Chàng trai 9X bỏ trường ĐH danh tiếng về Việt Nam theo đuổi đam mê nghề giáo

Đổi trường 3 lần, từng quyết định nghỉ học ĐH top đầu châu Á khi chỉ vài tháng nữa là tốt nghiệp và hành trình 10 năm đạt 1 tấm bằng ĐH là những gạch đầu dòng về 'chàng trai vàng trong làng Vật lý'.

Loay hoay tìm lối

Trong cuộc trò chuyện, Phạm Việt Dũng (SN 1990, tại Hà Nội) nói rằng, chỉ khi con người sống có lý tưởng, tâm huyết với đam mê thì thành công ắt sẽ đến. Dù mỗi người có chung điểm xuất phát ban đầu nhưng con đường về đích lại khác nhau. Có người lựa chọn con đường thẳng là sau tốt nghiệp ĐH tìm kiếm cơ hội công việc với thu nhập cao thì với Dũng lại khác. Con đường về đích của anh là một hành trình dài đam mê và nỗ lực.

Dũng kể, ngay từ nhỏ, anh khá hiếu động, nghịch ngợm. Từng là học sinh đội sổ trong lớp, bước ngoặt thay đổi cuộc đời từ quyết định của người mẹ muốn con trai về quê làm công nhân trong đợt hè chuyển THPT. Từ chàng trai TP, về quê sống với mức lương công nhân ít ỏi 20.000 đồng chỉ mua tạm nổi mấy chiếc bánh mì lót dạ trong ngày, Dũng hiểu những nhọc nhằn của mẹ.

Sau đợt đó, Dũng thay đổi toàn toàn. Nhờ vào lời động viên của thầy giáo, Dũng đã “đổi chiều” bảng điểm học tập của mình, đặc biệt là môn Vật lý. Từ điểm số 4.8 năm lớp 10 nhảy lên 9.8 lớp 12. Năm lớp 12, Dũng đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi Vật lý cấp TP. Năm 2008, Dũng đậu vào trường ĐH Bách Khoa, ngành Kỹ sư Điện – điện tử với số điểm 27.5, trong đó điểm Vật lý là 10 điểm và trở thành một trong rất ít thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Vật lý tại kỳ tuyển sinh ĐH năm đó.

Trong thời gian học ở ĐH Bách Khoa, Dũng tự ôn tập, luyện thi đầu vào ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) và đạt học bổng hỗ trợ tài chính 80% với ngành Vật lý và Vật lý ứng dụng. Thế nhưng, Dũng quyết định nghỉ học khi chỉ vài tháng nữa tốt nghiệp. Quyết định về Việt Nam thi lại ĐH Sư phạm Hà Nội khoa Vật lý, Dũng nhận sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình. Bỏ ngoài tai mọi ý kiến trái chiều, Dũng vẫn kiên định với lý tưởng của mình. Năm 2020, với điểm số học tập xuất sắc toàn khóa 3.94/4.0, Phạm Việt Dũng trở thành thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Bên cạnh danh hiệu thủ khoa, Dũng còn tỏa sáng với bảng thành tích “khủng” như giành 2 giải Nhất Olympic Vật lí Sinh viên toàn quốc năm 2018 và 2019; Giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2020 và đề tài được dự thi cấp Bộ; Giải Ba cuộc thi “The first international service learning SL/STEM competition” do Đại sứ quán Ireland tổ chức; 2 Giải Nhất Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp khoa năm 2019 – 2020; 2 Giải Nhất phần thi “Giải bài tập Vật lí” cấp khoa năm 2018 và 2019; Giải Nhất phần thi “Video giảng dạy Vật lí” cấp khoa năm 2018, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”… Thời điểm này, Dũng đang là chuyên gia chương trình khoa học, đào tạo giáo viên của hệ thống giáo dục Vinschool.

Thủ khoa Phạm Việt Dũng và gia đình. Ảnh NVCC

Thủ khoa Phạm Việt Dũng và gia đình. Ảnh NVCC

Kiên định với lý tưởng, đam mê

Thẳng thắn trả lời lý do về Việt Nam học tập, Dũng chia sẻ rằng, thời gian học tập tại ĐH Công nghệ Nanyang, anh luôn đặt câu hỏi “Tại sao đất nước họ lại phát triển hơn Việt Nam”. Sau đó, tự bản thân Dũng tìm câu trả lời phần lớn do nền tảng giáo dục. “Giáo dục rất quan trọng, đặc biệt là giáo dục về khoa học, công nghệ. Giáo dục làm thay đổi căn bản đất nước. Nếu chúng ta có giáo viên giỏi, những con người đó sẽ tạo ra của cải, vật chất chất lượng cao”, Dũng giải thích.

