nùng đã có chữ của mình, như thế là tốt. Nạn mù chữ đã xóa bỏ được nhiều, nhưng còn chậm. Cần phải đẩy mạnh học tập văn hóa hơn nữa. Nhân dịp này Bác gửi lời khen anh chị em giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi làm công tác giáo dục. Số học sinh con em các dân tộc ở các trường phổ thông đã tăng rất nhiều, các cô các chú có thể tự hào, nhưng không được tự mãn. Lời căn dặn ấy đã được truyền tới tất cả các giáo viên trong Khu tự trị, kịp thời động viên, khích lệ chúng tôi rất nhiều.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ấy vậy mà đã 60 năm trôi qua. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy rất tự hào, bởi số phận đã cho tôi được tham gia trong Đoàn giáo viên năm 1959, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho quê hương Sơn La. Điều đáng mừng là, gần như toàn bộ giáo viên thời kỳ đó, sau này có người được chuyển vùng, nhưng rất nhiều người đã ở lại đến hôm nay. Dù trong hoàn cảnh nào, ai cũng đều cố gắng, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành. Trong số giáo viên về Sơn La ngày ấy, phần lớn đều trở thành cán bộ chủ chốt của ngành giáo dục và địa phương. Nhiều người trưởng thành, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Trung ương và tỉnh. Đến nay, nhiều thầy cô đã yên nghỉ, gửi lại nắm xương, hồn cốt nơi mảnh đất này. Hiện ở Sơn La chỉ còn 22 thầy cô trong Đoàn giáo viên năm ấy, tuổi đều từ 80 tuổi trở lên. Điều mừng là chúng tôi đều vẫn vui khỏe, minh mẫn. Mỗi dịp gặp lại, ôn chặng đường gian khổ đã qua, ai nấy đều rất tự hào về sự lựa chọn không hối tiếc của mình…

Phóng viên: Vâng, dường như với ông, giáo dục miền núi như một cái duyên, vừa là số phận, vừa là bổn phận?

NGƯT Trần Luyến cùng các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp trồng người, ngày 18-5-2019 tại TP Sơn La.

NGƯT Trần Luyến: Đúng như vậy! Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nguyện vọng tha thiết của tôi là được dạy học, làm nghề giáo. Khởi đầu tôi làm giáo viên dân lập dạy ở quê, sau này lên Sơn La làm giáo viên cắm bản. Sau một thời gian công tác, tôi được phân công làm phụ trách trường hơn 10 năm, rồi điều động về làm cán bộ chuyên môn của Ty giáo dục Sơn La. Hơn 27 năm tham gia trong ngành giáo dục, sau khi nghỉ hưu tiếp tục làm việc 18 năm tại Hội Khuyến học tỉnh, cho đến nay, tôi đã tham gia hoạt động cách mạng hơn 60 năm. Với những đóng góp ấy, tôi đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ngẫm lại cuộc đời mình, tôi thấy đúng là có duyên, có phận, bởi các thành viên trong gia đình tôi từ vợ tôi, con trai, con gái đều làm nghề dạy học. (cười!)

Phóng viên: Điều gì lắng đọng, sâu sắc nhất đối với ông trong nhưng năm tháng gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây?

NGƯT Trần Luyến: Thời gian đầu lên với Sơn La, tôi vô cùng bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn để hòa nhập vùng đất mới. Nhưng được đồng bào các dân tộc cưu mang, đùm bọc, được các em học sinh yêu mến, coi như người thân. Gia đình bà mẹ Bạc Thị Inh, ở bản Muôn, xã Chiềng Muôn, huyện Thuận Châu đã nhận tôi làm: Lụ liệng (con nuôi). Bà chăm lo cho tôi từng li, từng tý, từ cái ăn, cái mặc, đến chữa bệnh, rồi dạy tôi học tiếng Thái. Sau gần một năm tôi đã nói được tiếng Thái. Chính tình cảm đó đã hun đắp nhiệt tình cách mạng cho tôi. Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, chúng tôi đã lao vào công việc không biết mệt mỏi, quên cả thời gian.

Bài học quý giá đối với tôi là làm cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc phải gần dân, thương dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, coi đồng bào như người thân, ruột thịt thì việc gì cùng thành công!

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả 60 năm qua thực hiện lời dạy của Bác Hồ về sự nghiệp giáo dục ở Sơn La?

