Chàng trai 9X biến tấu giày Converse cực độc từ hoa văn triều Nguyễn

La Quốc Bảo - chủ nhân những đôi giày Converse 'độ' từ họa tiết hoa văn triều Nguyễn - mong muốn đem giá trị văn hóa truyền thống đến gần hơn với giới trẻ.

Nghề custom giày (“độ” giày - PV) đang trở thành xu hướng thịnh hành của các bạn trẻ tầm khoảng 3-4 năm trở lại đây. Thế nhưng, với La Quốc Bảo (23 tuổi, quê Kiên Giang) sinh viên ngành thiết kế kiến trúc của Đại học Monash (Melbourne, Úc) không chỉ đơn thuần là biến tấu những đôi giày theo một phong cách mới, độc, lạ mà chàng trai 9X này đã lựa chọn cho mình một hướng đi cực mới mẻ mà cũng chẳng kém táo bạo.

Đó chính là vẽ hoa văn truyền thống lên giày Converse. Để hiểu hơn về hướng đi mới mẻ này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trò chuyện với La Quốc Bảo để lắng nghe những điều thú vị.

La Quốc Bảo chủ nhân của những đôi giày độc đáo với những nét vẽ hoa văn triều Nguyễn.

La Quốc Bảo chủ nhân của những đôi giày độc đáo với những nét vẽ hoa văn triều Nguyễn.

Tại sao anh lại nảy ra ý tưởng vẽ hoa văn truyền thống lên giày Converse và việc triển khai ý tưởng đó như thế nào?

Hoa văn truyền thống luôn là một chủ đề được tôi khai thác từ khi còn ở lớp Mỹ Thuật cấp 2 đến khi sưu tầm và kinh doanh sneakers được hơn 2 năm (2016).

Lúc đó, tôi thử sức với phân khúc custom (độ giày - PV) và định hướng riêng của mình là tập trung vào văn hóa Á Đông. Đến tháng 7/2018 mới tập trung chuyên về nhà Nguyễn với BST Annam Heritage.

Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là khai thác nguồn sử liệu đang thiếu thốn và các đồ án, hoa văn ít lai tập nhất để phát triển ý tưởng.

Những sản phẩm độc đáo do La Quốc Bảo thực hiện.

Lấy cảm hứng từ áo Nhật Bình vẽ lên giày, anh có lo lắng mình sẽ phá vỡ giá trị truyền thống cũng như sẽ nhận phải sự phản đối gay gắt của mọi người?

Thật ra với tôi, áo Nhật Bình là một nguồn cảm hứng và kho tàng mỹ thuật để “ứng dụng” và “hiện đại” hóa chứ không phải “phục dựng”.

Nói theo đúng sử liệu thì áo Nhật Bình còn được cấp cho các mệnh phụ quan lại, quý tộc chứ không riêng hoàng thất nên càng khó có cơ sở cho rằng “đồ ngự” không được phép xâm phạm.

Các ý kiến trái chiều đa phần đều xoay quanh vấn đề này và chủ trương của tôi là giữ vững lập trường, định hướng dư luận rằng ứng dụng mỹ thuật là một hướng đi mới, khác hoàn toàn phục nguyên hay phỏng dựng hiện vật.

Mẫu giày "Nhật Bình" màu chánh hoàng được thiết kế dựa trên bảo vật Nhật Bình màu chánh hoàng.

Tại sao anh không lựa chọn cái khác để đưa những giá trị truyền thống đến gần với giới trẻ mà lại chọn giày converse? Và qua mỗi sản phẩm, anh muốn truyền tải thông điệp gì?

Converse thứ nhất là hãng giày tôi yêu thích nhất từ còn là học sinh cấp 2. Thứ hai, các thiết kế của hãng trải qua hơn 100 năm vẫn không thay đổi đáng kể - mà đây chính là tinh thần mà tôi hướng đến. Lý do thứ 3, cơ bản tôi đã có tầm ảnh hưởng đủ lớn trong cộng đồng chơi giày nhờ vào việc kinh doanh các mẫu Converse hiếm và lạ trong suốt 5 năm qua.

Với mỗi tác phẩm, mỗi hoa văn, mỗi phối màu đều có liên kết và dựa vào một chi tiết lịch sử cụ thể chứ không đơn thuần là một thiết kế chạy theo hình thức. Đó có thể là mẫu giày dựa trên chiếc áo của một vị Công chúa, vị Thái hậu với lịch sử thú vị, hay chỉ đơn giản là một nét độc đáo trong kiến trúc, trang trí của triều Nguyễn như mành rồng, tranh tường...

Để hoàn thành một đôi giày sẽ phải trải qua những công đoạn gì?