Ngoài ra, Dũng đặt câu hỏi “Tại sao chất lượng đào tạo Việt Nam chưa tốt?” rồi anh đưa ra so sánh lớn về chuyện học môn Vật lý. “Trước đây, khi theo học môn Vật lý THPT, tôi thấy môn Vật lý học kiểu “chay”, truyền thụ kiến thức một chiều. Học sinh không có cơ hội được thực hành, thử nghiệm các thiết bị, sản phẩm thực tế. Đó là nguyên nhân quan trọng, bởi nếu không có sự chế tạo các sản phẩm thực tế thì sau này những người học sinh chỉ có thể làm về lý thuyết. Không tạo ra sản phẩm thì không thúc đẩy đất nước phát triển”. Đây cũng là lý do Dũng khởi xướng CLB “Vui học STEM” trên mạng xã hội Youtube – kênh video cung cấp ý tưởng sáng tạo, mô hình khoa học ứng dụng cho cộng đồng.

Hào hứng chia sẻ về CLB “Vui học STEM”, Dũng cho biết, ngay từ video đầu tiên, chương trình đã nhận được nhiều quan tâm, ủng hộ từ phía thầy cô giáo, các bạn trẻ yêu Vật lý, khoa học. Kênh là địa chỉ để sinh viên có thể rèn nghề, quan sát, góp ý cho nhau, là nguồn tham khảo truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

Sau thời gian học tập tại trường ĐH quốc tế, nhận thấy kênh về khoa học, ứng dụng của Việt Nam đều được đăng tải lại từ các trang mạng nước ngoài. Thứ nhất, chương trình không mang bản sắc giáo dục của Việt Nam. Thứ hai, những video đăng tải chủ yếu bằng tiếng Anh, gây khó khăn đối với bạn trẻ vùng nông thôn, miền núi trong việc tiếp cận tri thức. Việc phát triển kênh khoa học, ứng dụng “made in Việt Nam” nhằm thúc đẩy khả năng sáng tạo, nghiên cứu, phổ biến rộng rãi tới cộng đồng.

Thông qua “xưởng cá nhân” rộng chưa đầy 5m2 trên căn gác tầng 5 của gia đình là nơi Dũng “ra lò” các video mang tính ứng dụng cao. Phải kể đến là chương trình “Các cực của nam châm”, “Con lắc kép siêu dị - Thuyết hỗn mang”, “Cối xay gió Đôn Ki-hô-tê”… thu hút sự quan tâm lớn cộng đồng mạng.

Đối với Dũng, mỗi sản phẩm đều được làm bằng cả tâm huyết, sáng tạo nhưng sản phẩm tâm đắc nhất là video “Động cơ – Máy phát điện một chiều thay đổi được độ nghiêng của cánh”. Anh gọi đó là “máy phát điện tối thượng”, ngoài thiết kế đẹp mắt, sản phẩm còn trang bị công tắc đảo chiều. Điều đặc biệt ở bộ cánh quạt, có 12 cánh, chúng ta thay đổi được số cánh, chiều nghiêng của cánh quạt. Học sinh khảo sát được 2 cánh, 3 cánh, 4 cánh, 6 cánh, 12 cánh. Số cánh quạt có thể thay đổi được góc dễ dàng. Với thiết kế như vậy, động cơ – máy phát điện này có thể được dùng với rất nhiều mục đích trong dạy học như thí nghiệm biểu diễn, thiết bị trải nghiệm, thí nghiệm kiểm hứng định tính, thí nghiệm khảo sát định lượng.

Ngoài thành tích chuyên môn, Dũng còn được biết đến với vai trò sáng lập CLB Superhuman Brother (CLB SW) về thể dục đường phố của người Việt đầu tiên tại nước ngoài và là người có nhiều đóng góp phát triển thể dục phong trào tại Việt Nam.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chang-trai-9x-bo-truong-dh-danh-tieng-ve-viet-nam-theo-duoi-dam-me-nghe-giao-210544.html