NGƯT Trần Luyến: Để xứng đáng với muôn vàn tình yêu thương của Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La đã bền bỉ thực hiện di huấn và Di chúc của Bác Hồ, chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Nhờ thực hiện lời dạy của Bác, sự nghiệp giáo dục đào tạo của Sơn La đã có sự phát triển vượt bậc, đã biến không thành có, biến yếu thành mạnh và đạt được những thành tích cực kỳ to lớn, gấp trăm, gấp nghìn lần giai đoạn năm 1959 - 1960. Cụ thể: Đến nay, Sơn La tuy còn là tỉnh nghèo, nhưng mạng lưới trường lớp chính quy bền vững đến tận cơ sở, với 843 cơ sở giáo dục đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Cho đến nay, Sơn La đã xây dựng được một đội ngũ hàng chục nghìn cán bộ giáo viên hùng hậu, có trình độ, năng lực, nhiệt huyết với nghề. Đến nay, phổ cập giáo dục xóa mù chữ bậc tiểu học đạt 99,7%, phổ cập bậc THPT đạt 99%, thực hiện được mong muốn của Bác Hồ là ai cũng được học hành, được phát huy tài năng.

Tôi rất tự hào vì dân trí được nâng cao, nhân lực được đào tạo, nhân tài được được bồi dưỡng. Sơn La hiện có học sinh đạt ba huy chương Vàng quốc tế, có em đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2018. Đội ngũ trí thức ở Sơn La đến nay có 32 nghìn người có trình độ cao đẳng, đại học. Trong đó, hơn 1.018 thạc sĩ, 100 tiến sĩ, bảy giáo sư, phó giáo sư. Sự nghiệp giáo dục đào tạo đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, đưa Sơn La trở thành một trong những tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh trung du miền núi phía bắc.

Phóng viên: Ông suy nghĩ thế nào giữa giáo dục và đào tạo với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống?

Hội thảo khoa học: 60 năm dấu ấn lịch sử Bác Hồ về thăm Tây Bắc ngày 26-2-2019 tại TP Sơn La.

NGƯT Trần Luyến: Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, tôi nhận thấy rằng, quan điểm của Đảng, Nhà nước coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu là vô cùng sáng suốt. Bác Hồ từng nói: Có tài mà không có đức thì cũng vô dụng. Do đó, giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đạo đức lối sống để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những người không thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, xa vào lối sống vụ lợi cá nhân, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi sẽ dần dẫn đến thoái hóa, biến chất. Cho nên công tác giáo dục, đào tạo con người là rất quan trọng. Đồng thời, Đảng ta phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận xã hội sẽ giúp cho việc nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.

Phóng viên: Mới đây, câu chuyện đau lòng về sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại Sơn La và một số tỉnh, ông có suy nghĩ gì?

NGƯT Trần Luyến: Đúng là rất đau lòng và xấu hổ. Đảng, chính quyền và ngành giáo dục Sơn La đang kiên quyết xử lý nghiêm minh. Bài học kinh nghiệm của cách mạng phải nhận ra cái sai, phải kiên quyết sửa chữa. Việc vi phạm nghiêm trọng nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng không có nguyên nhân nào bắt nguồn từ quan điểm giáo dục đào tạo của Đảng và triết lý giáo dục Nhà nước ta.

Tôi nghĩ rằng, Sơn La có đội ngũ hơn 2.000 cán bộ quản lý giáo dục, 19.500 giáo viên các cấp, họ đều là cán bộ giáo viên tốt, có trách nhiệm. Số cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi ích nhóm, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, tổn hại đến danh dự, uy tín của ngành giáo dục Sơn La chỉ là con số rất nhỏ, “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì sai phạm của nhóm người này mà phủ nhận, hoặc đánh giá không đúng về thành quả to lớn mà ngành giáo dục đào tạo tỉnh Sơn La đạt được trong suốt chặng đường qua. Sai thì phải sửa, phải xử lý nghiêm minh, làm cho giáo dục lành mạnh, trong sạch. Giáo dục đào tạo Sơn La phải thực hiện cho được nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, trước hết là cho tỉnh Sơn La.

Phóng viên: Với công việc khuyến học, khuyến tài, ông muốn nhắn gửi điều gì, thưa ông?

NGƯT Trần Luyến: Hiếu học là truyền thống tốt đẹp, là đạo đức, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam ta. Từ ngày thành lập 23-10-2001 đến nay, được sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam giúp đỡ, Hội Khuyến học Sơn La đã làm được nhiều việc lớn, tạo được nhiều mô hình gia đình hiếu học, dòng họ, cơ quan, đơn vị hiếu học, xây dựng được phong trào toàn dân học tập và đạt được nhiều thành tích quan trọng. Sơn La trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu phong trào khuyến học ở khu vực và cả nước.

Mới đây, ngày 10-5-2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa X về công tác khuyến học – khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Ban Bí thư nhấn mạnh: “Việc duy trì và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, trước hết là người đứng đầu”.

Bởi thế, tôi tha thiết đề nghị già, trẻ, trai, gái, công, nông, trí thức, các gia đình dòng họ, cộng đồng dân cư hãy thường xuyên học tập, học suốt đời theo tấm gương của Bác. Hãy sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Phóng viên: Vâng! Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình và thú vị này.

ĐỨC TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/41413802-chang-trai-binh-luc-ca-doi-vi-su-nghiep-giao-duc-mien-nui.html