Chàng trai Anh kể chuyện cách ly ở Hà Nội

Gavin Wheeldon, công dân Anh, được đưa đến một trung tâm cách ly ở Sơn Tây, Hà Nội từ ngày 14/3 khi vừa hạ cánh ở Hà Nội trên chuyến bay từ London, Anh.

Mở đầu nhật ký cách ly, Gavin Wheeldon cho biết: “5 giờ sáng, tôi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với niềm hy vọng về cuộc sống mới tại đất nước tôi yêu thích. Ngay khi chúng tôi vừa rời khỏi máy bay, đã thấy xuất hiện rào chắn và phải hoàn thành tờ khai y tế. Có cả các nhân viên mặc quần áo bảo hộ. Mọi thứ đang rất thực tế, không chỉ là trên báo nữa rồi.

Gavin Wheeldon trong khu cách ly ở Sơn Tây

Gavin Wheeldon trong khu cách ly ở Sơn Tây

Mỗi người chúng tôi phải chờ đợi và xuất trình hộ chiếu. Đột nhiên tôi cảm thấy may mắn vì mình đã điền tờ khai y tế trực tuyến và không phải xếp hàng. Cuối cùng, tôi được lấy mẫu dịch mũi và họng rồi được yêu cầu ngồi trong khu vực đặc biệt.

Tôi nhìn dòng người chầm chậm xếp hàng dài. Khách "Tây", khách Việt, tất cả đều đang xếp hàng. Vài tiếng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa có thêm thông tin.

Sau 4-5 tiếng, chúng tôi được thông báo mình có 2 sự lựa chọn: Một là nhận lại hộ chiếu và book một chuyến bay khác hoặc đi cách ly 14 ngày tại Việt Nam. Mọi thứ sẽ miễn phí nếu kết quả xét nghiệm của chúng tôi là âm tính, nếu không khách nước ngoài sẽ chịu chi phí điều trị. Người Việt Nam sẽ được khám chữa miễn phí.

Khi một du khách thắc mắc, có người phiên dịch ở đây để giúp đỡ chúng tôi – những khách du lịch đang được ở một nơi mà mọi người đang làm hết sức mình để bảo vệ chính mình, và giờ họ cũng đang dành điều đó cho chúng tôi. Tất cả khách Việt Nam trên chuyến bay đều vào khu cách ly còn chúng tôi phải đưa ra sự lựa chọn. Chúng tôi có 4 người phương Tây, tất cả đều xa lạ chỉ có một điểm đến chung là phải vượt qua những điều này. Chúng tôi không biết những gì đang chờ đợi phía trước, chỉ biết rằng khu cách ly ở khá xa.

Chúng tôi được đưa đến nơi giống như cổng vận chuyển hàng hóa. Hộ chiếu của chúng tôi được đựng trong túi màu vàng và tôi bắt đầu suy nghĩ khi ra khỏi sân bay: Chúng tôi có được ăn uống đầy đủ không? Liệu có phải ở gần người bệnh không? Cảnh vật xung quanh thay đổi từ phố xá đông đúc đến đường cao tốc dẫn vào vùng nông thôn, cho đến khi đến một khu cách ly quân sự.

Họ phun khử khuẩn khi chúng tôi đến và đưa chúng tôi tới khoảng sân rộng đặt hành lý cũng được khử trùng. Tôi nhìn quanh thấy 2 dãy nhà lớn và hàng rào. Mọi người mặc trang phục bảo hộ. Chúng tôi từng người một ghi danh và được hướng dẫn tới phòng của mình.

Những người châu Âu chúng tôi ở một khu, nam riêng nữ riêng. Ai đi cùng trẻ nhỏ sẽ ở phòng riêng. Không khí ở sân bay khá lộn xộn nhưng được kiểm soát khá tốt. Điều đó có nghĩa khi nhiều nơi khác còn đang chờ đợi thì Việt Nam đã sẵn sàng.

Khung cảnh khu cách ly qua ống kính của chàng trai người Anh

Khi bước vào phòng, tôi nhìn ra xung quanh, thấy hàng rào, sân tập và những người nông dân đang làm việc ở những cánh đồng phía xa. Điều kiện ở đây tốt hơn nhiều so với những gì tôi mong đợi. Bốn du khách châu Âu ở chung một phòng, với 10 giường tầng. Chúng tôi trò chuyện, nhìn xung quanh và chợp mắt một chút.

Sáng hôm sau, xảy ra một cuộc tranh cãi giữa chúng tôi về việc nói chuyện trong khi những người còn lại đang ngủ. Sau đó mọi thứ cũng được dàn xếp ổn thỏa và chúng tôi thấy rằng cần giữ lịch sự cho người khác hơn. Bữa sáng chúng tôi được ăn bánh mì và thỏa mãn cơn thèm – Tôi rất nhớ hương vị của bánh mì.

Một du khách châu Âu ở cùng phòng với Gavin

Sau đó, một chiến sĩ trở lại và đưa thẻ sim đã mua cho tôi. Tôi muốn “tip” cho anh ấy vì đã giúp mình nhưng anh từ chối, chỉ lấy tiền sim. Người phiên dịch đến ngay sau đó và hỏi chúng tôi về thời gian ở đây. Cô ấy nói rằng mình không đến từ đại sứ quán mà là nhân viên tình nguyện ở đây để giúp chúng tôi. Kết quả xét nghiệm có trong đêm và tất cả chúng tôi đều âm tính trừ một người đàn ông lớn tuổi ở hạng thương gia.

Tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng có chút lo lắng. Liệu tôi có đứng gần ông ấy không? Tôi có chạm vào nơi ông ấy từng chạm không? Tất cả những gì tôi được biết là ông ấy không đi cùng chúng tôi sau khi rời sân bay. Chúng tôi liên lạc với người thân và thông báo sẽ ở đây trọn 14 ngày.

Nhân viên mặc quần áo bảo hộ khử khuẩn các phòng

Bên ngoài, mọi thứ khá yên bình, tĩnh lặng. Các chiến sĩ làm việc không mệt mỏi để khử trùng các phòng hàng ngày, kiểm tra thân nhiệt của chúng tôi và dọn sạch rác. Họ rất thân thiện và tận tình chăm sóc chúng tôi. Đến giờ, nơi này giống như đi nghỉ dưỡng hơn là cách ly. Trong phòng, chúng tôi có đồ ăn nhẹ, trái cây và các thứ từ bên ngoài gửi vào.

Khi đi dạo bên ngoài, một người đàn ông Việt Nam cất tiếng chào tôi. Anh ấy hỏi tôi vài câu, rằng có bao nhiêu người trong phòng. Tôi trả lời 4, anh ấy nói mình ở phòng 16 người.

Tôi được biết sắp tới sẽ có thêm 700 người nữa tới đây, và trong 12 tiếng, các đoàn xe liên tục tới trong đêm. Đến sáng, chúng tôi có thêm “hàng xóm” và tòa nhà đối diện đã kín người. Tôi có thể lắng nghe âm thanh tận bên kia. Tôi chụp vài bức ảnh và đi xung quanh. Một vài hành lý vẫn lưu lại bên ngoài vì lý do nào đó, trong đó có một chiếc xe đẩy.

Tình hình ở đây vẫn rất ổn. Nỗi sợ tăng lên khi đám đông ngày một tăng, sợ bị nhiễm bệnh, và ai cũng tăng cường cảnh giác. Nhưng có một điều, chúng ta đang cùng nhau ở đây. Và Việt Nam đang rất nỗ lực để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Trang Thu

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chang-trai-anh-ke-chuyen-cach-ly-o-ha-noi-1622021.tpo