Trước nhất phải nói đến thiết kế, vì đây là công đoạn phải qua nhiều bước thử nghiệm để cho một bố cục phù hợp trên giày. Đó là lý do vì sao hình ảnh long bào, phượng bào với bố cục xoáy vào trọng tâm lại ít được khai thác hơn bố cục rời như tranh tường hay hoa văn vải vóc có đồ án lặp.

Bước tiếp theo là gia công, sẽ trải qua phác thảo, đi viền (tùy đôi), phân mảng, đi mảng chính, đi chi tiết, chỉnh sửa, đi chi tiết lần 2, vệ sinh, 48 tiếng hong khô trong môi trường lạnh và kiểm tra lại toàn bộ lần cuối trước khi xỏ dây và đóng hộp.

Nguyên liệu có thể thay đổi từ màu acrylic đến phẩm nhuộm bột từ thiên nhiên và tùy thuộc vào từng mẫu cụ thể mà có thêm nguyên liệu khác như bột vàng, xà cừ...

Mẫu giày "Cửu long ẩn vân" mất 35 tiếng để hoàn thành.

Với những đôi giày “độ” kỳ công như vậy có “chống chỉ định” gì đặc biệt?

Các tác phẩm đều được thực hiện với nguyên liệu siêu chống nước nên rất an toàn và tiện lợi khi mang ở khí hậu Việt Nam, chỉ định duy nhất là không được tiếp xúc xăng dầu, acetone và khăn giấy ướt đóng hộp.

Với mẫu giàu Converse cao cổ có giá dao động từ 7.000.000 đến 15.000.000 đồng và 6.000.000 đồng cho mẫu cổ thấp.

Mỗi sản phẩm đều được gia công chỉn chu và đặt gọn gàng trong hộp bằng gỗ sồi được thiết kế riêng.

Đối tượng khách hàng sở hữu những đôi giày độc đáo trong BST Annam Heritage trải rộng mọi lứa tuổi và nghề nghiệp nhưng tựu trung đều yêu thích tìm tòi sử Việt nói chung và nhà Nguyễn nói riêng. Điểm chung nữa chính là gu thẩm mỹ cao, một số có hơi hướng hoài cổ trong khi số khác lại phá cách, táo bạo thích những trải nghiệm mới, vì vậy họ chọn giày với những thiết kế mới lạ.

Anh nghĩ sao về xu hướng phỏng dựng lại cổ phục thời gian gần đây?

Phong trào cổ phục hiện nay đang tăng mạnh là một tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là các cán bộ sở Văn hóa Huế đã bắt đầu đưa áo ngũ thân tay chẽn vào văn phòng - đây chính là thành tựu lớn nhất khi quá trình khôi phục và quảng bá đã được giới công chức nhà nước đón nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cá nhân/ tổ chức chạy theo hình thức và lợi nhuận mà làm những bộ cổ phục sơ sài và thiếu kiến thức nền trầm trọng; hay những ekip điện ảnh/âm nhạc lẫn lộn giữa văn hóa Hoa - Việt nhưng vẫn tự xưng là chuẩn sử. Với những trường hợp này đáng bị lên án và chấn chỉnh để tránh gây ấn tượng xấu và truyền tải kiến thức lệch lạc đến khán giả.

Trong thời gian tới, anh có dự án hay đang ấp ủ thực hiện ý tưởng gì?

Thời gian tới, tôi vẫn thực hiện song song các dự án Ứng dụng hóa mỹ thuật Cung đình Nguyễn và công tác với vai trò là nghiên cứu/ cố vấn viên bán chuyên cho các dự án Phục/phỏng dựng cổ phục và Phim ảnh ca nhạc với chủ đề cổ trang.

Cảm ơn La Quốc Bảo về những chia sẻ!

Cuối năm 2019 tại Sydney, triển lãm “Present from the Past” của Vietnam Centre đã được tổ chức nhằm quảng bá những cổ vật của Việt Nam ra thế giới. Tại triển lãm, La Quốc Bảo đã mang 3 mẫu giày đi trưng bày gồm “Nhật Bình” màu chánh hoàng, “Mành Rồng” và “Ðông Hồ: Ðàn Lợn”.

Ngoài ra, Bảo còn tham gia triển lãm Vietnamme Talk tại Sài Gòn với chủ đề Ứng dụng hóa đề tài Việt Nam; tham gia cố vấn dự án điện ảnh ngắn “Cố Du” của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân; tham gia cố vấn lịch sử dự án “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy và đạo diễn Kawaii Tuấn Anh; tham gia nghiên cứu và dựng lại long bào nhà Nguyễn và phụng bào của Đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng thái hậu.

Dương Thị Thu Nga

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chang-trai-9x-bien-tau-giay-converse-cuc-doc-tu-hoa-van-trieu-nguyen-a493371.html